e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Đổi mới sáng tạo

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội

20:50 | 22/02/2023 Print
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đến nay tuy đã có, nhưng còn rời rạc về tính liên kết, chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết cho phát triển. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo SIB CONNECT - Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 21/2.

Hội thảo tạo diễn đàn trao đổi kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hỗ trợ và các SIB, cũng như chia sẻ các thách thức, cơ hội trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực này trong chiến lược chung hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

SIB còn khó khăn trong hoạt động

Tại Hội thảo, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã trình bày tổng quan về SIB và một số chính sách hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này; đồng thời, đề xuất chính sách thử nghiệm phát triển SIB tại Việt Nam; hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm SIB.

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội
Hội thảo SIB CONNECT - Xây dựng chính sách hỗ trợ SIB

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp SIB là thành phần rất quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm cho các nhóm yếu thế, cũng như cung cấp các sản phẩm cho xã hội.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một thực trạng là các SIB có năng lực quản trị còn hạn chế, khó khăn về tài chính, thu hút nguồn lao động có chất lượng… Họ phải đối mặt với không ít những rủi ro, thách thức trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, trong khi đó đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới các SIB. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ khu vực này đến nay đã có, song nhìn chung vẫn còn mang tính rời rạc, chưa đảm bảo các yếu tố hỗ trợ để thực sự làm nền tảng hỗ trợ phát triển mạnh mẽ cho khu vực doanh nghiệp này.

Thiếu chính sách cho mô hình doanh nghiệp SIB

Chỉ ra thực trạng về chính sách và cơ chế thử nghiệm hiện nay cho mô hình SIB, bà Nguyễn Thị Thanh Uyên, chuyên gia tư vấn cho biết, hiện nay hầu như vẫn thiếu khung pháp lý cho mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo-SIB phát triển toàn diện. Các cơ chế thử nghiệm chính sách chưa áp dụng cho nhiều ngành/lĩnh vực, chưa đảm bảo cho các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ, đặc biệt là với SIB.

Do đó, hiện nay, hoạt động của các SIB vẫn mang tính manh mún tự phát, chưa tạo ra tác động lan tỏa đối với doanh nghiệp và xã hội. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp SIB còn rời rạc về mặt liên kết giá trị và chưa đảm bảo các yếu tố cần thiết cho phát triển của hệ sinh thái. Điều này thể hiện ở các yếu tố như: Văn hóa khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng SIB, khả năng phát triển thị trường yếu do hạn chế thông tin và nguồn lực. Hệ thống hỗ trợ và cố vấn các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo SIB còn mang tính tự phát, chưa đảm bảo nguồn lực, chưa phát huy hoặc vận dụng từ chính sách.

Bên cạnh đó, một thực trạng mà bà Uyên chỉ ra là nhà đầu tư thiên thần mờ nhạt trong hệ sinh thái khởi nghiệp SIB, do thiếu các chính sách khuyến khích tham gia, thúc đẩy từ các bộ ngành và địa phương. Liên kết giữa các cộng đồng doanh nghiệp chưa tốt, do hoạt động đang dựa trên sự hỗ trợ từng nguồn lực còn hạn chế của các địa phương. Điều này dẫn tới các SIB hầu như chỉ hoạt động co cụm trong nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mà chưa thể mở ra các kết nối hiệu quả khác với các tập đoàn/công ty đa quốc gia tại Việt Nam hoặc các viện, trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là do các hoạt động truyền thông thúc đẩy doanh nghiệp theo mô hình truyền thống chuyển sang mô hình khởi nghiệp sáng tạo-SIB chưa đem lại hiệu quả cần thiết để phát triển hệ sinh thái này.

Nhận thức được vai trò của các SIB, cũng như tầm quan trọng của việc sớm xây dựng khung chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghệp sáng tạo SIB, ông Nguyễn Đức Trung cho biết thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tham mưu cơ chế, chính sách để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả SIB. Để tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ SIB, qua đó hỗ trợ các nhóm yếu thế (phụ nữ, người khuyết tật…) nhằm đảm bảo sinh kế cho các nhóm yếu thế phát triển bền vững, Hội thảo tập trung tham vấn chính sách và kết nối với đối tác mở rộng thị trường hỗ trợ SIB.

Sớm có khung chính sách thử nghiệm phát triển hệ sinh thái SIB

Nhằm tạo thuận lợi cho các SIB có cơ hội phát triển cũng như thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo SIB, bà Nguyễn Thị Thanh Uyên đã đề xuất một số giải pháp, chính sách, cơ chế, đặc biệt là chính sách, cơ chế thử nghiệm cho cộng đồng này phát triển. Theo đó, khuyến nghị ban hành Nghị định hướng dẫn cơ chế thử nghiệm chính sách và quy định mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo-SIB; xây dựng bộ khung tiêu chuẩn quy định đối tượng tham gia; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá quá trình và kết quả tham gia của các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo-SIB, bao gồm bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án thành công.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo-SIB tại các địa phương theo nhóm vùng kinh tế xã hội. Hình thành các Trung tâm đổi mới sáng tạo-SIB theo vùng kinh tế trọng điểm. Phát triển mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo-SIB, từ đó lan tỏa mô hình này thông qua cải thiện hoạt động truyền thông. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động cố vấn cho mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo SIB, tạo nguồn quỹ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia phát triển các nhóm tài năng của nhóm yếu thế và phụ nữ.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ và kết nối hỗ trợ chuyển đổi số cho các SIB với sự tham gia chia sẻ, hỗ trợ của đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu thế giới./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư