e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022

11:29 | 10/01/2023 Print
Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022. Trong đó lao động thuộc ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,7%), tiếp theo ngành dệt may chiếm 26,4%, ngành da giày chiếm 26,4%.

Tình trạng này được Tổng cục Thống kê thông báo tại buổi Họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022, diễn ra sáng nay (ngày 10/1). Điều đó có nghĩa là tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng so với quý trước.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022
Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo

Quý IV năm 2022: Số lao động trong doanh nghiệp giảm

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động có việc làm quý III và quý IV, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Nghìn người

Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý IV/2022, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, cho biết, giai đoạn 2019-2021, lao động trong khối doanh nghiệp ở quý IV các năm luôn ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước, tuy nhiên đến quý IV/2022, số lao động trong các doanh nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm. So với quý III/2022, số lao động trong các doanh nghiệp giảm 10,4 nghìn người.

Số lao động trong các doanh nghiệp, hộ/cá nhân/tập thể quý III và quý IV, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Nghìn người

Sự chuyển dịch giữa lao động trong các doanh nghiệp và lao động trong hộ/cá nhân/tập thể nói trên đã làm tăng số lao động phi chính thức, đồng thời giảm số lao động chính thức so với quý trước. Quý IV/2022, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tăng 337,1 nghìn người; số lao động chính thức là 17,7 triệu người, giảm 97,7 nghìn người so với quý trước, điều này làm tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên 0,4 điểm phần trăm (65,4% so với 65,0%).

Thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%)

"Tuy nhiên trong quý IV/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV/2022 chỉ còn 0,5%", ông Nam lý giải nguyên nhân khiến số việc làm giảm trong quý cuối cùng của năm 2022.

Cụ thể, trong quý IV/2022, có gần 296 nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giầy (chiếm 72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh (khoảng 36 nghìn người), Tây Ninh (42 nghìn người)...

Trong quý IV/2022, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,1 triệu người, tăng 116,8 nghìn người so với quý trước và giảm 194,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 19,9 triệu người, tăng 125,9 nghìn người so với quý trước và tăng 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Ngược với xu hướng tăng của ngành dịch vụ; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, số có việc làm trong ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng giảm so với quý trước, số người làm việc ở ngành này trong quý IV là gần 17 triệu người, giảm 3,1 nghìn người so với quý trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý IV/2022 là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 46,6%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 74,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2022 tăng 26,5 nghìn người so với quý trước

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao…, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, đặc biệt là ở các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử vào thời điểm cuối năm, khiến đà phục hồi của thị trường lao động đang có xu hướng chậm lại.

Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý IV/2022 là khoảng 898,2 nghìn người, tăng 26,5 nghìn người so với quý trước và giảm 566 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,57% và 2,22%).

Như vậy, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên khác với xu hướng các năm trước đây khi chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, quý IV là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý này thường có xu hướng thấp nhất trong năm, nhưng năm nay, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022

Tỷ lệ thất nghiệp vì sao vẫn tăng thấp?

Trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước.

"Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước", ông Nam cho hay.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý giai đoạn 2020-2022

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong quý IV/2022 là 7,7%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,78%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Lý giải vì sao tỷ lệ thất nghiệp trong quý vẫn thấp, không giảm nhiều so với quý trước, Tổng cục Thống kê lý giải là nhờ số việc làm phi chính thức tăng cao. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của quý IV là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.

Số lao động làm công việc tự sản, tự tiêu trong quý IV/2022 là 4,2 triệu người, giảm gần 80 nghìn người so với quý trước và giảm mạnh 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản, tự tiêu trong quý IV/2022 là nữ giới (chiếm 63,4%).

Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản, tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 51,7%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản, tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng, cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

Một số ngành kinh tế ghi nhận sụt giảm mức thu nhập bình quân của lao động so với quý trước

So với quý trước, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý IV/2022 đều tăng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4 triệu đồng/người/tháng, là khu vực ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 2,4%, tương ứng tăng 93.000 đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập là 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6%, tương ứng tăng 129.000 đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,9%, tương ứng tăng 66.000 đồng/người/tháng so với quý trước.

Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, suy giảm kinh tế toàn cầu đang tác động đến thị trường lao động Việt Nam, khiến các đơn hàng sụt giảm. Dự báo tình trạng khó khăn này sẽ tiếp diễn ngay trong quý I/2023

Thu nhập bình quân của lao động một số ngành kinh tế trong quý IV/2022 tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương so với quý trước và cao hơn tốc độ tăng của quý III/2022 so với quý II/2022 như: Thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 11,3 triệu đồng, tăng 5,7%, tương ứng tăng 605.000 đồng; lao động làm việc trong ngành khai khoáng có thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 2,6%, tương ứng tăng 240.000 đồng; thu nhập bình quân của lao động làm việc trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe gắn máy có thu nhập bình quân là 7,9 triệu đồng, tăng 2,4%, tương ứng tăng 186.000 đồng.

Mặc dù quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương, nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với quý III/2022 như: Thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức bình quân là 6,7 triệu đồng, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 200.000 đồng; lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng, tăng 1,2%, tương ứng tăng 89.000 đồng.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu đang tác động đến thị trường lao động Việt Nam, khiến các đơn hàng sụt giảm, việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khiến đời sống của lao động, làm việc trong ngành này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo tình trạng khó khăn này sẽ tiếp diễn ngay trong quý I/2023.

Điều này đã tác động khiến tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2022 đã tăng chậm lại so với quý liền trước. Cụ thể, trong quý IV/2022 thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan đã sụt giảm 41,5%, tương ứng giảm khoảng 2,6 triệu đồng so với quý trước.

Bên cạnh đó, so với quý trước, quý IV/2022, một số ngành kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm về thu nhập bình quân của lao động như: Thu nhập bình quân của lao động ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt là 9,8 triệu đồng, giảm 1,5%, tương ứng giảm 150.000 đồng; ngành xây dựng thu nhập bình quân của lao động là 7,8 triệu đồng, giảm 0,13%; ngành vận tải kho bãi lao động có thu nhập bình quân là 9,4 triệu đồng, giảm 0,12% so với quý trước./.

Phương Anh

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư