e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

Nestlé tiên phong phát triển bền vững có trách nhiệm

13:37 | 18/01/2023 Print
Là doanh nghiệp luôn dẫn đầu về phát triển bền vững (PTBV) trong nhiều năm qua, chia sẻ với Kinh tế và Dự báo, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhấn mạnh Tập đoàn Nestlé luôn coi trọng nguyên tắc PTBV trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh gắn liền với việc thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần tiên phong thực thi một cách hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Xin ông cho biết những lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của Nestle tại Việt Nam sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới?

Trong chiến lược PTBV liên quan đến môi trường tại Việt Nam, chúng tôi ưu tiên tập trung vào 4 lĩnh vực gồm Hành động chống biến đổi khí hậu (BĐKH), Giải pháp bao bì bền vững, Mua hàng có trách nhiệm, và Quản lý nguồn nước nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của tập đoàn trong Lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.​ Để thực hiện mục tiêu này, Nestlé đã giới thiệu khái niệm nông nghiệp tái sinh và áp dụng cách tiếp cận này trong nông nghiệp tại Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho việc sản xuất thực phẩm một cách bền vững và đóng góp vào mục tiêu chống BĐKH của Nestlé.

Nestlé tiên phong phát triển bền vững có trách nhiệm
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam

Theo ông, cần làm gì để đưa PTBV trở thành nền tảng của mọi doanh nghiệp, thay vì chỉ là câu chuyện của những "ông lớn"? Nestle đã có những hành động cụ thể nào?

PTBV là điều bắt buộc phải làm nếu muốn thành công. Bất kể quy mô hay nguồn lực của doanh nghiệp, quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp phải có niềm tin và cam kết hành động, sự PTBV của doanh nghiệp phải tạo nên giá trị, đem lại sự tốt đẹp cho xã hội. Doanh nghiệp cần có các cam kết bền vững cụ thể dựa trên đặc điểm của ngành, mô hình và các ưu tiên hoạt động, trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình cụ thể với các bộ mục tiêu và chỉ số đo lường để theo dõi việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu và cam kết. Với càng nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn đến PTBV, sẽ có nhiều diễn đàn để doanh nghiệp có thể cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Về phần mình, Nestlé cam kết luôn nỗ lực thực hiện các hành động tạo tác động tích cực toàn diện trong suốt hơn 25 năm qua tại Việt Nam, đóng góp nhiều giá trị chung cho cộng đồng, cũng như phát triển các hoạt động bền vững của công ty và chương trình NESCAFÉ Plan là một ví dụ thành công điển hình.

Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ, cũng như cộng đồng doanh nghiệp để có thể thúc đẩy kinh doanh bền vững mạnh mẽ hơn tại Việt Nam trong thời gian tới?

Giải quyết tác động môi trường, kinh tế và xã hội của BĐKH đòi hỏi một sự chuyển đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Để làm được điều này, Chính phủ đóng vai trò quan trọng và tiên quyết trong việc định hướng, xây dựng chính sách, lãnh đạo và có các cam kết lâu dài. Chính phủ Việt Nam đã cho thấy mục tiêu theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm một cách rõ ràng thông qua việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Để có thể thúc đẩy kinh doanh bền vững và mạnh mẽ hơn, Chính phủ cần coi việc hỗ trợ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu. Có các chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, tiếp cận công nghệ xanh, nguồn vốn xanh, cũng như các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp tiên phong áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mạnh dạn thí điểm, triển khai các chính sách, giải pháp phát triển mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững./.

Hiếu Phương (thực hiện)

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2, tháng 01/2023)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư