e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Dự báo kinh tế

Thấy gì từ một số chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023?

16:16 | 21/11/2022 Print
Thấy gì từ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, nhất là trên hai khía cạnh: cơ sở của các chỉ tiêu và những vấn đề đặt ra khi thực hiện?

Các chỉ tiêu liên quan đến GDP

Trước hết là tốc độ tăng GDP, kế hoạch đặt ra là GDP tăng 6,5%. Thoạt nhìn thì tốc độ tăng này thấp hơn tốc độ tăng ước thực hiện năm 2022 (khoảng 8%) và thấp hơn yêu cầu tăng trưởng trong những năm còn lại theo mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025). Tuy nhiên, năm 2022 tăng trưởng cao do nhiều yếu tố, trong đó có một phần do gốc so sánh các năm 2020, 2021 ở mức thấp (các năm 2020 và 2021 chỉ lần lượt tăng 2,87% và 2,56%); năm 2022 dù tăng cao, nhưng so với 2019 (trước đại dịch) cũng chỉ ước tăng 13,9%, bình quân 1 năm mới đạt 4,43%. Mức tăng tuyệt đối của năm 2020 đạt 139,5 nghìn tỷ đồng, của năm 2021 chỉ đạt 128,2 nghìn tỷ đồng và năm 2022 ước đạt 410,7 nghìn tỷ đồng, bình quân 1 năm chỉ đạt 226,1 nghìn tỷ đồng, thấp xa so với mức tăng của năm 2019. Kế hoạch năm 2023 đạt 5.905,1 nghìn tỷ đồng, tăng 360,4 nghìn tỷ đồng, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2022, nhưng cao hơn mức tăng của năm 2019 (333,6 nghìn tỷ đồng).

Thấy gì từ một số chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023?
Trước những khó khăn, thách thức ở trong nước và quốc tế, việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 là thể hiện sự thận trọng, bảo đảm tính khả thi (ảnh: vov)

Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 GDP có tốc độ tăng bình quân 1 năm là 6,5%-7%, thì năm 2025 phải tăng so với năm 2020 là 37%-40,3%. Các năm 2021, 2022 đã tăng 10,76%, nên 3 năm còn lại phải tăng 23,69%-26,67%, bình quân 1 năm phải tăng 7,34%-8,2%. Nếu không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thì việc thực hiện mục tiêu trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại và ra khỏi nước thu nhập trung bình thấp sẽ bị trễ hẹn một lần nữa.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức ở trong nước và quốc tế, việc đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là thể hiện sự thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo mục tiêu của kế hoạch năm 2023 đạt 4.400 USD. GDP bình quân đầu người tính bằng USD phụ thuộc vào tổng GDP tính bằng VND (giá thực tế), tỷ giá VND/USD bình quân năm, dân số trung bình năm… Tổng GDP tính bằng VND (giá thực tế) suy ra từ chính kế hoạch năm 2023 (bội chi ngân sách 455,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,42% GDP). Suy ra GDP kế hoạch năm 2023 đạt 10,31 triệu tỷ đồng. Còn có cách tính khác: năm 2022, nếu GDP giá so sánh tăng 8%, với chỉ số giảm phát GDP khoảng 3,3% (năm 2021 là 3,07%), thì GDP giá thực tế năm 2022 tăng 11,56% so với năm 2021, hay đạt 9,46 triệu tỷ đồng. Năm 2023, theo dự kiến kế hoạch GDP giá so sánh tăng 6,5% và chỉ số giảm phát GDP cao hơn năm 2022 đạt 3,8%, thì GDP giá thực tế năm 2023 sẽ tăng 10,55%, hay đạt 10,46 triệu tỷ đồng.

Nếu dân số trung bình các năm 2022 và 2023 đều tăng 0,95% như năm 2021, thì năm 2022 đạt 99,442 triệu người và năm 2023 sẽ đạt 100,39 triệu người. Theo đó, GDP bình quân đầu người tính bằng VND năm 2022 sẽ đạt 95,1 triệu đồng và 2023 sẽ đạt 102,7-104,2 triệu đồng/người.

Giá USD năm 2021 là 23.164 VND; nếu tốc độ tăng bình quân năm 2022 là 1,5% (10 tháng tăng 1,17%), thì giá USD năm 2022 sẽ đạt 23.512 VND; nếu năm 2023 tăng 1,8%, thì giá USD năm 2023 sẽ đạt 23.935 VND.

Theo đó, tổng GDP tính bằng USD năm 2022 sẽ đạt 403,2 tỷ USD; của năm 2023 sẽ đạt 430,7-437 tỷ USD; bình quân đầu người năm 2022 sẽ đạt 4.046 USD, năm 2023 sẽ đạt 4.291-4.353 USD, tuy chưa bằng kế hoạch, nhưng cách không bao xa và mục tiêu kế hoạch 2023 đã thể hiện quyết tâm của các nhà hoạch định kinh tế vĩ mô.

Trong GDP, công nghiệp chế biến, chế tạo- tiêu chí của nước công nghiệp- năm 2021 đạt 24,62%, 9 tháng năm 2022 đạt 24,99%, khả năng cả năm 2022 sẽ vượt qua 25,5%, nhờ xu hướng của ngành này đang tăng cao (tốc độ tăng theo giá so sánh quý II tăng 11,07%, quý III tăng 13,02%, tỷ trọng trong GDP tăng từ 24,98% trong quý II lên 25,71% trong quý III). Với đà tăng cao của tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nên sẽ tạo tín hiệu khả quan để năm 2023 sẽ vượt qua mốc 26% và mục tiêu này có tính khả thi. Tuy nhiên, cũng giống như tổng GDP, việc thực hiện mục tiêu này cũng không dễ dàng.

Lạm phát và các chỉ tiêu có liên quan

CPI năm 2022 được dự đoán tăng cao nhất từ năm 2015 đến năm 2022 và mục tiêu năm 2023 bằng 4,5% là cao nhất từ năm 2014 đến nay. Điều đó chứng tỏ hai điều: lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2022- một thành công nổi bật, liên tục và kéo dài nhất trong nhiều năm. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023 thể hiện sự thận trọng cần thiết trước những yếu tố tác động trên thế giới và trong nước: lạm phát cao trên thế giới sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ; nhập khẩu lạm phát; các gói hỗ trợ tăng trưởng… Theo đó, cũng có thể đánh giá mục tiêu lạm phát đề ra cho năm 2023 có thể là khả thi.

Các chỉ tiêu có liên quan đến CPI có nhiều. Trong kế hoạch có một số chỉ tiêu đáng quan tâm. Thu ngân sách theo dự toán năm 2023 là 1.620.744 tỷ đồng, chi 2.076.244 tỷ đồng, bội chi 455.500 tỷ đồng.

Năm 2023 bội chi ngân sách tăng là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Nguyên nhân bội chi tăng có một phần do tăng đầu tư. Theo kế hoạch năm 2023, chi đầu tư phát triển chiếm 33,6% tổng chi, cao hơn 29,5% của dự toán năm 2022, cao hơn tỷ lệ ước thực hiện năm 2022 (9 tháng 2022 mới chiếm 24,1% tổng chi; tính ra số tuyệt đối thì chi đầu tư phát triển theo dự kiến kế hoạch là 696,7 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so với dự toán 2022). Điều đó một mặt là yếu tố tăng trưởng, nhưng mặt khác cũng là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, tức là giảm ICOR- hệ số này sau 2 năm ở mức rất cao (các năm 2020, 2021 lần lượt là 14,27 lần và 15,54 lần, tức là để tăng 1 đồng GDP theo giá so sánh, thì phải đầu tư tới 14,27 và 15,54 đồng vốn đầu tư phát triển theo giá so sánh), năm 2022 có thể giảm xuống dưới 6 lần.

Do tổng chi ngân sách có quy mô và tốc độ tăng lớn hơn của tổng thu, nên kế hoạch bội chi năm 2023 có quy mô lớn và chiếm tỷ lệ khá cao so với GDP.

Về lý thuyết, khi nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài còn cao, nếu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển xã hội/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy/GDP, thì đó là nguy cơ tiềm ẩn cho các khoản nợ trên tiếp tục tăng. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế mới tạo tiền đề cho phát triển bền vững, bởi việc đạt được mục đích lâu dài không phải là sự phát triển với tốc độ cao trong trước mắt, mà ở sự phát triển bền vững trong tương lai. Do vậy, cần cân nhắc để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu

Theo mục tiêu kế hoạch năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 795 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2022 (suy ra tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước năm 2022 là 736 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2021 và đây là ước tính thấp, bởi 10 tháng năm 2022 đã đạt trên 616,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; tác giả ước tính năm 2022 đạt 733 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021). Theo đó, kế hoạch năm 2023 cần cao hơn, nếu không chỉ tăng chậm so với năm 2021 (19%) và năm 2022 (9,6%).

Theo kế hoạch năm 2023, suy ra xuất khẩu đạt 398 tỷ USD, nhập khẩu đạt 397 tỷ USD, ước chỉ tăng lần lượt trên 4,7% và 7,3% so với năm 2021). Theo kế hoạch năm 2023, xuất siêu chỉ có 1 tỷ USD- thấp khá xa so với năm 2022 (ước cả năm xuất siêu khoảng trên 10 tỷ USD). Dù sao theo kế hoạch này, năm 2023 sẽ là năm thứ 8 liên tục xuất siêu - một thời gian dài, liên tục chưa từng có trong các thời kỳ trước.

Tuy nhiên, nhìn tổng quát, kế hoạch năm 2023 về xuất, nhập khẩu có thể còn thấp, nhất là xuất khẩu. Trong khi xuất, nhập khẩu là yếu tố quan trọng của tăng trưởng và là nội dung quan trọng của cân đối kinh tế vĩ mô, nên cần rà soát lại để có mục tiêu cao lên và có các giải pháp tích cực hơn. Trong các giải pháp, cần quan tâm đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ; giảm tính gia công lắp ráp; mở rộng và cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu; thực hiện tốt các FTA thế hệ mới…

Các chỉ tiêu về xã hội

Năng suất lao động tăng 5%-6% là yếu tố quan trọng của tăng trưởng cao. Năm 2023, với GDP tăng 6,5% và tốc độ tăng năng suất lao động 5%-6%, có nghĩa là tốc độ tăng số lao động đang làm việc sẽ tăng 1-1,5%. Trong khi đó, số lao động đang làm việc năm 2020 giảm 1,7%, năm 2021 giảm 8,5% do tác động của đại dịch Covid-19, trong 9 tháng năm 2022 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và suy ra tốc độ tăng năng suất lao động là gần 6,6%; ước cả năm có thể đạt 5,79%. Nếu năm 2023 GDP tăng trưởng 6,5%, tốc độ tăng số lao động đang làm việc chậm lại (còn khoảng 1,5%, thì tốc độ tăng năng suất lao động sẽ đạt trên 4,9%- khó đạt được mức trên tăng 5%-6%, nếu không có quyết tâm cao về tăng trưởng GDP.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo là tiền đề của tốc độ tăng năng suất lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,4%; năm 2022 sẽ cán mốc 27% và mục tiêu kế hoạch năm 2023 là 27,5% có tính khả thi.

Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị theo kế hoạch năm 2023 là dưới 4%. Tỷ lệ này đã ở mức thấp trong các năm trước (năm 2018 là 3,10%, năm 2019 là 3,11%), đã tăng lên trong năm 2020 (3,89%) và ở mức 4,44% (năm 2021). Do tăng trưởng kinh tế cao, khởi nghiệp tăng tốc, số doanh nghiệp đang hoạt động tăng (khoảng 50,6 nghìn doanh nghiệp trong 9 tháng 2022)…, nên tỷ lệ thất nghiệp chung và khu vực thành thị giảm, do đó mục tiêu kế hoạch 2023 có tính khả thi.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1%-1,5% cũng có tính khả thi, khi tăng trưởng cao, thất nghiệp giảm./.

Trần Đào

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư