Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN

22:30 | 15/02/2023 Print
Hội thảo "Tham vấn về khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN" cung cấp “bức tranh” tổng quan về kết quả nghiên cứu khung pháp lý quản lý chất thải rắn trong KCN, đồng thời hỗ trợ xây dựng hướng dẫn việc xử lý, tái sử dụng chất thải, phế liệu trong KCN sinh thái.
Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Toản cảnh Hội thảo"Tham vấn về khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN”

Chiều ngày 15/2/2023 tại Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Tham vấn về khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN”. Hội thảo được diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó Giám đốc Dự án KCN sinh thái chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan; các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố tham gia dự án KCN sinh thái: Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ; một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng và doanh nghiệp sản xuất trong KCN tham gia dự án KCN sinh thái: KCN Amata (Đồng Nai); KCN Deep C (Hải Phòng); KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh); KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng); KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ); KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng); các nhà tài trợ SECO, UNIDO, JICA, UNDP, World Bank; các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực liên quan cùng các cơ quan báo chí, truyền thông...

Mục đích của Hội thảo nhằm trình bày kết quả nghiên cứu khung pháp lý về quản lý chất thải rắn trong KCN; giới thiệu, lấy ý kiến dự thảo khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN. Đồng thời hỗ trợ xây dựng hướng dẫn việc xử lý, tái sử dụng chất thải, phế liệu trong KCN sinh thái theo quy định tại Điều 58, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/5/2022.

Tái sử dụng chất thải thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Vương Thị Minh Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án KCN sinh thái cho biết, mô hình KCN sinh thái được Chính phủ đánh rất giá cao, là mô mình có những đóng góp rất hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh. Việc phát triển KCN sinh thái đã bước đầu được định hướng tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2012-2020 và đã được khẳng định cụ thể tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Bà Vương Thị Minh Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giám đốc Dự án KCN sinh thái phát biểu khai mạc Hội thảo

Các quy định về KCN sinh thái được tích hợp rất nhiều trong các văn bản khác nhau, gần đây là Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT. Trong Nghị định này, Chính phủ đưa ra rất nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam, tiêu chí chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, cũng như xây dựng KCN mới ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, đòi hỏi các tiêu chí này cần có sự đồng bộ trong quy định pháp lý về quản lý chất thải, cụ thể là:

Khoản 3, Điều 47, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định khuyến khích việc tái sử dụng chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn.

Khoản 1, Điều 65, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng quy định rõ: "Chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa".

Tại khoản 2, Điều 58, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “hướng dẫn việc xử lý, tái chế, tái sử dụng, phế liệu trong KCN”.

Theo bà Minh Hiếu, để đảm bảo thực thi pháp luật đồng bộ và hiệu quả, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hướng tới thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giúp thực hiện hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN; việc xây dựng khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN là rất cần thiết, là nền tảng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các KCN, các địa phương có thể chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Nhận thức được tâm quan trọng đó, Ban Quản lý Dự án đã nghiên cứu xây dựng khung hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn trong KCN. Đồng thời mong muốn thông qua các nghiên cứu, các chuyên gia của Dự án sẽ đưa ra được bức tranh tổng quan nhất về kết quả nghiên cứu rà soát thực trạng pháp luật về quản lý chất thải trong các KCN của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế về tái sử dụng chất thải làm cơ sở xây dựng dự thảo khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN.

Vụ Quản lý các Khu kinh tế và Ban Quản lý Dự án mong muốn nhận được những đóng góp của các bộ, ngành; các cơ quan liên quan; các doanh nghiệp thứ cấp, các công ty đầu tư và phát triển hạ tầng KCN, KKT; các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn trong KCN làm nền tảng để xây dựng KCN sinh thái và kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ hỗ trợ phần nào đó cho các cơ quan liên quan của Bộ Ttài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn trong KCN như quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ”, bà Hiếu nhấn mạnh.

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN

Bà Nguyễn Trâm Anh- Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO giới thiệu tổng quan kết quả quá trình triển khai dự án KCN sinh thái

Nhận diện những rào cản pháp lý trong quá trình quản lý và triển khai tái sử dụng chất thải rắn

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Ông Alessandro Flammini, Điều phối viên dự án, UNIDO tại trụ sở chính (Áo) trình bày trực tuyến tại Hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong tái sử dụng chất thải rắn

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày của các chuyên trong và ngoài nước trình bày về các nội dung liên quan đến vấn đề sử dụng chất thải rắn công nghiệp trong các KCN tại Việt Nam và quốc tế như: Kinh nghiệm quốc tế về tái sử dụng chất tải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn (ông Alessandro Flammini, Điều phối viên dự án, UNIDO trụ sở chính trình bày); nghiên cứu điển hình về các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng tại các KCN được lựa chọn, giới thiệu một số trường hợp tái sử dụng chất thải: Tiềm năng và thách thức (ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam - VNCPC trình bày); rà soát thực trạng pháp luật về quản lý chất thải rắn trong KCN tại Việt Nam: Các quy định pháp lý về tái sử dụng chất thải rắn, thực trạng quản lý chất thải rắn tại các KCN ở Việt Nam; giới thiệu dự thảo khung hướng dẫn về tái sử dụng chất thải rắn trong các KCN (đều do bà Lê Hoàng Lan, chuyên gia tư vấn về môi trường trình bày).

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam - VNCPC trình bày nghiên cứu điển hình về các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng tại các KCN được lựa chọn

Phần thảo luận chung, các đại biểu đã đánh giá thực trạng những vướng mắc đang gặp phải về công tác triển khai tái sử dụng chất thải rắn và quản lý chất thải rắn tại các KCN của địa phương. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN thực sự rất cần thiết, song khi các doanh nghiệp triển khai thực tế thì gặp nhiều khó khăn liên quan đến rào cản về cơ chế chính sách pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Cụ thể, khi xem xét đó là chất thải, thì khi thực hiện việc trao đổi chất thải trong cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp với nhau phải phù hợp với quy hoạch của KCN đó, phù hợp với ngành nghề theo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cấp; phù hợp với giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp thứ cấp và phải có Giấy phép môi trường trước khi thực hiện. Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh hàng loạt các hồ sơ pháp lý doanh nghiệp, gây rào cản trong thực hiện thủ tục hành chính để thực hiện cộng sinh công nghiệp.

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Bà Lê Hoàng Lan, chuyên gia tư vấn về môi trường trình bày bài nghiên cứu tại Hội thảo

Các đại biểu cho rằng, để triển khai hiệu quả việc tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp, tiến đến cộng sinh công nghiệp và kinh tế tuần hoàn, khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn trong KCN cần chú trọng một số nội dung quan trọng sau:

Khi doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp cần có quy định, xem xét tháo gỡ rào cản pháp lý về điều chỉnh quy hoạch KCN, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép môi trường, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy…

Ban hành các quy định hướng dẫn từng loại chất thải thông thường có khả năng tái sinh, tái chế và tái sử dụng là một loại hình hàng hóa đối với một số loại chất thải như nhựa (tái chế), gỗ (làm biomass), giấy…, nguồn tài nguyên hoặc nguyên liệu phục vụ trong sản xuất (các bước quy trình, trình tự thực hiện để công nhận/xác nhận từng loại chất thải này, khi là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thì sẽ không phải thực hiện các pháp lý có liên quan). Ví dụ như vải thừa từ sản phẩm may mặc có thể xem là hàng hóa, nguyên liệu để tái chế dùng làm nguyên liệu cho sản xuất sợi...

Hình thành Trung tâm thông tin trao đổi chất thải trong các KCN để chia sẻ các vấn đề về mua bán, trao đổi phế thải, truyền thông đến từng doanh nghiệp (về ý nghĩa, mục đích) để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, tạo nên kết quả.

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện cộng sinh công nghiệp, trao đổi chất thải. Trong trường hợp phải thực hiện các thủ tục theo quy định đầu tư, môi trường, thì cho phép doanh nghiệp thực hiện thu gom chất thải về nhà máy làm nguyên liệu sản xuất, song song với việc thực hiện hồ sơ pháp lý và sẽ không xử lý vi phạm môi trường đối với nội dung này (đề xuất cam kết của nhà đầu tư khi tham gia KCN sinh thái, kinh tế tuần hoàn để làm cơ sở xem xét không xử lý vi phạm).

Nên tiếp cận theo hướng đề cập thực tế, bổ sung thêm các quy định ngoài luật trong khung hướng dẫn để có thêm các khuyến nghị xem xét có thể triển khai, áp dụng thực tế.

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý các KCX-CN TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Cần nâng cao vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Hội thảo đã nhận được sự tham gia đóng góp ý kiến sôi nổi, nhiệt tình, thiết thực, hiệu quả của các chuyên gia tư vấn và các đại biểu

Tổng kết và bế mạc Hội thảo, bà Minh Hiếu khẳng định, Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp hết sức kỹ thuật, chuyên sâu của các chuyên gia và đơn vị tư vấn, cùng với tinh thần tham gia góp ý, trao đổi thẳng thắn, tích cực, khách quan của các đại biểu đến từ các các Ban Quản lý KCN, KKT và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, KKT đã cho thấy “bức tranh” tổng quan về thực trạng công tác quản lý và tái sử dụng chất thải rắn trong KCN hiện nay.

Nhằm xây dựng và đưa ra được tài liệu phù hợp với thực tiễn về quản lý, xử lý chất thải rắn trong thời gian tới, bà Hiếu đề nghị đơn vị tư vấn, các chuyên gia KCN sinh thái và các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu và tăng cường điều tra thực tiễn tại các KCN trong dự án KCN sinh thái (tìm ra nguyên vật liệu nào là phổ biến nhất), làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí phù hợp về quản lý, sử dụng chất thải rắn theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; bổ sung các quy định ngoài luật vào khung hướng dẫn (mang tính chất tham khảo và có những khuyến nghị triển khai thực hiện và áp dụng vào thực tế được không?).

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Ban Quản lý Dự án tiếp thu các ý kiến đóng góp, trao đổi thẳng thắn của các đại biểu và giải đáp những vướng mắc mà các đại biểu nêu ra trong quá trình triển khai các hoạt động

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, bà Minh Hiếu nhất trí cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong việc thực thi các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành. Đồng thời xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển KCN, trong đó có đẩy mạnh phát triển KCN sinh thái (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang triển khai).

Theo bà Minh Hiếu, để khung pháp lý về hướng dẫn tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp được triển khai hiệu quả và đi vào thực tế, rất cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên tham gia và của các bộ, ngành, địa phương.

‘‘Đây là một vấn đề rất khó, cần có sự chung tay của các bên liên quan; các bộ. ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về KCN của các địa phương; các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN, cũng như các doanh nghiệp đầu tư trong KCN để đẩy mạnh việc tái chế chất thải rắn và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn’’, bà Minh Hiếu nhấn mạnh.

Bà cho biết thêm, sau Hội thảo, Ban Quản lý dự án KCN sinh thái sẽ tổng hợp các ý kiến đề xuất của các chuyên gia và các đại biểu gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, để Bộ có cơ sở xem xét, sử dụng trong quá trình sửa đổi Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cũng như ban hành hướng dẫn sử dụng chất thải trong KCN sinh thái được quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP./.

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN

Ban Quản lý dự án KCN sinh thái và đại biểu chụp hình lưu niệm chúc mừng Hội thảo thành công

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÁC ĐẠI BIỂU PHÁT BIỂU Ý KIẾN VÀ TRAO ĐỔI TẠI HỘI THẢO

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Đại biểu đến từ Hiệp hội Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Đại biểu đến từ KCN DEEP C, Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Đại biểu đến từ KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Đại biểu đến từ KCN AMATA , Biên Hòa, Đồng Nai phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng, hoàn thiện khung hướng dẫn tái sử dụng chất thải trong KCN
Đại biểu đến từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Hội thảo

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư