Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

21:27 | 14/03/2023 Print
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo, theo chinhphu.vn.

Các Phó Trưởng Ban gồm: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (Phó Trưởng Ban thường trực); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Các thành viên là lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021–2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg và các vấn đề vượt thẩm quyền của các bộ, ngành.

Thủ tướng làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (ảnh: VGP)

Cùng với giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề trong phạm vi Quyết định số 689/QĐ-TTg thuộc chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương, Ban chỉ đạo còn giúp Thủ tướng điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả tham gia, phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg.

Ban chỉ đạo còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Việc đích thân Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Ban chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Để thực hiện Nghị quyết này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 5962/NHNN-TTGSNH yêu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14…

Trong khi đó, tại Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Đề án đã chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan…/.

T.Văn

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư