Chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa hỗ trợ startup Việt Nam mở rộng quy mô

21:10 | 01/03/2023 Print
Chương trình Thử thách Tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á vừa kết thúc sau 5 tháng làm việc, nhằm hỗ trợ thúc đẩy quy mô các giải pháp tái chế rác thải nhựa tại các quốc gia trong khu vực.

72.000 USD đã được trao cho các nhà đổi mới

Hoạt động Thử thách Tái chế rác thải nhựa do Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp (The Incubation Network) tổ chức, kết hợp cùng Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về nhựa (Global Plastic Action Partnership), nền tảng đổi mới UpLink của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên minh Xử lý Chất thải nhựa mang đến chương trình hỗ trợ chuyên biệt cho Bank Sampah Bersinar (Indonesia), Envirotech (Philippines), Kibumi (Indonesia), Plastic People (Việt Nam), và TerraCycle Foundation (Thái Lan).

Khoản hỗ trợ với tổng trị giá 72.000 USD đã được trao cho các nhà đổi mới nhằm giúp họ tăng cường năng lực vận hành và điều kiện làm việc, cho phép họ quản lý, xử lý và tái chế khối lượng rác thải lớn hơn. PlasticPeople là đại diện Việt Nam duy nhất lọt Top 5 nhà đổi mới xuất sắc nhất của chương trình.

“Với khoản hỗ trợ này, chúng tôi có thể thuê một chuyên gia phân tích và đánh giá những quyết định mang tính chiến lược, tìm ra những phương pháp để cải thiện quy trình của doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng khoản tài trợ để bảo trì máy móc, mua sắm thiết bị mới để giải quyết các khó khăn trong hoạt động và tuyển dụng thêm nhân sự để chuẩn bị cho nhóm dự án mở rộng quy mô”, ông Nano Morante, nhà sáng lập PlasticPeople cho biết.

Chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa hỗ trợ startup Việt Nam mở rộng quy mô

PlasticPeople là đại diện Việt Nam duy nhất lọt Top 5 nhà đổi mới của thử thách

Chương trình hỗ trợ mở rộng quy mô doanh nghiệp chuyên biệt

Các nhà đổi mới của Thử thách được tiếp cận nhiều nguồn lực và hỗ trợ trong thời gian diễn ra chương trình, bao gồm được tham gia các hội thảo, nhận được sự cố vấn phù hợp và các hội kết nối. Để chuẩn bị cho việc mở rộng doanh nghiệp, các nhà đổi mới được tham gia những hội thảo tập trung vào quản lý rác thải, tái chế, marketing và nhiều chủ đề khác. Những kiến thức và khuyến nghị từ những hội thảo này sẽ giúp các nhà đổi mới điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp với khách hàng và thấu hiểu sự đa dạng của các thị trường khác nhau.

Chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa hỗ trợ startup Việt Nam mở rộng quy mô
Hội thảo trực tuyến đào tạo kỹ năng marketing và truyền thông cho các nhà đổi mới

Một nhóm 9 chuyên gia bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, chuyên gia marketing và quan hệ công chúng, chuyên gia đầu tư đóng vai trò là cố vấn cho các nhà đổi mới, đưa ra những chia sẻ và định hướng cụ thể, giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu tăng trưởng. Bà Fei Bebri, Giám đốc điều hành của Bank Sampah Bersinar, đơn vị cung cấp các giải pháp quản lý chất thải cộng đồng tại Indonesia chia sẻ: “Với khoản hỗ trợ của chương trình, chúng tôi sẽ đầu tư một chiếc xe thu gom rác mới để thu gom được nhiều rác thải hơn.”

Tại hội thảo trực tuyến tổng kết Chương trình đã có sự tham dự của UpLink, Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về nhựa (Global Plastic Action Partnership) và Liên minh Xử lý Chất thải nhựa (Alliance to End Plastic Waste), nơi các nhà đổi mới chứng minh sự tăng trưởng và phát triển của mình. Buổi hội thảo giúp tăng cường kết nối và thúc đẩy những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng.

Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết, ông Simon Baldwin, Giám đốc Toàn cầu Mảng giải pháp tuần hoàn của SecondMuse cho biết “Bên cạnh việc hỗ trợ các nhà đổi mới của Thử thách Tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á, chúng tôi cũng mở rộng hỗ trợ tới 358 startup khác trong vòng 3 năm qua, với kết quả là gần 148.000 tấn rác thải nhựa đã được tái chế. SecondMuse sẽ tiếp tục giữ vững cam kết nâng cao chuỗi giá trị chất thải nhựa và thúc đẩy các giải pháp tái chế tối ưu trong những năm tới, với trọng tâm là đẩy nhanh quá trình và đổi mới trong lĩnh vực trọng yếu này”.

Chương trình Thử thách tái chế rác thải nhựa hỗ trợ startup Việt Nam mở rộng quy mô
Ông Nano Morante, Nhà sáng lập của PlasticPeople phát biểu ý kiến tại hội thảo

"Các giải pháp sáng tạo là rất quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Những đơn vị tiên phong có tác động cao đã truyền cảm hứng và mang đến tia hy vọng về cách đối phó với cuộc khủng hoảng nhựa thông qua đổi mới sáng tạo. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ các nhà đổi mới hàng đầu mở rộng quy mô tác động thông qua việc nâng cao nhận diện, kiến thức chuyên môn và cơ hội học tập cùng những kết nối phù hợp dựa trên nền tảng của UpLink”, bà Poonam Watine, Chuyên gia tác động, UpLink cho biết.

Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp là một sáng kiến dựa trên tác động nhằm tạo nguồn, hỗ trợ và mở rộng quy mô các giải pháp đổi mới toàn diện, nhằm chống lại ô nhiễm rác thải nhựa và cải thiện sinh kế của các nhóm dễ bị tổn thương trong các hệ thống quản lý và tái chế chất thải.

Là một phần của cộng đồng hợp tác chặt chẽ bao gồm các công ty khởi nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, đối tác và các chương trình, Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp phối hợp cùng các đơn vị trong ngành để loại bỏ các rào cản chính nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm tìm nguồn cung ứng và hỗ trợ, để mở rộng các giải pháp giai đoạn đầu hoặc trước khi đầu tư và kết nối các bên tham gia hệ sinh thái tương thích để củng cố chuỗi giá trị trong quản lý và tái chế chất thải.

Được thành lập vào năm 2019, Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp là sự hợp tác giữa tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Kinh tế tuần hoàn và công ty đổi mới tác động SecondMuse. Mạng lưới Vườn ươm doanh nghiệp là tổ chức mở, dành cho các cộng tác viên, tập đoàn và cố vấn có quan tâm, tìm cách giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn ở Nam và Đông Nam Á.

Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy các tác động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), Chương trình Hợp tác Hành động toàn cầu về Nhựa (GPAP) đã được khởi động vào tháng 9/2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Phát triển Bền vững. GPAP hợp tác với các quốc gia và các đối tác toàn cầu để thúc đẩy sự thay đổi hướng tới một nền kinh tế nhựa mới bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm rác thải nhựa, từ sản xuất đến tiêu thụ và tái sử dụng, cũng như bằng cách cải thiện các nỗ lực quản lý chất thải ở hạ nguồn. GPAP tập hợp các chính phủ, các tổ chức quốc tế và địa phương, các doanh nghiệp, cũng như các nhà đổi mới... trên một nền tảng hợp tác công bằng với mục đích tạo ra các cộng đồng tận tâm và thúc đẩy thay đổi tích cực./.

Hiếu Phương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư