e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Thị trường - Doanh nghiệp

Thị trường trong nước sôi động tháng đầu năm

20:35 | 29/01/2023 Print
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 20%

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao, nên hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).

Thị trường trong nước sôi động tháng đầu năm
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2023 tăng 34,2% so với tháng 1/2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 chỉ đạt 88,1% quy mô của chỉ tiêu này nếu ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 435,4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hàng may mặc tăng 27%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 23,8%; lương thực, thực phẩm tăng 17,9%; phương tiện đi lại tăng 14,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 7,2%.

Xét về các địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Đà Nẵng tăng 24,7%; Hà Nội tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 13,9%; Quảng Ninh tăng 11,4%; Khánh Hòa tăng 9,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,8%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2023 ước đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có tốc độ tăng cao là: Đà Nẵng tăng 83,6%; Kiên Giang tăng 47,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 43,4%; Hà Nội tăng 32,4%; Quảng Ninh tăng 29,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 27,4%.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2023 ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương tăng mạnh: Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 98,7%.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 1/2023 ước đạt 51,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có tốc độ tăng cao: Đà Nẵng tăng 65,3%; Đồng Nai tăng 32,9%; Khánh Hòa tăng 31,4%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,9%; Hà Nội tăng 12,6%; Cần Thơ tăng 10,1%; Hải Phòng tăng 6,5%...

Tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững

Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững thị trường trong nước, kết nối liền mạch với thị trường xuất nhập khẩu, nhằm đảm bảo không gian thị trường cho các ngành sản xuất trong nước và nâng cao nội lực của nền kinh tế trên cơ sở mở rộng tiêu dùng nội địa gắn với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam, khai thác lợi thế về quy mô dân số với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và tiêu dùng trẻ, năng động.

Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... Phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm.

Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại. Thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ hàng hóa phân phối qua hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 38 - 42%; tỷ lệ hàng hóa phân phối qua các kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5-11%; tỷ trọng bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15%.

Tập trung hỗ trợ hình thành và phát triển một số tập đoàn bán buôn, bán lẻ trong nước có thương hiệu lớn và có khả năng cạnh tranh trong khu vực với hệ thống phân phối hiện đại, làm chủ hệ thống tổng kho, trung tâm logistics và nguồn cung ứng hàng hoá nhằm ổn định cung cầu, nâng cao tính cạnh tranh về giá gắn với tăng cường quản lý cạnh tranh, chống độc quyền. Khuyến khích các tập đoàn phân phối lớn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài…/.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư