“Điểm mặt” rủi ro trên thị trường chứng khoán

08:19 | 17/02/2023 Print
Áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với khó khăn…, là những rủi ro trên thị trường chứng khoán năm 2023.

Nhận diện rủi ro

Sau những biến cố trong năm 2022, theo SSI Research, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước sang năm 2023 với các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen.

Một điểm tích cực là thị trường đã phản ánh khá nhiều rủi ro, bao gồm cả rủi ro định giá lại trong chu kỳ lãi suất tăng, cũng như triển vọng tăng trưởng kém khả quan hơn cho năm 2023. P/E thị trường dự phóng cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022), thấp hơn 35% so với mức P/E trung bình của thị trường là 14,16 lần trong giai đoạn 2009-2022. Một điểm cộng quan trọng khác cho năm 2023 là đồng VND có thể sẽ ổn định hơn trong năm nay.

“Điểm mặt” rủi ro trên thị trường chứng khoán
P/E thị trường dự phóng cho năm 2023 là 9,2 lần (tính tại ngày 30/12/2022)

Ngược lại, rủi ro về thanh khoản vẫn tồn tại xuyên suốt trong năm, do áp lực lớn đến từ lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn. Lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ quay đầu với tốc độ khá chậm. Do đó, thị trường bất động sản vẫn sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài…

Kỳ vọng VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023

Với kịch bản cơ sở, SSI Research kỳ vọng VN-Index tăng 15% vào cuối năm 2023, cao hơn so với ước tính tăng trưởng lợi nhuận là 13,8% cho năm nay (vùng điểm mục tiêu của VN-Index là 1.160 vào cuối năm). Mặc dù vậy, sẽ có những giai đoạn trong năm Chỉ số này có thể ghi nhận vùng điểm cao hơn so với ngưỡng mục tiêu này.

Với những động thái chủ động và quyết liệt của Chính phủ để đối phó với các thách thức vĩ mô, kỳ vọng TTCK trong năm 2023 sẽ khả quan hơn nếu so sánh với năm 2022, nhưng còn quá sớm để trở nên quá lạc quan về khả năng bứt phá mạnh của thị trường...

Các yếu tố cần theo dõi trong nửa đầu năm 2023 bao gồm:

- Lạm phát cao (dự kiến đạt đỉnh vào quý I/2023) tác động tiêu cực đến tiêu dùng.

- Lượng trái TPDN đến hạn thanh toán (một số lượng TPDN đến hạn được dời từ quý IV/2022 sang quý I/2023); các vụ việc sai phạm liên quan đến TPDN đang chờ xử lý.

- Fed tăng lãi suất vào tháng 3 và tháng 5 sẽ giữ lãi suất ở mức cao.

- Vinfast IPO.

- Lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan, một số ngành ghi nhận mức đáy về tăng trưởng lợi nhuận.

- Thị trường bất động sản trầm lắng.

- Trung Quốc mở cửa trở lại, nhiều khả năng sẽ tác động đến ngành du lịch Việt Nam từ cuối quý II/2023 (kỳ nghỉ hè).

TTCK năm nay sẽ có 3 chủ đề nổi bật: Đầu tư công; Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn; dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, về đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch. Vẫn còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022-2023 vẫn chưa được giải ngân. Bộ Tài chính đã công bố kế hoạch ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726 triệu tỷ đồng (khoảng 30,5 tỷ USD, cao hơn mức kế hoạch đã sửa đổi cho năm 2022 là 27,2 tỷ USD).

Câu chuyện thứ hai là kỳ vọng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại. Khách du lịch Trung Quốc chiếm 32% lưu lượng khách hàng không quốc tế đến Việt Nam trong năm 2019, trong khi Trung Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất của người dân Việt Nam. SSI Research kỳ vọng lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi dần dần từ quý II/2023. Lượng khách quốc tế vào năm 2024 có thể vượt mức của năm 2019, đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn của ngành hàng không Việt Nam.

SSI Research đánh giá thị trường sẽ biến động mạnh theo cả 2 chiều do thanh khoản dự kiến duy trì ở mức thấp. Với thanh khoản ở mức thấp, khi có dòng tiền lớn xuất hiện như dòng tiền từ khối ngoại, thị trường có thể đảo chiều nhanh chóng. Khối ngoại bắt đầu mua ròng mạnh kể từ tuần thứ 2 của tháng 11/2022 và đây là động lực chính cho diễn biến tích cực của thị trường từ thời điểm đó cho đến nay.

Tuy nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để kết luận rằng, TTCK Việt Nam có thể bứt phá mạnh trở lại trong cả năm nay trước khi suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu tác động đến Việt Nam (và trước khi tất cả các thách thức vĩ mô dịu bớt). Các đợt hồi phục ngắn hạn của thị trường có thể sẽ dựa trên kỳ vọng về khả năng “hạ cánh mềm” của các nền kinh tế trên thế giới, cũng như các rủi ro vĩ mô trong nước hạ nhiệt, trong khi định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn cho tầm nhìn dài hạn.

Trong nửa cuối năm 2023, có rất nhiều câu hỏi đặt ra để quyết định chiều hướng của thị trường: Nếu tiêu dùng yếu đi, thì yếu đến mức nào? Liệu suy thoái toàn cầu có sớm kết thúc? Khi lãi suất giảm thì mức giảm có mạnh không? Nỗ lực phòng chống tham nhũng sẽ có tiến triển như thế nào?

Trong kịch bản tích cực, mặc dù các dữ liệu vĩ mô có vẻ vẫn yếu, nhưng thị trường có thể đã bỏ qua các yếu tố này và hướng đến kỳ vọng cho sự phục hồi vào năm 2024. Tuy nhiên, cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023./.

T.Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư