Công ty Chứng khoán APG bị phạt gần 1 tỷ đồng vì hàng loạt vi phạm

13:00 | 08/12/2022 Print
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt Công ty cổ phần Chứng khoán APG gần 1 tỷ đồng, do vi phạm nhiều quy định trong lĩnh vực chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 1001/QĐ-XPHC, ngày 05/12/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán APG (Tầng 5, tòa nhà Grand Building, số 32 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội).

Theo đó, UBCKNN phạt APG 350 triệu đồng, do sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Cụ thể, ngày 13/01/2022, Công ty hoàn thành đợt chào bán 73.153.306 cổ phiếu ra công chúng, tăng vốn điều lệ từ 731.533.060.000 đồng lên 1.463.066.120.000 đồng, nhưng các khoản giải ngân số tiền thu được từ đợt chào bán của Công ty không đúng như mục đích nêu tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông 01/2021/NQ-ĐHĐCĐBT-APG ngày 6/10/2021 và Nghị quyết Hội đồng quản trị số 25/2021/NQ/HĐQT-APG ngày 11/10/2021 về việc thông qua phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc APG thông qua Đại hội đồng cổ đông gần nhất về việc thay đổi mục đích hoặc phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

APG còn bị phạt 175 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế cho vay (trong thời kỳ kiểm tra, Công ty đã cho một số khách hàng vay tiền thông qua các Hợp đồng đặt mua cổ phiếu, Hợp đồng đặt mua trái phiếu).

Công ty Chứng khoán APG bị phạt gần 1 tỷ đồng vì hàng loạt vi phạm
Công ty Chứng khoán APG bị phạt tổng cộng 985 triệu đồng vì hàng loạt vi phạm

UBCKNN còn phạt APG 175 triệu đồng, do báo cáo có nội dung sai lệch (Công ty báo cáo không chính xác về tỷ lệ an toàn tài chính tại các thời điểm 31/01/2022, 28/02/2022, 31/3/2022, 30/4/2022, 31/5/2022 và 30/6/2022), đồng thời buộc APG báo cáo thông tin chính xác theo quy định.

Đáng chú ý, UBCKNN còn phạt APG 125 triệu đồng, do không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ (các trái chủ mua trái phiếu APGH2124001 phát hành trong năm 2021 của Công ty là 29 nhà đầu tư cá nhân trong nước; tuy nhiên, Công ty không lưu giữ tài liệu về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các cá nhân này).

APG còn bị phạt 60 triệu đồng, do lập, xác nhận hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác (Công ty đã lập, xác nhận Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến có thông tin không chính xác về giải pháp xác thực đặt lệnh sử dụng chứng thư số, chữ ký số và xác thực đặt lệnh trong giao dịch chứng khoán trực tuyến)…

Ngoài ra, APG còn bị UBCKNN phạt 100 triệu đồng, do không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội các tài liệu sau: Báo cáo quý I/2021, quý III/2021, quý IV/2021, Báo cáo năm 2021, quý I/2022 của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu; báo cáo quý I/2021, quý II/2021, quý III/2021, quý IV/2021, quý I/2022, báo cáo năm 2021 của tổ chức cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu...

Quyết định xử phạt APG của UBCKNN cho thấy, Công ty vi phạm nhiều quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đây là những hành vi đang được cơ quan chức năng tăng cường xử lý để lập lại kỷ cương cho thị trường.
Thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an đã thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh các sai phạm trên thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.
Khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các loại thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan. Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, nhưng là việc phải làm…
Nhờ đó, theo Người đứng đầu Chính phủ, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Thị trường chứng khoán có tín hiệu tích cực trở lại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".../.

T.Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư