Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn nội dung hợp đồng cung ứng lao động ngành đóng tàu Hàn Quốc

16:45 | 07/12/2022 Print
Để chấn chỉnh việc tuyển chọn và kiểm tra tay nghề người lao động không theo đúng quy định pháp luật, Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn nội dung hợp đồng cung ứng lao động ngành đóng tàu Hàn Quốc.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, liên quan đến chính sách của Hàn Quốc về cấp thị thực E-7 cho lao động ngành đóng tàu, thời gian qua, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức của Hàn Quốc để tuyển chọn và kiểm tra tay nghề người lao động không theo đúng quy định pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam và chính sách tiếp nhận lao động ngành đóng tàu (thị thực E-7) của Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý về Bên ký kết hợp đồng cung ứng lao động: Bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu thị thực E-7 Hàn Quốc gồm: Người sử dụng lao động (doanh nghiệp trong ngành đóng tàu Hàn Quốc) hoặc Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng giới thiệu việc làm theo quy định của Hàn Quốc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn nội dung hợp đồng cung ứng lao động ngành đóng tàu Hàn Quốc
Hướng dẫn thống nhất nội dung hợp đồng cung ứng lao động ngành đóng tàu Hàn Quốc (nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Về thời giờ làm việc: 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần (ngoài 40 giờ/tuần được tính là thời gian làm thêm). Thời gian làm thêm không quá 12 giờ/tuần (52 giờ/tháng)… Người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 1 lượt vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam đến Hàn Quốc hoặc trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng.

Về các chi phí khác liên quan đến thủ tục tại Việt Nam và Hàn Quốc, chi phí đào tạo, kiểm tra, xác nhận trình độ kỹ năng nghề, làm hồ sơ, thủ tục tại Việt Nam mà người lao động chi trả, thì thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chi phí trả cho tổ chức dịch vụ việc làm Hàn Quốc được ủy quyền tuyển dụng lao động do người sử dụng lao động chi trả.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hàn Quốc; cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng đã được chấp thuận. Trong vòng 5 ngày kể từ khi kết thúc thời gian đăng ký chuẩn bị nguồn (nếu có), thời gian đăng ký tuyển chọn hoặc khi tuyển hết số lao động được chấp thuận, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước kết quả chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động kèm theo danh sách người lao động...

Trên thực tế, trong nhiều năm qua Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động quan trọng của Việt Nam. Đến nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp…/.

T.Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư