e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Lao động - Việc làm

Giải pháp hạn chế tình trạng bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

17:07 | 22/11/2022 Print
Câu chuyện nhiều địa phương bị dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc, do tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... không mới, song tình trạng này vẫn tiếp diễn, nên cần nhiều giải pháp hơn nữa để khắc phục vấn đề nhức nhối này.

Đi lao động nước ngoài rồi bỏ trốn: Một người được, nhiều người thiệt, ảnh hưởng uy tín địa phương, đất nước

Tại Hội thảo khoa học Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức vào tháng 8/2022, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến ngày 30/6/2022, Thanh Hóa có 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, trong danh sách các địa phương có lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn có: TP. Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây đều là những huyện, thị có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhiều hơn 70 người và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn từ 27% trở lên.

Giải pháp hạn chế tình trạng bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
41 lao động trong chương trình hợp tác giữa thành phố Yeongju (Hàn Quốc) và tỉnh Quảng Bình được đào tạo các kỹ năng trước khi sang nước bạn - Ảnh: Báo tuổi trẻ

Tháng 4/2022, có 41 lao động thuộc diện khó khăn nhất của Quảng Bình được đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Bốn người trong số này đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Hệ quả của tình trạng trên, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, là hiện có đến 8 địa phương thuộc 4 tỉnh bị tạm dừng tuyển lao động làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS) đến hết năm 2022. Đó là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh); TP. Chí Linh (tỉnh Hải Dương); huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

May mắn thay, việc tạm dừng tuyển chọn không áp dụng đối với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt.

Nhìn chung, nguyên nhân của việc lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng tại các thị trường là do:

Thứ nhất, do chênh lệch thu nhập của làm việc ở nước ngoài và làm việc trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, thậm chí cao hơn) nên nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động.

Thứ hai, nhiều người lao động có nhận thức kém; thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, vì lợi ích cá nhân, sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc nhằm có thu nhập cao.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước và ý thức người lao động

Để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp cho đối tượng lao động xuất khẩu.

Đồng thời, giảm các thủ tục xuất - nhập cảnh… nhằm hạn chế việc lao động bỏ trốn để làm thêm, vì đã phải vay lãi cao phục vụ cho việc đi lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề nghị và phối hợp tốt với chính phủ các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan trong việc tăng cường quản lý lao động bỏ trốn, nhất là hỗ trợ Việt Nam trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Đây là điều kiện để giúp Việt Nam có điều kiện cưỡng chế lao động bỏ trốn về nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đưa đi nước ngoài làm việc. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, các địa phương có người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trên địa bàn.

Ngoài ra, cần thúc đẩy người lao động tự nâng cao trình độ khi làm việc tại nước ngoài, tự có ý thức trong việc bỏ trốn sẽ ảnh hưởng nhiều đến cơ hội việc làm của những ai đang mong được đi làm những đợt tiếp sau và ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt thị trường tiếp nhận lao động./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư