e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Bắc Giang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI

09:00 | 08/11/2022 Print
Cùng với ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, Bắc Giang cũng đề ra loạt nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt nhằm quyết tâm cải thiện thực chất, góp phần nâng hạng chỉ số PCI địa phương trong năm 2022.

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2021, Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế khá, đạt 64,74 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm 2020 (63,98 điểm); xếp hạng 31/63 tỉnh, thành, giảm 4 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố).

Năm 2021, trong 10 chỉ số thành phần, Bắc Giang có 5 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (đổi tên từ 2 chỉ số thành phần: Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp), Tính minh bạch, Tiếp cận đất đai, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự, Chi phí không chính thức. Các chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Chi phí gia nhập thị trường, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động, Chi phí thời gian và Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh.

Trong những năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bắc Giang có sự cải thiện tích cực và tiếp tục nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá trên bảng xếp hạng. Về mặt điểm số, mặc dù có sự tăng điểm (tăng 0,76 điểm) so với năm 2020, tuy nhiên thứ hạng PCI 2021 giảm 4 bậc (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố).

Trong các chỉ số thành phần tăng điểm, có 2 chỉ số thành phần đã cải thiện thứ bậc mạnh mẽ trong năm vừa qua gồm chỉ số thành phần “Tính minh bạch” tăng 34 bậc (xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố) và chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” tăng 29 bậc (xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố).

Bắc Giang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI
Ban Giang quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI 2022

Nhóm 3 chỉ số thành phần được gán trọng số cao (20%) gồm “Tính minh bạch”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” và “Đào tạo lao động” về điểm số năm 2021 không có sự biến động mạnh. Chỉ số thành phần “Tính minh bạch” mặc dù tăng thứ bậc cao, nhưng điểm số chỉ tăng 0,88 điểm so với năm 2020; chỉ số thành phần “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” tăng 0,22 điểm so với năm 2020, nhưng lại giảm 16 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 52/63 tỉnh, thành phố); chỉ số thành phần “Đào tạo lao động” giảm 0,49 điểm so với năm 2020, tăng 1 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố).

Nhằm tạo chuyển biến thực chất giúp nâng hạng chỉ số PCI, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang quyết liệt chỉ đạo các địa phương cần tăng cường hơn nữa những nỗ lực cải thiện và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thuận lợi hóa môi trường, kinh doanh, như: Xây dựng kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc.

Theo đó, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức và hành động sâu sắc. Từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp, người dân và các doanh nghiệp trong Tỉnh cùng phân tích kết quả đánh giá các chỉ tiêu thành phần PCI năm 2021 để hiểu đầy đủ, toàn diện sâu sắc hơn về phương pháp, cách thức đánh giá; vai trò, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là đối với các chỉ tiêu năm 2021 điểm thấp. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém để cải thiện chỉ số PCI trong năm nay. Đặc biệt, cần có giải pháp cải thiện điểm số chỉ số thành phần đang đứng thứ hạng thấp như: “Chi phí thời gian”; “Tiếp cận đất đai”; “Đào tạo lao động”; “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”..., đồng thời đề ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn, mở ra cơ hội mới cho phát triển của Tỉnh trong thời gian tới.

Ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, PCI là chỉ số quan trọng, thể hiện năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ góc nhìn của doanh nghiệp. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện chỉ số PCI là mục tiêu, giải pháp, là động lực để Bắc Giang thay đổi, thay đổi hơn nữa. Việc quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI không chỉ là so với các tỉnh, thành phố, mà về lâu về dài là giải pháp giúp Tỉnh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Mục tiêu của Tỉnh là phải có năng lực cạnh tranh thực sự tốt nhất, được doanh nghiệp đánh giá, cảm nhận được. Chỉ số PCI được cải thiện phải bảo đảm chất lượng lâu dài, thúc đẩy thu hút đầu tư để khai thác tốt lợi thế, thế mạnh của Tỉnh, tăng cường phát triển hơn nữa kinh tế-xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Để đạt được mục tiêu, ông Dương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao từng bước cải thiện chỉ số PCI trong năm nay và những năm tiếp theo, không bằng lòng với kết quả hiện có. Mục tiêu trong năm nay, chỉ số PCI của Tỉnh tối thiểu đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI đứng trong tốp 15 của cả nước. Để đạt được top 15, các đơn vị phải có sự đột phát trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để đạt được chuyển biến thực chất cần phải có hành động cụ thể, nói cần đi đôi với làm, có hình thức khen thưởng và xử lý đối với trường hợp làm tốt và chưa đạt yêu cầu.

Bắc Giang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số PCI
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến thực chất, cải thiện năng lực cạnh tranh của Bắc Giang

Theo đó, các đơn vị cần tập trung vào các chỉ số giảm điểm, chỉ số đứng thứ hạng thấp để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo lộ trình. Chỉ số giảm điểm cần tập trung cải thiện, chỉ số có số điểm khá cần giữ vững và nâng cao hơn nữa. Các sở, ban, ngành và các địa phương cần xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải thiện PCI là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ khó, từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Các đơn vị có giải pháp thực hiện cụ thể; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công; chấn chỉnh cách thức làm việc của cán bộ tại bộ phận một cửa các cấp; quan tâm hỗ trợ cả doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cần phải rà soát lại, tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Các ngành, địa phương phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động đối thoại và tiếp doanh nghiệp để lắng nghe vướng mắc. Khi doanh nghiệp gặp khó cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, đẩy mạnh hóa đơn điện tử...

Nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo và thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI trong năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 418/KH-UBND, ngày 7/07/2022 về việc nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trong đó, tập trung đưa ra triển khai một loạt giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo sự bứt phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh.

Tại Kế hoạch, Tỉnh đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu nâng điểm số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 66,30 điểm, tăng 1,56 điểm so với năm 2021; xếp hạng tối thiểu 25/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế “khá” trên bảng xếp hạng cả nước.

Tập trung cải thiện nâng cao điểm số của các chỉ số thành phần được gắn trọng số cao và ảnh hưởng lớn đến tổng điểm PCI gồm: Khắc phục những hạn chế của 5 chỉ số giảm điểm năm 2021, đó là: “Chi phí gia nhập thị trường”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Đào tạo lao động”, “Chi phí thời gian” và “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”; tiếp tục cải thiện điểm số, thứ hạng của 5 chỉ số tăng điểm trong năm 2021 là: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, “Tính minh bạch”, “Tiếp cận đất đai”, “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”, “Chi phí không chính thức”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Phát huy hơn nữa tính năng động, tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo các cấp, các ngành; đề cao tinh thần, thái độ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành phù hợp với khuôn khổ pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết khó khăn, những vấn đề mới phát sinh, chưa rõ trong các quyết định, chính sách của Nhà nước; mạnh dạn đề xuất các giải pháp có tính đột phá nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư