e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Lao động - Việc làm

Tiếp cận thị trường khó tính, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu lao động

22:35 | 14/11/2022 Print
Việc khai thác những thị trường khó tính cho người lao động Việt Nam đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong xuất khẩu lao động (XKLĐ) thời gian tới.

Năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Mở rộng thị trường cho xuất khẩu lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Ảnh minh họa

Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, cơ quan này sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như: Đức; Nga; Australia; Israel và một số thị trường châu Âu khác.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022 sẽ tập trung hoàn thiện, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận, đặc biệt tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Hiện, ngoài việc ổn định thị trường lao động truyền thống, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang từng bước mở rộng những thị trường mới, tiềm năng cao.

Để sang các nước ở châu Âu làm việc, người lao động cần đáp ứng được một số yêu cầu chuẩn để quá trình làm hồ sơ cũng như thủ tục chuẩn bị cho hành trình XKLĐ châu Âu diễn ra nhanh chóng và đem lại hiệu quả cao. Một số điều kiện như sau:

- Có bằng tốt nghiệp bậc trung học phổ thông trở lên.

- Có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.0 (nhiều nước ở châu Âu yêu cầu thêm chứng chỉ ngôn ngữ của nước đó).

- Có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh.

- Có lý lịch trong sạch, không có tiền án tiền sự.

- Trong độ tuổi từ 18 – 30 tuổi.

Ngoài những yêu cầu chung trên, tùy thuộc vào quốc gia, ngành nghề lao động bạn chọn sẽ có thêm các điều kiện khác như: ngoại hình, kinh nghiệm làm việc, bằng cấp…

Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), các thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc, ngoài các chương trình mà hai bên đã ký kết như EPS (Hàn Quốc) và IM Japan (Nhật Bản), các quốc gia này đang đẩy mạnh việc thu hút nhân lực có chất lượng, tay nghề cao hơn từ Việt Nam.

Trong tháng 11/2022, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có thông báo về kế hoạch tuyển chọn ứng viên điều dưỡng đi làm việc tại Đức với số lượng là 160 người. Việc tuyển chọn nằm trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác Dự án “Ba bên cùng có lợi - Tuyển chọn học viên Việt trở thành điều dưỡng viên tương lai tại CHLB Đức”.

Tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức. Sau khi kết thúc khóa học, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia, được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài tại Đức theo quy định pháp luật của Đức. Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo và tiếp nhận của Đức, học viên được hưởng lương học nghề tối thiểu: Từ 1.100 EUR/tháng (tương đương 27,5 triệu đồng), đến 1.300 EUR/tháng (tương đương 34 triệu đồng).

Đức đang thiếu hụt nhân lực, trong đó phải kể đến việc thiếu hụt khoảng 40.000 nhân sự y tế như: Điều dưỡng, hộ lý mỗi năm. Các ngành như: Xây dựng, cơ khí ôtô, nhà hàng - khách sạn cũng đang cần một lượng lớn lao động đến từ bên ngoài khối EU.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Australia. Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ Australia đâ lựa chọn Việt Nam trở thành 1 trong 4 nước ưu tiên tham gia sớm chương trình này gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Tham gia vào Chương trình sẽ giúp lao động Việt Nam tích lũy được thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, đồng thời đem lại thu nhập cho người lao động trong thời gian làm việc tại Australia và gửi thu nhập về nước. Dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với số lượng khoảng 1.000 lao động/năm; mức lương cơ bản (chưa trừ chi phí sinh hoạt) từ 3.200 AUD- 4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập được đánh giá cao so với các thị trường tiếp nhận lao động khác.

Đây là tín hiệu vui đối với lao động Việt Nam, mở ra cơ hội XKLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực mà lao động Việt Nam có thế mạnh tại quốc gia phát triển và có nền nông nghiệp hiện đại như Australia.

Đó chỉ là những tín hiệu vui mới đây. Ngoài ra, có thể kể tới các nước như: Canada, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hungary, Bulgaria, Romania... cũng là những thị trường có nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc. Các quốc gia châu Âu này có hệ thống an sinh xã hội tốt, việc làm đa dạng, phù hợp với người lao động Việt Nam và cho thu nhập khá cao. Các doanh nghiệp đang phối hợp với đối tác nước ngoài để triển khai các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết và đăng ký.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, song song với việc tìm kiếm các thị trường mới, bền vững cho người lao động, Bộ cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, lao động Việt Nam chủ yếu lao động phổ thông, chỉ đáp ứng được thị trường châu Á. Chênh lệch về trình độ, năng lực con người và kỹ thuật chính là rào cản khiến cho Việt Nam chưa thể tiếp cận thị trường XKLĐ ở những nước phát triển của châu Âu. Do đó, Việt Nam cần nâng tỷ lệ lao động tay nghề cao; quy hoạch lại ngành nghề mũi nhọn để đào tạo, hướng tới nghề nào thì có chính sách ưu đãi cho nhóm ấy. /.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư