e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Ninh Bình đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội

22:56 | 10/11/2022 Print
Ngay từ đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển kinh tế, xã hội, trong đó xác định thu hút đầu tư là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh và đã đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và lãnh đạo Tỉnh đến thăm doanh nghiệp may mặc tại Cụm công nghiệp Gia Vân, tỉnh Ninh Bình

Năm 2022, là năm quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đây cũng là năm đánh dấu bước ngoặt lớn của Tỉnh- năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình là một trong 18 tỉnh, thành phố của cả nước tự cân đối ngân sách (với tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%). Do đó, ngay từ đầu năm 2022, nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình quan tâm triển khai thực hiện, trong đó xác định thu hút đầu tư là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp

NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Gia Vân và các doanh nghiệp đầu tư trong Cụm công nghiệp Gia Vân

Với phương châm: “Đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang hướng chủ động; xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành", ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết định thành lập Ban xúc tiến đầu tư do Chủ tịch UBND Tỉnh là Trưởng Ban; các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng Ban; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành trong Tỉnh là Ủy viên. Ban xúc tiến đầu tư có chức năng, nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình; kế hoạch; đề án xúc tiến, vận động, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh Ninh Bình; trực tiếp tiếp đón và làm việc với nhà đầu tư để nắm bắt ý tưởng, nhu cầu đầu tư vào địa bàn Tỉnh; xem xét đề xuất dự án của nhà đầu tư, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục theo quy định để báo cáo UBND Tỉnh và cấp có thẩm quyền chấp thuận, cho phép đầu tư đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Với những nỗ lực lớn trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư của các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình đã góp phần xây dựng hình ảnh, quảng bá môi trường đầu tư của Tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước với hình thức, quy mô hợp lý; mang lại hiệu ứng tích cực và đạt được hiệu quả cao.

Trong năm, Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Bình tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị này đã thu hút 40 đại diện các doanh nghiệp đến tham dự với sự tham gia của các chủ tịch, CEO các tập đoàn, tổng công ty lớn chuyên đầu tư về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đa lĩnh vực như: Tập đoàn Thành Thành Công, Tập đoàn Đồng Tâm, CEN Group, Tập đoàn SSG, Tập đoạn Masterise, Tổng công ty IDICO, Saigon Tourist…, qua đó đã góp phần quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào Tỉnh.

Tập trung xây dựng các tài liệu xúc tiến đầu tư có nội dung phong phú, đa dạng như: Sách “Ninh Bình-Hội nhập và Phát triển bền vững”; video clip “Ninh Bình-Điểm đến thành công của các nhà đầu tư”; slide, brochure, postcard… giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, danh mục vị trí thu hút đầu tư, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Tỉnh; tuyên truyền trên các đài báo như: Báo Đầu tư, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, kênh truyền hình VTV1, VOV, SCTV8... Mặt khác, thường xuyên cập nhật các thông tin, dữ liệu xúc tiến đầu tư của Tỉnh lên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh và trên website của các sở, ban, ngành bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh.

Cùng với đó, Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp trong các KCN, CCN để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người lao động nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đều bố trí thời gian tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp (vào thứ 5 của tuần cuối tháng) theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc một cách nhanh chóng, kịp thời; đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tạo lập một môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai và minh bạch.

Tỉnh Ninh Bình xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thường xuyên và liên tục, góp phần quan trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Với những cố gắng nỗ lực trong công tác này, 9 tháng đầu năm 2022 Tỉnh đã tiến hành đơn giản hóa 26 thủ tục hành chính (trong đó 24 thủ tục hành chính cắt giảm thời gian thực hiện, 2 thủ tục hành chính cắt giảm thành phần hồ sơ), tổng thời gian cắt giảm được 2.027 giờ trong quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chuyển đổi phong cách làm việc từ “quản lý sang phục vụ”, từ ngày 22/8/2022, tỉnh Ninh Bình đã triển khai hỗ trợ lập hồ sơ miễn phí các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, sau 2 tháng triển khai đã hỗ trợ được 217 hồ sơ.

NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Đồng Hướng, tỉnh Ninh Bình

Kinh tế - xã hội tăng trưởng và phát triển

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chú trọng công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trên các lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng, cụ thể:

Kết quả nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP toàn Tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,32% (riêng trong quý III/2022 tốc độ tăng trưởng đạt 12,64%).

Giá trị sản xuất công nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 66,2% kế hoạch. Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 53.428 tỷ đồng, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao như: Xe ô tô chở hàng hóa tăng 41,6%; modul camera tăng 34%; quần áo các loại tăng 18,5%; giày dép các loại tăng 10,8%...

NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Văn Phong, tỉnh Ninh Bình

Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ phát triển. Diện mạo nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tính đến hết tháng 9 năm 2022, toàn Tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 275 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 7 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn Tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng đầu năm nay đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 66,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.499,4 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2.548,9 triệu USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; tập trung vào các nhóm mặt hàng như: Linh kiện điện tử; linh kiện phụ tùng ô tô; phụ liệu sản xuất giày dép, vải và phụ liệu may mặc…

Du lịch có bước phục hồi mạnh mẽ, tổng số lượt khách đến các khu, điểm du lịch tham quan trên địa bàn 9 tháng ước đạt trên 2.779 nghìn lượt khách, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 11,2% kế hoạch. Doanh thu du lịch 9 tháng trên địa bàn Tỉnh ước đạt trên 1.950 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 10,6% kế hoạch. Tổng thu ngân sách ước đạt trên 16.900 tỷ đồng, đạt 84,5% dự toán, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu hút đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 15 dự án (2 dự án trong KCN); đồng thời cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho 56 dự án (trong đó có 6 dự án trong KCN), tăng 7 lượt dự án so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đầu tư đăng ký (gồm cả các dự án đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư ) là 5.384 tỷ đồng, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục được duy trì ổn định. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Ninh Bình đã đăng ký thành lập mới 907 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước) với tổng số vốn đăng ký đạt 4.940,1 tỷ đồng; có 285 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại (tăng 48,44% so với cùng kỳ năm trước); chấp thuận thay đổi cho 1.083 lượt doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 5,97% so với cùng kỳnăm trước).

Hoạt động xăn hóa - xã hội trên địa bàn Tỉnh tiếp tục được quan tâm, phát triển toàn diện, các giá trị văn hóa truyền thống căn bản được bảo tồn và phát huy. Giáo dục đào tạo phát triển cả quy mô và chất lượng, liên tục đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cơ sở vật chất được tăng cường. Lĩnh vực y tế được tập trung đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 hơn 2 năm vừa qua.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh

NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và lãnh đạo Tỉnh đến thăm doanh nghiệp dệt may tại Cụm công nghiệp Gia Phú, tỉnh Ninh Bình

Để góp phần nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình đối với các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy nhanh tốc độ thu hút đầu tư vào Tỉnh, được biết trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư.

Cùng với đó, nghiên cứu, ban hành danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội; trong đó xác định rõ mục tiêu đầu tư, quy mô đất đai, hiện trạng mặt bằng, tiền thuê đất dự kiến, mật độ xây dựng, cơ sở hạ tầng kết nối và các chỉ tiêu khác để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, xây dựng danh mục dự án thuộc các khu đất có giá trị thương mại cao trong các khu đô thị, trung tâm thị trấn, thị tứ (dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nhà ở cao cấp...), từ đó xây dựng phương án đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với các tổ chức xúc tiến đầu tư có uy tín như: Jetro (Tổ chức xúc tiến Nhật Bản), Kotra (Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc) để cùng xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Ninh Bình. Thành lập các bộ phận xúc tiến đầu tư chuyên sâu theo từng thị trường, đối tác đầu tư, trước mắt là bộ phận xúc tiến đầu tư Nhật Bản (Japan – Desk).

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình (DDCI). Qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên các lĩnh vực. Tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của công chức, viên chức; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, sử dụng nhiều lao động.

Với sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình trong hoạt động đổi mới xúc tiến và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tạo được những bước đột phá lớn trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội của Tỉnh phát triển nhanh, mạnh và bền vững./.

NINH BÌNH ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ  HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO  PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn và Đoàn công tác của Tỉnh đến thăm doanh nghiệp dệt may trong Cụm công nghiệp Đồng Hướng, tỉnh Ninh Bình

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư