e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Đổi mới hoạt động giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

14:49 | 20/12/2022 Print
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

“Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định rõ việc đổi mới, đẩy mạnh công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. …”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức sáng nay (ngày 20/12), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cũng theo ông Phương, cùng với các hoạt động giám sát khác đã được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát quan trọng này.

Đổi mới hoạt động giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Đổi mới công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chù nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo của Văn phòng Quốc hội về một số nội dung chính của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Các đại biểu cũng nghe các Báo cáo tham luận của đại diện Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội… về các vấn đề liên quan tới nội dung của Hội nghị.

Đổi mới công tác giám sát là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có vai trò hết sức quan trọng trong kịp thời phát hiện những nội dung văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật để thi hành sửa đổi, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản

Để đạt được mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở vững chắc cho việc huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, kịp thời phát hiện những nội dung văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, pháp luật, văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên không còn phù hợp để thi hành sửa đổi, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản.

Đồng thời xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản quy phạm trái pháp luật, phát hiện việc chậm ban hành văn bản, quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH đã ban hành.

Theo ông Phương, trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát, các cơ quan đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất kiến nghị và yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém, có các giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả, kịp thời, đồng thời báo cáo UBTVQH, Quốc hội định kỳ theo yêu cầu hoặc đột xuất kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát…/.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư