Hai mảng màu đối lập của bức tranh ngân sách Nhà nước năm 2022

12:38 | 29/12/2022 Print
Trong khi thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vượt kế hoạch, thì ngược lại chi lại không đạt dự toán năm đề ra mặc dù tăng so với năm trước.

Theo cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 125,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán năm và tăng 13,8% so với năm trước.

Thu ngân sách tăng nhờ nhiều khoản thu quan trọng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, thu nội địa tháng 12/2022 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế năm 2022 đạt 1.421,8 nghìn tỷ đồng, bằng 120,8% dự toán năm và tăng 9% so với năm trước.

Tương tự, thu từ dầu thô tháng 12/2022 ước đạt 6,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 273% dự toán năm và tăng mạnh tới 72,5% so với năm trước.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 12/2022 ước đạt 13,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 đạt 280 nghìn tỷ đồng, bằng 140,7% dự toán năm và tăng 29,7% so với năm trước.

Hai mảng màu đối lập của bức tranh ngân sách Nhà nước năm 2022
Cán cân thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2022. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trái ngược với thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch là chi ngân sách lại không đạt dự toán đề ra. Cụ thể, tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 12/2022 ước đạt 203,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế năm 2022 ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán năm và tăng 8,1% so với năm trước. Trong đó, chi thường xuyên năm 2022 đạt 1.026,2 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% dự toán năm và tăng 5,6% so với năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 435,7 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8% và tăng 22,2%; chi trả nợ lãi 97,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94% và giảm 7,9%.

Có được kết quả thu ngân sách năm 2022 tích cực, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách Nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội có quy mô lên tới 347 nghìn tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so với định mức phân bổ ngân sách; thực hiện quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho Chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách.../.

T.Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư