e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Góc địa phương

Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 khả quan

22:10 | 05/12/2022 Print
Với kết quả tăng trưởng kinh tế liên tục duy trì ở mức cao, Vĩnh Phúc nằm trong top 10 địa phương có mức tăng trưởng GRDP năm 2022 cao nhất cả nước. Đây là thông tin đáng chú được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc mới đây.

Cụ thể, theo số liệu thống kê chính thức được lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ tại cuộc họp báo, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 năm 2022 ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8-9%); đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt gần 9%/năm (nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước). Quy mô nền kinh tế của Tỉnh ước đạt trên 165,5 nghìn tỷ đồng, nằm trong top 15 tỉnh có quy mô cao nhất cả nước.

Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 khả quan
Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ thông tin tại buổi họp báo

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp ‑ xây dựng chiếm khoảng 64,22%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58% (năm 2021 lần lượt là: 62,82%, 29,43% và 7,76%). GRDP bình quân/người ước đạt khoảng 127,8 triệu đồng/người/năm; tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Về tình hình tài chính ngân sách, tổng thu ngân sách năm 2022 trên địa bàn Tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021, Trong đó: Thu nội địa ước đạt 30.000 tỷ đồng, đạt 109,98% dự toán và tăng 6,2% so với năm trước; thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 123,5% so với dự toán, tăng 22,1% so với năm trước. Trong cơ cấu các khoản thu nội địa, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,7% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021; hầu hết các khoản thu khác đều đạt và vượt dự toán...

Đại diện lãnh đạo Tỉnh cho biết thêm, cấp ủy, chính quyền tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thu ngân sách đạt trên 37.000 tỷ đồng. Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ và theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 là 20.057,2 tỷ đồng, đạt 110,24% dự toán, tăng 3% so với năm trước.

Liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được các cấp lãnh đạo Tỉnh đặc biệt chú trọng chỉ đạo quyết liệt. UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh, được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đánh giá cao và tin tưởng vào hệ thống chính quyền của Tỉnh. Các chỉ số cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính của Tỉnh trong năm cải thiện tích cực. Theo đó, chỉ số PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ 5/63 toàn quốc (tăng 24 bậc); chỉ số cải cách hành chính PARINDEX đứng thứ 5 toàn quốc (tăng 10 bậc).

Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 khả quan
Ước năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm

Về hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước năm 2022, Tỉnh thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm; thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) toàn Tỉnh dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn Tỉnh có 1.286 dự án đang hoạt động, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã hoạt động trở lại bình thường, xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy... do đó, kết quả sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao so với năm trước. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021. Một số sản phẩm chủ lực của Tỉnh tăng so với năm 2021, đặc biệt là doanh thu linh kiện điện tử tăng 24,36%; xe máy các loại tăng 11,02%; quần áo các loại tăng 7,21%; gạch ốp lát các loại tăng 6,01%, riêng ô tô các loại giảm 2,3% (do ảnh hưởng bởi thiếu linh kiện sản xuất...).

Các khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã ban hành quyết định thành lập KCN Nam Bình Xuyên; 2 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là KCN Phúc Yên và KCN Đồng Sóc. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn Tỉnh có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.110,25 ha.

Bên cạnh đó, năm 2022 tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông ‑ lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 0,1% so với năm 2021, trong đó: Trồng trọt giảm -9,27%; chăn nuôi tăng 5,63%; lâm nghiệp tăng 3,22% và thủy sản tăng 2,02% so với năm 2021. Lĩnh vực thương mại bán lẻ và dịch vụ đã phục hồi tích cực sau dịch Covid-19. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 67.200 tỷ đồng, tăng 21,28% so với năm 2021. Số đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, kho bãi hoạt động gia tăng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng rất cao so với năm 2021.

Vĩnh Phúc đạt kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 khả quan
Khu du lịch Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022

Đặc biệt, lĩnh vực du lịch của Tỉnh đã có những dấu hiệu khởi sắc. Để chủ động phát triển du lịch, Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Tỉnh; đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: “Du Xuân trên đỉnh Tây Thiên”, triển khai Chương trình Du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, Khai mạc Du lịch hè Vĩnh Phúc 2022 và tổ chức thành công các nội dung thi đấu Seagame 31 tại Tỉnh… Điều này đã góp phần giúp hoạt động du lịch dần hồi phục.

Năm 2022, tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 73,5 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 8,13 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022, Khu du lịch Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành Khu du lịch Quốc gia thứ 7 của Việt Nam và được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới năm 2022./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư