e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Kinh tế - Xã hội

Đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng

17:47 | 03/03/2023 Print
Sáng ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng
Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP còn rất chậm

Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất còn rất chậm

Cụ thể, trong số 81,1 nghìn tỷ đồng được giải ngân, thì nguồn vốn cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.056 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.185 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí là 52.623 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thông báo toàn bộ số vốn 176.000 tỷ đồng, trong đó đã giao kế hoạch 147.138 tỷ đồng, tương đương 83,6%; đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phân bổ số vốn 14.710 tỷ đồng. Còn 14.152 tỷ đồng của 50 dự án đang hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/3/2023 (chi tiết các bộ, địa phương có dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư tại báo cáo đầy đủ).

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công. Cụ thể, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP còn rất chậm, hết năm 2022 đạt 134 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 giải ngân thêm được 2.345 tỷ đồng, còn khoảng 37.521 tỷ đồng dự kiến không giải ngân hết.

Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư 2.856 tỷ đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý.

Bộ trưởng lưu ý, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với số vốn 14.152 tỷ đồng nêu trên, tránh trường hợp không được phân bổ tiếp.

Vẫn còn 104.856,665 tỷ đồng vốn kế hoạch chưa được phân bổ

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng; trong đó, số vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng. Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.

Đến ngày 01/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 602.187,532 tỷ đồng, đạt 85,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: vốn ngân sách trung ương là 307.739,372 tỷ đồng, đạt 84,6%, vốn ngân sách địa phương là 294.448,160 tỷ đồng, đạt 85,8%.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 104.856,665 tỷ đồng (14,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 56.023,783 tỷ đồng (31/51 bộ, cơ quan trung ương và 53/63 địa phương), vốn cân đối ngân sách địa phương là 48.832,882 tỷ đồng (18/63 địa phương).

"Nguyên nhân chủ yếu là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ", Bộ trưởng nêu rõ.

2 tháng đầu năm, giải ngân cao hơn cùng kỳ khoảng 10%

Bộ trưởng cho biết, ước thanh toán đến 28/02/2023 là 49.247,90 tỷ đồng, đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); về số tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 10%).

Có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (22,57%), Lâm Đồng (20,97%); 51/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước, trong đó có 43 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân vốn.

Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…, qua đó chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch năm 2023, phấn đấu cả năm giải ngân tối thiểu đạt 95% kế hoạch được giao.

Xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công

Về phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ trưởng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, dự án, tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023. Phấn đấu cả năm giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

"Tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, trong đó tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng đề xuất./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư