e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Chính sách

Thể chế phát triển là bệ đỡ cho phát triển bền vững

21:10 | 21/12/2022 Print
Thể chế phát triển không nằm trong nội hàm về phát triển bền vững (PTBV) mà nó là bệ đỡ cho PTBV là yếu tố tạo điều kiện hình thành, duy trì các thành quả của PTBV.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”, diễn ra ngày 21/12, TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, giai đoạn hiện nay thế giới và Việt Nam đều quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó, nhiều vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết, thực thi từng bước.

Thể chế phát triển là bệ đỡ cho phát triển bền vững
TS. Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển

Ông cũng chỉ rõ, phương thức thực hiện PTBV là sự kết hợp chặt chẽ hai mô hình đang được thực hiện khá phổ biến ở các nước trên thế giới là Mô hình tăng trưởng hài hòa và Mô hình tăng trưởng xanh.

Về Mô hình tăng trưởng hài hòa (inclusive development), ông Vinh chỉ rõ, PTBV của Việt Nam sẽ phải thực hiện theo hai nguyên tắc: (i) Bảo đảm tăng trưởng nhanh, hiệu quả, và (ii) Bảo đảm được sự lan tỏa của tăng trưởng đến mọi tầng lớp dân cư thông qua những thành quả của tiến bộ xã hội cho phát triển con người đến với mọi tầng lớp dân cư.

Những nguyên tắc này đòi hỏi phải làm cho tất cả mọi tầng lớp dân cư (giàu và nghèo) trong xã hội (vùng động lực hay chậm phát triển) đều được thỏa sức tham gia vào công cuộc tăng trưởng kinh tế để hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng.

“Một khía cạnh khác, nó cũng yêu cầu phải thực hiện kịp thời việc phân phối lại thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền trong cả nước để tạo ra một động thái tích cực và công bằng về tiến bộ xã hội cho con người”, ông Vinh lưu ý.

Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Học viện Chính sách và Phát triển, nhằm thông qua thảo luận, trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia, sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển bền vững, đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam.

Về Mô hình tăng trưởng xanh (green development), ông Vinh chỉ rõ, nếu tăng trưởng hài hòa là phương thức gắn kết tăng trưởng nhanh hiệu quả (trụ cột 1) với bảo đảm gắn kết thành quả tăng trưởng với tiến bộ xã hội cho tất cả mọi người (trụ cột 2), thì Mô hình tăng trưởng xanh là phương thức gắn kết trụ cột (1) với trụ cột (3) trong tam giác PTBV.

Phát triển bền vững ở Việt Nam (ứng với giai đoạn đến năm 2030), theo ông Vinh là sự phát triển dựa trên kết hợp giữa nội lực của Việt Nam với sức mạnh của hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra và duy trì được trước hết là sự bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, những thành quả đạt được của tăng trưởng kinh tế vừa có sự lan tỏa tích cực, vừa chịu sự ràng buộc bởi yêu cầu của các khía cạnh xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển vì con người.

Từ quan niệm trên, ông Vinh cho rằng, một số tư duy cần được điều chỉnh khi nói đến nội hàm của PTBV: (i) Nói đến PTBV là phải nói đến bền vững trên các khía cạnh: Kinh tế, xã hội, môi trường chứ không phải nói PTBV chỉ nói về vấn đề môi trường; (ii) Nói đến các trụ cột PTBV là nói đến: Tăng trưởng kinh tế bền vững (trụ cột 1) – Tăng trưởng kinh tế thúc đẩy tiến bộ xã hội (trụ cột 2) – Tăng trưởng kinh tế gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (trụ cột 3); (iii) Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò là điều kiện tiên quyết cho PTBV, không thể có bền vững trong phát triển của một quốc gia hay một địa phương khi kinh tế của quốc gia hay địa phương này nằm trong tình trạng tăng trưởng trì trệ hay tăng trưởng nóng, kém hiệu quả; (iv) Thể chế phát triển không nằm trong nội hàm về PTBV, mà nó là bệ đỡ cho PTBV, là yếu tố tạo điều kiện hình thành, duy trì các thành quả của PTBV.

“Hoàn thiện thể chế PTBV, bao gồm: (i) Hoàn thiện các thể chế quy định khung chiến lược cho PTBV; (ii) Hoàn thiện các thể chế quy định chuẩn mực, hành vi ứng xử của các chủ thể chính trong phát triển (chính quyền, người dân và doanh nghiệp); (iii) Hoàn thiện các thể chế hình thành bộ máy thực thi pháp luật nhằm thúc đẩy PTBV; (iv) Hoàn thiện các thể chế tạo ra cơ chế thực thi pháp luật dựa trên các điều kiện PTBV”, ông Vinh cho biết thêm./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư