e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Khu công nghiệp - Khu kinh tế

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc

22:22 | 15/01/2023 Print
Năm 2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.694,5 tỷ đồng và 425,9 triệu USD.
Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã phát huy cao tinh thần đoàn kết, cố gắng nỗ lực, triển khai hoàn thành toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, với nhiều dấu ấn nổi bật trong thu hút đầu tư và phát triển các KCN của Tỉnh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, trong năm qua, Ban Quản lý đã ban hành hàng chục Kế hoạch triển khai chương trình công tác của Trung ương, UBND Tỉnh và trên 2.300 văn bản hành chính tham mưu cho Trung ương, UBND Tỉnh và các sở, ngành trong công tác quản lý KCN.

Kết quả, năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các KCN được tăng cường đầu tư xây dựng để tạo quỹ đất sạch phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư, qua đó giúp cho môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN của Tỉnh tiếp tục đạt được nhiều bước tiến lớn, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị tổng kết Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022

Năm 2022, công tác quy hoạch các KCN được triển khai tích cực, nhằm đẩy nhanh việc thành lập các KCN mới và triển khai đầu tư hạ tầng các KCN đã được thành lập.

Tính đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký: 15.548 tỷ đồng và 212,53 triệu USD. Tổng diện tích đất quy hoạch là 3.093,85 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch 2.262,12 ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.883,79 ha; tổng diện tích đất đã cho thuê/đăng ký thuê là 1.293,13 ha.

Cùng với đó, Ban đã đôn đốc các chủ đầu tư đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các KCN hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại tại các KCN có những biến chuyển tích cực, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới (khoảng 337 ha), tăng tỷ lệ lấp đầy tại 9 KCN đang hoạt động lên 83,3%. Năm 2022, các KCN: Sơn Lôi, Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa và Nam Bình Xuyên đã tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng KCN.

Việc cấp phép xây dựng trong các KCN được thực hiện nghiêm túc. Năm 2022, Ban đã thực hiện cấp Giấy phép xây dựng (cấp mới/cấp cải tạo) cho 40 dự án; thẩm định/thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi cho 18 dự án.

Công tác cải cách hành chính, đặc biệt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông tại Trung tâm hành chính công Tỉnh được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ thủ tục hành chính của Ban được giải quyết xong trước, và đúng hạn đạt trên 98,6%; 100% thủ tục đầu tư được kê khai trực tuyến trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; 100% thủ tục hành chính về lao động được thực hiện 4 tại chỗ, thời gian giải quyết được rút gọn, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Các hoạt động pháp chế và phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện hiệu quả, nội dung đúng trọng tâm, trọng điểm các vấn đề doanh nghiệp quan tâm. Sự hiểu biết và thực hiện các quy định của pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Cùng với sự hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng hài hòa, các vướng mắc trong quan hệ lao động được hạn chế. Năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật, chấp hành đúng chế độ lương, thưởng, thời gian nghỉ lễ/ tết cho người lao động.

Tại các KCN, công tác bảo vệ môi trường luôn được quan tâm triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ban Quản lý kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, quản lý nước thải công nghiệp, rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo quy định; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh môi trường của các doanh nghiệp trong KCN. Trong năm 2022, Ban tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho 7 dự án; tham gia đóng góp ý kiến cho Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động Môi trường của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 4 dự án; tham gia ý kiến cấp Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền Bộ cấp cho 2 dự án và thuộc thẩm quyền UBND Tỉnh cấp cho 62 dự án. Các KCN tuân thủ nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường. Hết năm 2022, có 7/8 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày đêm; 6 KCN đã có hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật.

Công tác quản lý lao động trong các KCN được quan tâm theo dõi chặt chẽ, sát sao. Ban đã kịp thời tiếp nhận, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để hướng dẫn họ thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động.

Năm 2022, Ban thực hiện cấp/cấp lại 1.013 Giấy phép lao động; chấp thuận vị trí việc làm sử dụng lao động người nước ngoài cho 407 lượt doanh nghiệp; xác nhận không thuộc diện cấp phép cho 251 người nước ngoài; tiếp nhận 61 nội quy lao động; 40 thỏa ước lao động tập thể và 61 hồ sơ thẩm định làm thêm giờ.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Tổ công tác của Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác xét nghiệm Covid-19 tại doanh nghiệp trong KCN Tỉnh

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN được Ban Quản lý coi là nhiệm vụ trọng tâm, nên đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Ban kịp thời nắm bắt đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Chính phủ, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh và hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế, chỉ đạo, giám sát các doanh nghiệp trong KCN, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, đó là vừa phòng chống dịch, vừa ổn định và phát triển sản xuất.

Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đối với các vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền quản lý cơ bản đáp ứng được yêu cầu trước mắt của doanh nghiệp. Việc giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp được thực hiện kịp thời. Năm 2022, Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư thuộc Ban đã ký, thực hiện hiệu quả 7 hợp đồng hỗ trợ, tư vấn đầu tư và dịch vụ liên quan đến cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong KCN. Hỗ trợ tư vấn, trao đổi thông tin, hướng dẫn cho trên 50 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư để các doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Công tác tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đầu tư, giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Trong năm 2022, Ban đã ban hành nhiều lượt văn bản hướng dẫn/hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, lao động và xây dựng theo Luật Đầu tư năm 2020, Luật Lao động năm 2020, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư/doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính đúng hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, tăng lương cho người lao động; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đối với một số vấn đề về thu/nộp thuế doanh nghiệp; môi trường; đất đai; công nghệ; chuyển đổi doanh nghiệp thường sang doanh nghiệp chế xuất và ngược lại…

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc tại doanh nghiệp FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Nâng cao chất lượng và hiệu quả xúc tiến đầu tư

Năm 2022, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh với các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và thông qua các đối tác, khách hàng đã và đang đầu tư trong các KCN của Tỉnh.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Vĩnh Phúc

Trong năm 2022, Ban Quản lý các KCN đã hỗ trợ, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào các KCN trên địa bàn Tỉnh. Cùng với đó, Ban tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương để tuyên truyền về môi trường đầu tư trong các KCN của Tỉnh… Mặt khác, thực hiện xúc tiến đầu tư đối với 3 tỉnh miền Nam và 3 tỉnh Duyên hải Trung bộ có các mô hình KCN và KKT mới để học tập kinh nghiệm, đồng thời kết nối các đối tác có nhu cầu đầu tư tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Với những cố gắng lớn trong công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý, năm 2022 tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của Tỉnh đã có nhiều “điểm sáng”. Năm 2022, Ban đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, trong đó:

Cấp mới cho 15 dự án DDI và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.694,5 tỷ đồng (trong đó: vốn cấp mới: 4.499,7 tỷ đồng; vốn tăng thêm: 194,8 tỷ đồng), bằng 60% về số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021, đạt 469% kế hoạch năm.

Cấp mới cho 26 dự án FDI và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 425,9 triệu USD (cấp mới: 250 triệu USD; tăng vốn: 175,9 triệu USD), bằng 44% về vốn đầu tư so với năm 2021 và đạt 142% so với kế hoạch đề ra.

Luỹ kế đến ngày 15/12/2021, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN còn hiệu lực đạt 447 dự án, trong đó gồm 97 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.707,9 tỷ đồng và 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,9 triệu USD.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Toàn cảnh KCN Bá Thiện, tỉnh Vĩnh Phúc

Các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển

Năm 2022, các KCN có thêm 50 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (32 dự án FDI và 18 dự án DDI). Đến ngày 15/12/2022, trong các KCN có 390 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh (320 dự án FDI và 70 dự án DDI), chiếm 87,2% tổng số dự án đầu tư.

Trong số 57 dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có: 10 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị, nhà xưởng, chiếm 2,2% tổng số dự án; 5 dự án đang bồi thường, giải phóng mặt bằng, chiếm 1,3% tổng số dự án; 38 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 8,5% tổng số dự án và 4 dự án FDI chư triển khai, đang giãn tiến độ, chiếm 0,8% tổng số dự án.

Vốn thực hiện của các dự án FDI tương đối khả quan. Năm 2022, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 429,2 triệu USD, bằng 108% so với năm 2021, và 123% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn thực hiện đến ngày 15/12/2022 là 3.431,3 triệu USD, đạt 59% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tốc độ giải ngân của các dự án ổn định, đúng tiến độ đăng ký.

Vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.655,8 tỷ đồng, bằng 56% so với năm 2021 và 237% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn thực hiện đến 15/12/2022 là 12.123,9 tỷ đồng, đạt 45% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN đạt được hiệu quả, cụ thể:

Các dự án FDI: Doanh thu ước đạt 10.362 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 7.954 triệu USD, tăng 19 % so với năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt 6.696 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021.

Các dự án DDI: Doanh thu ước đạt 14.059 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách đạt 414,7 tỷ đồng, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2021.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong nhà máy FDI tại KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Trong năm 2022, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút và tạo việc làm mới cho 17.197 lao động trong và ngoài tỉnh, đạt 96% với năm 2021.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của các dự án trong KCN đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 53% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh; nộp ngân sách chiếm 20% nộp ngân sách toàn Tỉnh; tạo việc làm cho trên 126 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh, trong đó lao động tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 57%.

Tăng tốc phát triển các KCN trong năm 2023

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, năm 2023, Ban Quản lý quyết tâm nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập/cấp Chứng nhận đầu tư; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ (với tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí ưu tiên).

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dự án sau đầu tư, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh năm 2023.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong Công ty Piaggio Việt Nam tại KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Quản lý đặt mục tiêu năm 2023 các KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau:

Về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Dự kiến thu hút 20-25 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 334,18 triệu USD; thu hút 10-12 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng (trong đó có 2 dự án đầu tư hạ tầng KCN với tổng vốn đầu tư dự kiến 34,18 triệu USD và 1.988 tỷ đồng).

Về triển khai dự án: Dự kiến có thêm 30-35 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh: Sản xuất, kinh doanh (trong đó có 25-28 dự án FDI và 5-8 dự án DDI).

Dự kiến vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 365 triệu USD; vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.934 tỷ đồng (bao gồm cả các dự án hạ tầng KCN).

Các doanh nghiệp trong KCN đạt được các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu sau:

Dự án FDI: Doanh thu đạt 11.090 triệu USD, tăng khoảng 7% so với ước thực hiện năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 8.431 triệu USD, tăng 6% so với ước thực hiện năm 2022; nộp ngân sách đạt 6.906 tỷ đồng, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2022.

Dự án DDI: Doanh thu đạt: 14.500 tỷ đồng, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2022; nộp ngân sách 423 tỷ đồng, bằng 102% so với năm 2022.

Các doanh nghiệp FDI và DDI trong các KCN thu hút và tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 lao động trong và ngoài Tỉnh.

Nhằm đạt được hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra, theo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, năm 2023 Ban cần tập trung triển khai số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Thu hút đầu tư: Tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN. Thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Về quy hoạch, vận hành và phát triển các KCN: Đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới. Phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN: Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN. Rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN. Yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt. Tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh như: Khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân..., để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Khởi công dự án trong KCN Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Về quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát: Triển khai tốt Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các dự án có vi phạm.

Triển khai tốt công tác quản lý lao động tại các KCN: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động. Hoàn thành việc số hoá cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động.

Theo dõi sát sao công tác quản lý môi trường tại các KCN: Triển khai lấy mẫu, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kiểm soát các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường; Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN; thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các KCN.

Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các KCN: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an Tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn chủ đầu tư các KCN tuân thủ nghiêm túc các quy định đúng theo pháp lệnh công tác phòng cháy chữa cháy; đôn đốc chủ đầu tư các KCN hoàn thiện bộ máy nhân sự và trang thiết bị đúng theo quy định; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện chế độ huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong KCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên tuyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp: Tiếp tục bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để có những hỗ trợ kịp thời tối ưu cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công Tỉnh; qua điện thoại, đường dây nóng; bằng văn bản hoặc email; giải đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các KCN...)...

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh./.

Tạo nhiều dấu ấn nổi bật thúc đẩy phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Tặng hoa cho Trưởng ban Quản lý các KCN Hà Nam (thứ hai từ phải sang) và Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (thứ hai từ trái sang) được Khối thi đua tín nhiệm bầu làm Khối trưởng và Khối phó Khối thi đua Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh đồng bằng Sông Hồng năm 2023

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư