Xây dụng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La

14:03 | 24/01/2023 Print
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, du lịch xanh đã và đang trở thành một xu hướng phát triển, ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng xã hội và chính quyền các cấp. Bài viết này đi sâu nghiên cứu về du lịch xanh và sản phẩm du lịch xanh; đề xuất các tiêu chí để xây dựng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

GIỚI THIỆU

Ở nước ta hiện nay, vấn đề phát triển nền kinh tế xanh và tạo ra sự tăng trưởng xanh đang là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu nhằm tạo ra khung lý thuyết giúp cho việc hoạch định chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tiêu chí xanh cho mỗi ngành sản xuất và dịch vụ có sự khác biệt. Bên cạnh đó mỗi sản phẩm và dịch vụ cụ thể lại đòi hỏi phải có những tiêu chí cụ thể hơn để được công nhận đã đạt tới tiêu chuẩn xanh. Đối với lĩnh vực du lịch, cốt lõi của du lịch xanh là sản phẩm du lịch xanh. Để đảm bảo là sản phẩm du lịch xanh cần đạt được các tiêu chí: sản phẩm sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đối với môi trường và sức khỏe của cộng đồng; sản phẩm có xu hướng làm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng; sản phẩm góp phần bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên một cách lâu dài và bền vững...

Sơn La là một tỉnh miền núi và biên giới phía Tây Bắc Việt Nam; có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng; có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Trong những năm qua, nhờ khai thác các tiềm năng và thế mạnh, Sơn La đã tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự phát triển vượt bậc về du lịch. Tuy nhiên, vấn đề phát triển du lịch Sơn La theo hướng du lịch xanh và xây dựng các “Mô hình bản du lịch xanh” tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La cần được nghiên cứu một cách khoa học và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

NHẬN THỨC VỀ DU LỊCH XANH VÀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA DU LỊCH XANH VỚI CÁC LOẠI HÌNH DU LỊCH KHÁC

Du lịch” là một từ Hán - Việt. “Du” có nghĩa là đi chơi, thưởng ngoạn phong cảnh, văn hóa, ẩm thực... “Lịch” là lịch lãm, lịch sự, ứng xử có văn hóa... Khi nói đến du lịch, người ta thường hiểu đó là những hoạt động có liên quan đến những chuyến đi mang tính tập thể hoặc cá nhân của con người. Những chuyến đi này sẽ đi đến những địa điểm không nằm trong vùng khu vực họ cư trú và nhằm mục đích dã ngoại, ngắm cảnh, tham quan, nghỉ dưỡng... Hoạt động này thường được thiết lập trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong Tiếng Anh có các khái niệm như: Tourism là Du lịch; Tour là Chuyến du lịch; Travel là Đi du lịch; Domestic tourism: Du lịch trong nước; Travel abroad: Du lịch nước ngoài. Homestay: Loại hình du lịch lưu trú...

Du lịch là ngành có mối liên hệ mật thiết với nhiều nhóm ngành khác, đặc biệt là những nhóm ngành dịch vụ. Bởi có sự liên kết với nhau nên chúng sẽ luôn tác động ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Ngành du lịch hiện mang lại rất nhiều cơ hội về việc làm và mức thu nhập cao cho người lao động.

Luật Du lịch của nước ta (năm 2017), đã đưa ra khái niệm: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, du lịch là một ngành kinh tế - dịch vụ, có nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu tham quan giải trí nghỉ ngơi, có hoặc không kết hợp với các hoạt động chữa bệnh, thể thao, nghiên cứu khoa học và các nhu cầu khác. Như vậy, du lịch là một ngành kinh tế độc đáo và phức tạp, có tính đặc thù, mang nội dung văn hoá sâu sắc và tính xã hội cao.

Các loại hình du lịch được định nghĩa là các phương thức du lịch, các cách khai thác thị hiếu, sở thích và nhu cầu của khách hàng để đáp ứng tốt nhất mong muốn của khách hàng. Tại Việt Nam, các loại hình du lịch được phân theo các tiêu chí khác nhau. Ví dụ: Phân loại du lịch theo phạm vi lãnh thổ gồm: Du lịch quốc tế và Du lịch nội địa. Phân loại theo mục đích chuyến gồm: Du lịch văn hóa, lịch sử; Du lịch tham quan, khám phá; Du lịch teambuilding (Du lịch thông qua các trò chơi vận động theo nhóm); Du lịch thể thao (du lịch câu cá, du lịch săn bắn, du lịch leo núi, xem các cuộc thi đấu thể thao). Phân loại theo đặc điểm địa lý gồm: Du lịch biển; Du lịch đô thị; Du lịch thôn quê. Phân loại du lịch theo hình thức tổ chức gồm: Du lịch cá nhân và Du lịch gia đình. Phân loại theo thời gian hành trình, gồm: Du lịch ngắn ngày và du lịch dài ngày. Phân loại theo phương tiện di chuyển gồm: Du lịch xe đạp, du lịch ô tô, du lịch bằng máy bay, du lịch bằng tàu hỏa, du lịch bằng tàu thủy...

Cần phân biệt khái niệm về các loại hình du lịch với các hình thức phát triển du lịch. Hiện nay ở nước ta đang phổ biến các hình thức phát triển du lịch như: phát triển du lịch sinh thái, phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch cộng đồng và phát triển du lịch xanh.

Du lịch xanh không phải là một loại hình du lịch mà nó là một hình thức phát triển du lịch của quốc gia hay một địa phương. Theo định nghĩa của tác giả Martin Oppermann (Bách khoa toàn thư về Du lịch): Du lịch xanh là một hình thức du lịch thay thế thường liên quan đến du lịch nông thôn, là một hình thái của du lịch thiên nhiên, thân thiện với môi trường và hầu như không tạo ra tác động về sinh thái tại điểm đến du lịch". Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) định nghĩa: “Du lịch xanh bao gồm các hoạt động du lịch có thể được duy trì lâu dài hoặc được thực hiện bền vững trong xã hội, kinh tế, văn hóa và môi trường". Trong Báo cáo năm 2020 của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam có đưa ra khái niệm: Du lịch xanh là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sự khác biệt giữa du lịch xanh với các hình thức phát triển du lịch khác được thể hiện ở khía cạnh sau: Nếu du lịch sinh thái là hình thức phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, du lịch bền vững quan tâm việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với yêu cầu duy trì sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái, du lịch cộng đồng quan tâm đến việc khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng thì du lịch xanh chính là sự tổng hòa của cả ba hình thức phát triển du lịch nêu trên. Du lịch xanh vừa đem lại hiệu quả thiết thực, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học; vừa phát huy được hết thế mạnh văn hóa bản địa và góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Điều này cho thấy du lịch xanh là hình thức phát triển cao nhất, hiệu quả và toàn diện nhất so với các hình thức phát triển du lịch đã đề cập ở trên đây.

MỘT VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH XANH Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Việt Nam có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa - nhân văn rất phong phú, đa dạng; đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng gồm: 3 di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Cao nguyên đá Đồng Văn; 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 125 bãi biển đẹp; 200 hang động; hơn 300 vườn quốc gia và nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp. Tài nguyên du lịch nhân văn phong phú gồm: truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có thể sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Với hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có trên 41.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh ghi lại dấu ấn của quá trình dựng nước và giữ nước. Đặc biệt có 5 Di sản Văn hoá Thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ. Có 01 Di sản thế giới hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An và 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào các danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Thời gian qua, một số địa phương đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái như Quảng Bình, Nghệ An, Lâm Đồng, Cần Thơ... Một số tỉnh Tây Bắc, đã chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài tham quan các di tích của Cố đô, Huế chú trọng phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang quan tâm phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển mạnh du lịch miệt vườn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch còn tồn tại một số vấn đề khiến cho du lịch xanh chưa được phát triển; cụ thể là: phát triển du lịch chưa gắn với khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, hiệu suất sử dụng tài nguyên thấp; phát triển du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường; phát triển du lịch chưa tính đến biến đổi khí hậu... Một số nơi, việc phát triển quá nhanh đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch. Tại nhiều khu, điểm du lịch xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa được thu hồi, xử lý triệt để. Việc phát triển du lịch ở một số khu vực đã làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.

Hiện nay đã có một số công trình nghiên cứu mang tính độc lập nhưng chưa có mô hình thống nhất về “Làng du lịch xanh” hay “Bản du lịch xanh”. Ngày 31/01/2013, Tổng cục Du lịch chính thức công bố Bộ tiêu chí Nhãn du lịch xanh nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam. Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh áp dụng cho điểm tham quan du lịch gồm 174 tiêu chí, trong đó có 51 tiêu chí bắt buộc và 123 tiêu chí chấm điểm. Nhãn Du lịch xanh được cấp cho các “Làng du lịch xanh” hay “Bản du lịch xanh”; với những nội dung chính đó là:

- Phải thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường; các hoạt động du lịch phải có đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của Bản.

- Từng bước nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân trong Bản về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, xã hội.

- Cộng đồng cư dân ở Bản phải tự quản lí, khai thác, phát huy, duy trì và phát triển các giá trị văn hóa bản địa nhằm vừa bảo tồn, vừa biến nó trở thành sản phẩm văn hóa được thương mại đem lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng cư dân của bản du lịch xanh.

- Bảo đảm khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, nước, gió...).

Mặc dù Bộ tiêu chí Nhãn du lịch xanh của Tổng cục du lịch khá chi tiết nhưng vẫn còn mang tính định hướng và chủ yếu phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch. Để đạt được thương hiệu “Làng du lịch xanh” hay “Bản du lịch xanh” cần có những tiêu chí xanh phù hợp vớii điều kiện tự nhiên của từng địa phương, từng khu vực với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.

TIÊU CHÍ XANH VÀ MÔ HÌNH “BẢN DU LỊCH XANH” TRONG KHU DU LỊCH QUỐC GIA MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA

Khái quát về Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La. Cao nguyên Mộc Châu có diện tích tự nhiên là 2.061 km2, trải dài trên hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và hùng vĩ; độ cao trung bình là 1.050m so với mặt nước biển; khí hậu ôn đới, được ví như Đà Lạt thứ hai ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu cũng là nơi cư trú của 12 dân tộc anh em với Dân số trung bình năm 2020 là 180. 000 người (huyện Mộc Châu 116.800 người và huyện Vân Hồ 63.200 người), trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 33%; dân tộc Mông 18%; dân tộc kinh 36%; còn lại là các dân tộc Khơ Mú, Dao, Tày, Mường... Có thể nói đồng bào dân tộc Thái và đồng bào dân tộc Mông là 02 dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc trưng có thể khai thác phục vụ khách du lịch và xây dựng các điểm đến “Bản văn hóa du lịch” của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu .

Xây dụng mô hình “Bản du lịch xanh” trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Điệu múa xòe của đồng bào dân tộc Thái

Đồng bào dân tộc Thái sống thành các bản và cụm bản với kiến trúc nhà sàn truyền thống; vừa là không gian sinh hoạt của người dân bản địa, vừa có thể khai thác để làm cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch (trên 70% các hộ gia đình tại bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, xã Mường Sang còn lưu giữ được kiến trúc nhà sàn Thái). Đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái có thể kể đến đó là: trang phục áo cóm, ẩm thực Thái, lễ hội Hết Chá, lễ hội Xên bản xên mường, lễ hội hoa ban, lễ hội mừng cơm mới, lễ hội cầu mưa; các trò chơi dân gian (ném còn), chữ viết Thái, các làn điệu múa hát cổ truyền (múa xòe, múa sạp), các tác phẩm thơ ca phản ánh cuộc sống lao động của người dân, về tình yêu đôi lứa trong đó nổi tiếng là tác phẩm Tiễn dặn người yêu, các nhạc cụ dân tộc (các loại pí, khèn bè; đàn tính, nhị, trống, chiêng, chũm chọe, quả nhạc), khung dệt vải, những chiếc cọn nước, cối giã gạo bằng sức nước bên những dòng suối...

Đồng bào dân tộc Mông cũng sống quây quần thành từng bản, cụm bản và thường gắn với những khu rừng nguyên sinh và nguồn nước. Những bản sắc văn hóa đặc trưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay như: lễ tu su; nghề làm giấy bản; các nhạc cụ khèn, sáo; nhảy tha kềnh, ném pao; phong tục giã bánh dày, phong tục xay bột ngô nấu mèn mén, món ăn thắng cố, món thịt lợn quay cả con ướp trong chum mỡ; chợ phiên và phong tục cướp vợ; kho tàng văn học dân gian của đồng bào Mông, ngày hội văn hóa các dân tộc Mông tại huyện Mộc Châu... Tuy nhiên, những giá trị văn hóa đó chưa được đồng bào dân tộc Mông khai thác và phát triển một cách hiệu quả cho hoạt động du lịch.

Tiêu chí xanh của điểm đến “Bản văn hóa du lịch”trong Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Khi xây dựng “Mô hình phát triển bản du lịch xanh” của đồng bào dân tộc Thái và dân tộc Mông trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu thì phải là mô hình chuẩn đáp ứng cơ bản các tiêu chí của bản du lịch xanh với 06 tiêu chí sau: (i) Phải có không gian du lịch xanh; (ii) phải có các sản phẩm du lịch xanh; (iii) Thực hiện được các dịch vụ xanh phục vụ du khách; (iv) Tự vận hành được Mô hình quản lý Bản du lịch xanh; (v) Từng bước thực hành các giải pháp ứng dụng công nghệ xanh; (vi) Phải xây dựng và thực hành được các quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Cụ thể là:

Về lựa chọn bản có không gian du lịch xanh

- Bản của đồng bào dân tộc Thái phải có quy mô từ 30 hộ trở lên; trong đó phải có trên 50% số hộ có Nhà sàn có kiến trúc kiểu truyền thống. Trong bản phải có ít nhất 05 hộ có nhà sàn đầy đủ tiện nghi đã bước đầu đón khách du lịch nhưng có thể chưa đảm bảo về tiêu chí điểm đến xanh.

- Bản của đồng bào dân tộc Mông phải có quy mô từ 20 hộ trở lên; trong đó phải có trên 50% số hộ có Nhà ở thưng ván gỗ lợp ngói theo kiến trúc truyền thống. Trong bản phải có ít nhất 03 hộ có nhà ở truyền thống đầy đủ tiện nghi đã bước đầu đón khách du lịch nhưng có thể chưa đảm bảo về tiêu chí điểm đến xanh.

* Các bản được lựa chọn phải nằm cách xa đường giao thông chính trong khu vực tối thiểu là 500 m để tránh tiếng ồn và khói bụi của các phương tiện giao thông; đồng thời tạo cảm giác an tâm, thảnh thơi cho du khách.

* Có khu vực để đỗ xe ô tô trước khi vào bản; khoảng cách đi bộ tới bản không quá 500 m.

Yêu cầu về các sản phẩm du lịch xanh của bản

- Bản phải có ít nhất 02 điểm đến du lịch sinh thái để du khách thưởng ngoạn và trải nghiệm:

+ Đồng cỏ xanh (hoặc cánh đồng xanh, vườn rau xanh).

+ Đồi chè xanh (hoặc vườn cây dược liệu, vườn cây ăn quả xanh).

+ Rừng cây xanh (hoạc đồi cây xanh).

+ Dòng suối trong xanh (hoặc gần ao hồ, nguồn nước trong xanh).

+ Văn hóa văn nghệ bản (với các chủ đề xanh).

- Có ít nhất 01 ngôi nhà đặc trưng của đồng bào dân tộc được bài trí theo không gian phục vụ khách du lịch.

- Có ít nhất 01 điểm đón khách du lịch kết hợp với các hoạt động văn hóa truyền thống (biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách).

- Đã xây dựng được nội dung thuyết minh về du lịch xanh gắn với các điểm đến du lịch và hoạt động văn hóa. Có hướng dẫn viên du lịch đã được đào tạo.

Yêu cầu về các dịch vụ xanh phục vụ du khách

Ăn uống xanh:

- Phục vụ các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái và Mông (các yêu cầu đặt ra: Nhà bếp trong tình trạng sạch sẽ và thông gió tốt; Các đồ dùng như bát, đĩa, đũa, cốc, chén uống rượu... sử dụng để phục vụ bữa ăn cho khách, các thành viên trong gia đình của chủ nhà không được sử dụng. Các nhân viên tham gia vào việc chuẩn bị thực phẩm phải giữ vệ sinh cá nhân tốt và đúng cách. Thịt, cá và các thực phẩm khác sử dụng để chế biến món ăn phải tươi và chất lượng tốt, có nguồn gốc từ chợ địa phương hoặc nhà cung cấp địa phương...).

- Phục vụ quả tươi là các sản phẩm sạch theo mùa vụ của Sơn La và Mộc Châu như: Đào Mộc Châu, Mận hậu Mộc Châu, Nhãn Sông Mã, Xoài Yên Châu, Hồng giòn Mộc Châu, Na dai Mai Sơn, Bơ Mộc Châu, Thanh Long ruột đỏ Mai Sơn; Cam Phù Yên; Bưởi da xanh Mai Sơn...

- Cung cấp nước uống an toàn cho khách. Phục vụ khách đồ uống từ các sản phẩm nổi tiếng của địa phương như trà xanh Mộc Châu, trà Ôlong Mộc Châu; nước ép trái cây; nước pha chế từ thảo mộc địa phương. Phục vụ rượu có nguồn gốc từ các doanh nghiệp địa phương, có thương hiệu, đảm bảo đủ tiêu chuẩn an toàn (Rược Mộc Sa Mộc Châu, Rược Hang Chú Bắc Yên...).

Lưu trú xanh:

- Thiết kế và vật liệu xây dựng ngôi nhà trong Bản du lịch mang kiến trúc truyền thống và bản sắc địa phương. Có buồng ngủ cho khách, tách biệt với các buồng ngủ cho thành viên trong gia đình.

- Tối thiểu có một phòng tắm và nhà vệ sinh riêng cho khách. Sử dụng chất khử trùng để giữ cho nhà vệ sinh sạch sẽ và không có vi trùng.

- Đảm bảo cung cấp điện liên tục (từ hệ thống điện lưới hoặc máy phát điện). Cung cấp nước sạch đầy đủ và liên tục. Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc 24/24 giờ.

- Cung cấp các tiện nghi và đồ dùng cơ bản trong buồng ngủ của khách, như giường, quạt, bàn, tủ nhỏ, gương, ổ cắm điện, màn chống muỗi, khăn tắm, thùng rác ... Các thành viên trong gia đình chủ nhà không được sử dụng các buồng ngủ dành riêng cho khách.

Giao thông và vận chuyển du khách xanh:

- Có Bảng chỉ dẫn để hướng dẫn khách đến Bản du lịch.

- Đường giao thông nội bản được cứng hóa đáp ứng khả năng vận chuyển khách theo lộ trình 1 chiều khép kín và đủ đáp ứng khả năng lưu thông 2 chiều khi cần thiết.

- Có các điểm dừng chân ngắm cảnh, các Khu trải nghiệm. Có rào chắn an toàn ở những điểm địa hình nguy hiểm.

- Có các cửa hàng bán hàng sản xuất bởi nghề truyền thống của đồng bào dân tộc đồng thời là nơi cho thuê, mượn các phương tiện di chuyển xanh trong bản du lịch (xe đạp/xe điện hoặc phương tiện khác) không gây hại môi trường.

Có trải nghiệm văn hóa xanh:

- Có không gian chung (nhà văn hóa) của Bản du lịch và không gian chung tại gia đình đón khách du lịch để Du khách thưởng ngoạn văn hóa bản địa hoặc trải nghiệm cuộc sống thực của đồng bào dân tộc. Có khu trưng bày nghệ thuật, lịch sử và văn hóa dân tộc địa phương để giới thiệu về di sản văn hóa, lịch sử của cộng đồng cho khách du lịch

- Các hoạt động lễ hội diễn ra theo lịch nhất định để giữ chân du khách vừa đảm bảo không lãng phí nguồn lực (không diễn ra tất cả các hoạt động trong cùng một ngày). Hướng dẫn viên du lịch, lễ tân và đội văn nghệ mặc trang phục phản ánh văn hóa và cách sống của đồng bào dân tộc. Biểu diễn các điệu múa và bài hát truyền thống của cộng đồng cho khách du lịch.

Có không gian mua sắm xanh:

- Hướng dẫn viên du lịch biết kết hợp giới thiệu về sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc trong vùng cho du khách.

- Có các cửa hàng giới thiệu về sản phẩm thủ công truyền thống cho khách du lịch. Kết hợp bán các sản phẩm thủ công truyền thống và các sản phẩm đặc sản khác được sản xuất tại địa phương (sản phẩm OCOP).

- Không bán động vật hoang dã hoặc các vật phẩm được làm từ động vật hoang dã. Không đưa các sản phẩm làm từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm đã tuyệt chủng hoặc có xu hướng suy giảm để bán cho khách du lịch.

Đảm bảo an toàn cho du khách trong khu vực Bản:

- Bản du lịch phải là một bản có cộng đồng dân cư thân thiện. Không có tệ nạn ma túy.

- Có hướng dẫn viên du lịch, đồng thời các hướng dẫn viên du lịch phải có kỹ năng sơ cứu sẵn sàng hỗ trợ du khách. Kết nối được với các đội cứu hộ, nhân viên y tế chuyên nghiệp trong trường hợp khẩn cấp.

- Có đội an ninh đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Các thiết bị báo cháy và chữa cháy luôn sẵn sàng và trong tình trạng tốt.

Thành lập và vận hành Ban quản lý “Bản du lịch xanh”

- Thành lập Ban quản lý Bản du lịch xanh với tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thù lao rõ ràng.

- Xây dựng và ban hành hương ước của Bản du lịch xanh

- Xây dựng bộ Quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương

Thực hành các giải pháp ứng dụng công nghệ xanh

- Ứng dụng công nghệ xanh trong trồng trọt, chăn nuôi tại bản (nếu có).

- Dùng bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời (phù hợp với điều kiện thời tiết theo mùa).

- Ứng dụng công nghệ trong giới thiệu tour, đặt phòng, đặt thực đơn (ẩm thực), đặt dịch vụ (văn hóa, văn nghệ, phương tiện di chuyển), thanh toán...

- Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành của Ban quản lý Bản du lịch xanh và quản lý khách du lịch.

Xây dựng và thực hành được các quy định về bảo vệ môi trường trong cộng đồng

- Đặt Bảng hướng dẫn phân loại rác và thùng đựng rác tại các khu vực nguồn để mọi người biết và cùng thực hiện.

- Sử dụng lưới chống muỗi hoặc các loại thuốc chống muỗi và côn trùng thân thiện với môi trường (như tinh dầu sả chống muỗi).

- Sử dụng các chất tẩy rửa, các sản phẩm làm sạch và các sản phẩm vệ sinh cơ thể cho khách có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường.

- Sử dụng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, để giảm tác động tiêu cực của nước thải đến cuộc sống của dân cư địa phương và môi trường.

- Hoạt động giải trí trong bản phải dừng theo quy định của địa phương hoặc muộn nhất là trước 12 giờ đêm.

Giải pháp hỗ trợ của tỉnh Sơn La trong việc xây dựng và vận hành “Mô hình mẫu bản du lịch xanh” của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

- Tổ chức Tập huấn về các nội dung trong bộ tiêu chí “Bản du lịch xanh” cho một bộ phận nhân dân tham gia hoạt động du lịch trong bản.

- Hướng dẫn xây dựng và hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và các sản phẩm du lịch xanh của bản.

- Hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ hoạt động dịch vụ du lịch của bản.

- Hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và hạ tầng du lịch của bản.

- Tập huấn, hướng dẫn các hoạt động văn hóa phục vụ du lịch.

- Hướng dẫn thành lập bộ phận tự quản lý du lịch của bản.

- Hướng dẫn xây dựng các văn bản quản lý, các hương ước, quy ước có liên quan của bản du lịch xanh.

- Hỗ trợ để xây dựng thương hiệu Bản du lịch xanh theo đặc trưng riêng của bản đồng bào dân tộc Thái và của bản đồng bào dân tộc Mông (chọn Logo, xây dựng biển quảng cáo và các tài liệu xúc tiến, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh của bản)./.

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2014), Quyết định số 2050/QĐ-TTg, ngày 12/11/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Đỗ Phú Hải (2018), Những vấn đề lý luận về phát triển bền vững và kinh tế xanh ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghiên cứu Chính sách và Quản lý, số 2 năm 2018.

3. Hoàng Thị Điệp (2013), Sổ tay hướng dẫn cấp nhãn du lịch xanh cho điểm tham quan du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục du lịch.

4. Nguyễn Văn Đính (2020), Phát triển du lịch xanh Việt Nam, đăng tại: http://www.vtr.org.vn/, ngày đăng 23/06/2020.

5. Nguyễn Huy Hoàng (2014), Nghiên cứu nội dung và giải pháp xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn văn hoá, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La, Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

6. Nguyễn Thị Thao (2020), Du lịch xanh - giải pháp phát triển du lịch bền vững của huyện đảo Phú Quốc, đăng tại địa chỉ: http://tapchicongthuong.vn/, ngày đăng 08/03/2020.

7. Tỉnh ủy Sơn La, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 24/9/2020).

8. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I và tập II), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà nội 2021.

9. Vũ Tuấn Anh (2015). Tiến tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

TS. Nguyễn Minh Đức - Chuyên viên cao cấp

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư