Chỉ ra các động lực mới để Nghệ An trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ

22:17 | 14/11/2022 Print
Trong giai đoạn gần đây, tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa khai thác, nhiều mục tiêu chưa đạt. Trong giai đoạn tới, nếu không tìm ra các động lực mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình thì khó đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra hôm nay (ngày 14/11). Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tham dự Hội nghị.

Chỉ ra các động lực mới để Nghệ An trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, nếu không tìm ra các động lực mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình thì Nghệ An khó đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: MPI

Khai thác các tiềm năng để trở thành đầu tàu dẫn dắt Vùng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Nghệ An đối với công tác quy hoạch, đến nay Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng xem xét thông qua. Trong giai đoạn gần đây, tỉnh Nghệ An đã có bước phát triển, đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa khai thác, nhiều mục tiêu chưa đạt.

Trong giai đoạn tới, nếu không tìm ra các động lực mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình thì khó đạt được mục tiêu đề ra. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, làm thế nào để phấn đấu trở thành vùng động lực mới, đạt mục tiêu tăng trưởng; khai thác hết tiềm năng, trở thành đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa, tạo ra giá trị, tạo ra động lực, đây cũng là cốt lõi của quy hoạch; phải bám sát Luật Quy hoạch và các quy định về quy hoạch, trong đó có tính đến yếu tố vùng để phát triển chung, tạo hiệu ứng trong cả nước.

Chia sẻ về quá trình xây dựng quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch và các văn bản có liên quan, Tỉnh đã xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và được của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg, ngày 04/8/2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ XIX. Đây là vấn đề mới, khó nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch và hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định.

Chỉ ra các động lực mới để Nghệ An trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kiên trì thực hiện định hướng phát triển bền vững. Ảnh: MPI

“Đây sẽ là công cụ để chính quyền các cấp của Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong việc hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; là căn cứ để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân đầu tư, kinh doanh, sản xuất, qua đó huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển Tỉnh, đến năm 2030 trở thành Tỉnh khá trong cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ.

Quan điểm xuyên suốt trong quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là kiên trì thực hiện định hướng phát triển bền vững; không phát triển bằng mọi giá, nhưng quyết tâm tạo đột phá ở một số lĩnh vực và khu vực trọng điểm có lợi thế; phát triển nhanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn. Mối quan hệ liên vùng, liên huyện và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực trên phạm vi toàn Tỉnh, trở thành trung tâm vùng trên một số lĩnh vực có ưu thế.

Trên tinh thần đó, quy hoạch tỉnh Nghệ An lần này xác định phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược, hình thành 4 hành lang kinh tế, 5 lĩnh vực trụ cột, xây dựng 6 trung tâm đô thị.

Trong đó, 2 khu vực động lực tăng trưởng được xác định là TP. Vinh mở rộng (sáp nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên vào TP. Vinh) và Khu kinh tế Nghệ An (mở rộng).

3 đột phá chiến lược gồm: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; (2) Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển; (3) Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người Nghệ An.

Mục tiêu cụ thể thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Nghệ An theo kịch bản tăng trưởng nhanh: ưu tiên phát triển công nghiệp trở thành động lực đột phá; thương mại, dịch vụ hiện đại là mũi nhọn; nông nghiệp sạch là nền tảng.

Theo đó, quy hoạch cũng đã xây dựng các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trên các lĩnh vực, trong đó có 9 mục tiêu về kinh tế, 11 mục tiêu về văn hóa - xã hội, 6 mục tiêu về môi trường và 1 nhóm mục tiêu về quốc phòng - an ninh.

Theo đó, một số mục tiêu quan trọng về kinh tế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 11,1%/năm. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10,2%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 12,0%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD (giá hiện hành). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 12%/năm.

Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, thu nhập cao, văn minh, hiện đại của cả nước.

Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại biểu là các chuyên gia phản biện, thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá, hồ sơ quy hoạch cơ bản đã bám sát quy định. Báo cáo tổng hợp quy hoạch tỉnh Nghệ An cơ bản đã thể hiện được tương đối đầy đủ các nội dung đề xuất theo nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1179/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 04/8/2020. Cấu trúc và nội dung của báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cơ bản đã bám sát các nội dung quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị rà soát, biên tập đảm bảo tính thống nhất về tính liên kết trong định hướng và bố trí không gian phát triển của một số ngành, lĩnh vực; rà soát các số liệu, dữ liệu trong báo cáo quy hoạch để đảm bảo tính thống nhất; rà soát các nội dung có liên quan, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt; đồng thời, cập nhật nội dung một số quy hoạch ngành quốc gia đang được các bộ hoàn thiện để hoàn thiện phương án phát triển và bố trí các dự án cấp quốc gia trên địa bàn Tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các loại quy hoạch. Phải tận dụng được các tiềm năng, lợi thế về diện tích, các hệ thống giao thông chính tuyến quốc gia đều đi qua tỉnh: có đường biên giới dài; là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh… những giá trị này phải được nâng tầm hơn và thể hiện được khát vọng hơn trong bản quy hoạch.

Các ý kiến phản biện cũng đề nghị Nghệ An làm rõ về không gian phát triển; các chỉ tiêu về kinh tế biển, du lịch… nhất là làm rõ nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, để tổ chức thực hiện khi chọn kịch bản phát triển cao nhất với 11%.

Ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng, cần nghị bổ sung, làm rõ hơn đánh giá tác động, ảnh hưởng các yếu tố, điều kiện phát triển đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; bổ sung phân tích, đánh giá về tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa tỉnh Nghệ An với tỉnh lân cận; phân tích, đánh giá vị trí, vai trò của Tỉnh đối với vùng và quốc gia; bổ sung dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Tỉnh...

Về lựa chọn kịch bản phát triển, cần xem xét, thuyết minh rõ tính khả thi, sự sẵn sàng về nguồn lực để thực hiện kịch bản phát triển đã được lựa chọn; cần phân tích, luận chứng cụ thể để lựa chọn ngành động lực, chủ đạo cho phát triển của Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực trong nước và xu hướng phát triển của thế giới. Cùng với đó, cần phân tích sâu hơn mối quan hệ cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Báo cáo quy hoạch bổ sung kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến các động lực phát triển; đô thị hóa với phát triển công nghiệp; về quy mô doanh nghiệp của Tỉnh; dự án động lực…

Với đa số phiếu đồng ý, Hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua khâu thẩm định quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ ra các động lực mới để Nghệ An trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, về quan điểm phát triển, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tỉnh sẽ rà soát lại để có quan điểm đột phá hơn. Ảnh: MPI

Nghệ An sẽ rà soát lại để có quan điểm đột phá hơn

Phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cảm ơn các ý kiến quý báu, tâm huyết của đại biểu nhằm giúp Tỉnh tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch với chất lượng cao nhất. Đồng thời cho biết, tỉnh Nghệ An xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng và nỗ lực để xây dựng, hoàn thiện quy hoạch nhưng điều quan trọng, quy hoạch không chỉ tạo tiền đề, đưa ra mục tiêu, mà phải tạo ra động lực không gian phát triển.

Về nội dung được các đại biểu nêu, ông Trung nhấn mạnh về quan điểm phát triển, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tỉnh sẽ rà soát lại để có quan điểm đột phá hơn. Về kịch bản phát triển, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 11,1%, điều này dựa trên các điều hội tụ đã có ở thời điểm hiện tại như: hạ tầng được quan tâm đầu tư, hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường ven biển, tập trung kêu gọi đầu tư dự án cảng nước sâu và nâng cấp sân bay, mở rộng TP. Vinh; xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài tăng, nằm trong top 10 của cả nước; chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Chủ tịch Nguyễn Đức Trung cũng làm rõ thêm một số nội dung về chỉ số ICOR; các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá; phân bổ và phân vùng đất đai; phát triển đô thị. Đồng thời khẳng định, với tinh thần cầu thị, tỉnh Nghệ An nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, để hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

Chỉ ra các động lực mới để Nghệ An trở thành đầu tàu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Quy hoạch Nghệ An phải làm nổi trội triết lý phát triển

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến xác đáng, tâm huyết, có giá trị đối với tỉnh Nghệ An trong xây dựng quy hoạch, phát triển thời kỳ mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu làm rõ các điểm nghẽn mang tính cản trở phát triển của Tỉnh; đồng thời làm rõ vai trò, vị trí, tầm nhìn của Nghệ An đối với việc xác định là trung tâm của vùng động lực Bắc Trung Bộ, cũng như những trung tâm động lực tăng trưởng nội tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đặc biệt lưu ý phải làm nổi trội triết lý phát triển, để có thứ tự ưu tiên mang tính “táo bạo”, đột phá của Tỉnh; làm rõ liên kết vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà và kết nối với Lào, vấn đề hình thành hệ thống đô thị của Nghệ An, đặc biệt là xây dựng TP. Vinh là đô thị biển, là trung tâm của cả vùng Bắc Trung Bộ;…

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, dù ý kiến của các đại biểu cơ bản đồng tình với các định hướng phát triển trọng tâm được nêu trong quy hoạch, tuy nhiên cần nêu thêm những vấn đề riêng có, đặc biệt của tỉnh Nghệ An, quan điểm triết lý phát triển để có thứ tự ưu tiên, đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời nhấn mạnh thêm về liên kết vùng; kịch bản tăng trưởng, cơ cấu kinh tế; y tế, giáo dục; đô thị hóa, là trung tâm của giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ; phát triển các cực tăng trưởng, hướng tới phát triển cân bằng và hài hòa. Lựa chọn ngành có thế mạnh, định hướng ưu tiên phát triển; phải gắn với các điều kiện cụ thể để lựa chọn ngành nghề lĩnh vực ưu tiên và bố trí nguồn lực, phải có "quả đấm thép" để bật lên được.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các nội dung quy hoạch để đảm bảo các quy định mới, các mô hình kinh tế mới, các quy hoạch đã được ban hành; rà sát lại cơ cấu nguồn vốn, nhất là cho hạ tầng thiết yếu và phải có cơ chế huy động các nguồn lực để triển khai các dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, tỉnh Nghệ An sẽ có bước phát triển bứt phá, xứng đáng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ trong thời kỳ quy hoạch./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư