e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số

23:44 | 28/12/2022 Print
Cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế…

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo Phát triển công nghiệp ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) vừa tổ chức.

Rà soát chính sách, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Song song với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đề ra những định hướng, chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, chúng ta cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.

Định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam càng cần tư duy mới về quá trình và mục tiêu phát triển, nhằm bảo đảm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Một trọng tâm quan trọng là làm thế nào để tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước.

“Những kết quả nghiên cứu, trao đổi ngày hôm nay sẽ giúp ích cho các cơ quan, chuyên gia của Việt Nam trong việc tham mưu chính sách phát triển công nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới”, bà Minh nói.

Theo CIEM, Việt Nam đã có các nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển công nghiệp. Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với đó, tư duy về phát triển công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong các nghị quyết của Đảng về tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển vùng... Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, trên cơ sở các nghị quyết, yêu cầu đặt ra là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ để định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam.

Cân nhắc những hệ lụy sau khi phát triển ngành xe hơi

Nhấn mạnh phát triển công nghiệp xe hơi là một trong lĩnh vực quan trọng và là xu hướng trên thế giới, TS. Yasushi Ueki thuộc Tổ chức IDE – JETRO cho biết, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe/năm vào năm 2030. Quy mô này đủ lớn để phát triển công nghiệp sản xuất xe hơi.

Định hướng phát triển công nghiệp gắn với chuyển đổi số
TS. Yasushi Ueki thuộc Tổ chức IDE – JETRO phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khả năng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 600.000 chiếc/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, cần có các chính sách, giải pháp, nỗ lực từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển hơn nữa năng lực sản xuất xe hơi trong nước.

Chuyên gia người Nhật Bản cho rằng, để tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam cần phát triển bền vững, giảm phát thải theo xu hướng thế giới, cải tiến, đi tắt đón đầu công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở và ngành công nghiệp phụ trợ.

Theo đó, việc áp dụng các công nghệ điện khí hóa vào sản xuất xe hơi sẽ giúp giảm phát thải, giảm chi phí, giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… trong ngành sản xuất xe hơi như: Việc tự động hóa các dây chuyền, ứng dụng AI vào việc thiết kế hệ thống tự lái trên xe hơi…

Ông Yasushi cho rằng, cần có các chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp phát triển như chính sách về thuế, ngoài ra còn cần các chính sách về phát triển lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp phụ trợ…

Trong khi đó, ông Fusanori Iwasaki, đại diện của ERIA cho rằng, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp xe hơi, Việt Nam cần cân nhắc giảm các chi phí xã hội, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng dụng hạ tầng công nghệ thông qua phát triển công nghệ số hóa.

Ông Fusanori đánh giá cao việc phát triển xe điện thân thiện với môi trường, đồng thời tích hợp công nghệ thông tin vào công nghệ xe điện. Trong đó, kiến nghị giải pháp liên kết dữ liệu các xe hơi lưu thông nhằm nắm bắt được vị trí xe, tiến tới điều phối, giảm tình trạng tắc đường, mặt khác, tích hợp với hệ thống hỗ trợ lái xe tự động, nếu các xe đến quá sát nhau thì sẽ kích hoạt hệ thống phanh tự động, nhằm làm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Kiến nghị về chiến dịch phát triển công nghiệp xe hơi của Việt Nam, ông Fusanori cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các quốc gia, trong đó có thể kể đến kết nối về vật lý, về thể chế, công nghệ. Cũng cần cân nhắc về kết nối vật lý, chuyển giao công nghệ và coi đây là vấn đề thiết yếu trong phát triển ngành xe hơi và ứng dụng vào việc xây dựng trạm sạc.

Nâng cao kỹ năng, năng lực của doanh nghiệp địa phương về công nghệ sản xuất

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức cho rằng, đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, Chính phủ cần xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trong ngành điện tử ở tầm vĩ mô và vi mô. Cùng với đó, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực điện tử, để tạo chuỗi cung ứng nội địa, liên kết doanh nghiệp FDI - địa phương; nâng cao kỹ năng, năng lực của doanh nghiệp địa phương về công nghệ sản xuất; đồng thời, hài hòa khung pháp lý với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là liên quan đến tính bền vững; nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy...

Nhìn chung, đa số các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng; tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Việt Nam cũng nên ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư