e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Lao động - Việc làm

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

15:10 | 28/11/2022 Print
Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa 51.347 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Hầu hết người lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi tắt là XKLĐ) đều có thu nhập tốt, việc làm ổn định.

Hầu hết người lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập tốt, việc làm ổn định

Thanh Hóa là một trong những Tỉnh có dân số đông, tiềm năng lao động dồi dào, vì vậy trong những năm qua, việc đẩy mạnh XKLĐ đã được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động ở 3 cấp: Tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, Thanh Hóa đã hỗ trợ rất tích cực các doanh nghiệp tham gia làm công tác XKLĐ.

Nhìn chung, công tác XKLĐ đã đạt được những kết quả rất to lớn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống người dân.

Đặc biệt, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Lao động tỉnh Thanh Hóa xuất cảnh sang Nga làm việc theo hợp đồng

Đồng thời, chủ động giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế những tranh chấp trong xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn Tỉnh yên tâm đăng ký tham gia đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.

Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa 51.347 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác.

Hầu hết người lao động Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài đều có thu nhập tốt, việc làm ổn định. Hàng năm, số tiền người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi về Tỉnh khoảng 3.000 tỷ đồng.

Sau khi về nước, đã có 98% số lao động có cuộc sống tốt hơn; 95% gia đình có người đi XKLĐ đã thoát nghèo.

Theo đó, nhiều địa phương có phong trào đi làm việc ở nước ngoài, qua đó các hộ gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài gửi tiền về đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm trang trại, xây nhà, giải quyết thêm nhiều việc làm…

Tỷ lệ lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp còn cao

Tuy nhiên, công tác đưa người lao động đi làm việc nước ngoài cũng đang tồn tại một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, đó là: một bộ phận người lao động đi làm việc nước ngoài chưa chấp hành nghiêm nội quy lao động của doanh nghiệp và pháp luật của nước sở tại.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc còn ở mức cao.

Tại Hội thảo khoa học Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tổ chức vào ngày 16/8/2022, ông Lê Đình Tùng, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hợp đồng bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động Việt Nam.

Đối với thị trường lao động Hàn Quốc có thu nhập cao, chi phí đi làm việc thấp, tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, đã làm cho phía nước bạn tạm dừng tiếp nhận lao động ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao.

Hiện nay, số lao động của Thanh Hóa làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, theo thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến ngày 30/6/2022 là 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại nước này, chiếm 8,77% tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 2 địa phương bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn. Trước đó, 4 huyện khác đã từng bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là: Thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân bị lôi kéo, môi giới xuất cảnh sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia và một số nước để lao động trái phép, cư trú bất hợp pháp có chiều hướng tăng, gây thiệt hại nhiều mặt cho bản thân người lao động và khó khăn trong công tác quản lý về lĩnh vực xuất khẩu lao động trên địa bàn Tỉnh.

Công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, đoàn thể và các ngành liên quan với công ty XKLĐ đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ. Thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người đi XKLĐ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng tầm chất lượng XKLĐ

Để chuyển dịch cơ cấu lao động thông qua con đường XKLĐ, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tham gia XKLĐ; quan tâm công tác đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động về mặt thủ tục; có chính sách hỗ trợ cho người đi XKLĐ.

Đặc biệt, Thanh Hóa sẽ quan tâm, ngăn chăn tình trạng xuất khẩu lao động trái phép, nhất là người lao động đang bị lôi kéo, lừa gạt trái phép sang Campuchia.

Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động trước, trong và sau khi đi XKLĐ. Tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư