e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện

Chính phủ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tương tác hai chiều hiệu quả

15:52 | 19/03/2023 Print
"Việt Nam không muốn nhà đầu tư đến đây lại kinh doanh bị lỗ bởi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Phát biểu ý kiến tại VBF 2023 diễn ra hôm nay (ngày 19/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tăng trưởng xanh là xu thế trên thế giới. Đây là chủ đề rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Diễn đàn và cộng đồng doanh nghiệp, vì những đóng góp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với kinh tế khu vực và toàn cầu.

"Qua đây cũng cho thấy chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau làm tốt hơn trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tương tác hai chiều hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn tin tưởng Việt Nam, khi vốn đầu tư đạt 24 tỷ USD, khẳng định sự đồng hành của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được khẳng định; Chính phủ, các bộ, ngành và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tăng trưởng xanh là xu thế trên thế giới. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 trụ cột: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường pháp lý an toàn, bình đẳng, lâu dài; thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông.

Điều này góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo cơ hội đầu tư; đẩy mạnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng; xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; nâng cao quản trị doanh nghiệp; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa vào sức mình là chính, kết hợp hài hoà, hợp lý nguồn lực bên trong và bên ngoài, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.

Quá trình này có những thuận lợi đan xen khó khăn, có lúc kinh doanh thuận lợi, có lúc gặp khó khăn, thua lỗ; quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có được lợi nhuận cao, bảo toàn vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

"Đây là điều mà các nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ rất chia sẻ các khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải, nhất là vướng mắc về pháp lý. Hằng tháng, Chính phủ đều rà soát các vướng mắc pháp lý, rất cầu thị, lắng nghe xuất phát từ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nói.

Về thủ tục hành chính, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; hạn chế nhũng nhiễu, tham nhũng. Về chính sách thuế, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam, không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Về vấn đề visa, Việt Nam đang tích cực giải quyết theo hướng thuận lợi hơn. Về giấy phép lao động, Chính phủ tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi nhất cho người lao động nhất, không vì một vài trường hợp vi phạm mà xây dựng chính sách không cởi mở.

Liên quan đến đất đai, Việt Nam đang tập trung nghiên cứu sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

"Việt Nam đang tích cực xây dựng Luật Khám chữa bệnh, sửa đổi Luật Dược. Việt Nam đang tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tuỵ, nhiệt tình với các nhà đầu tư", người đứng đầu Chính phủ nói thêm.

Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã nêu ý kiến thẳng thắn. Chính phủ Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành để vượt qua khó khăn. Đây là sự hợp tác bền chặt, có tính chất lâu dài. Đây cũng là mô hình ít thấy trên thế giới mà đang có hiệu quả. Sự hợp tác này phải bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu không thì sẽ không bền vững, không lâu dài.

Về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, do đó chúng ta phải đoàn kết, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả.

"Tăng trưởng xanh dựa trên 3 trụ cột, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng đơn thuần; lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải mang lại sức khoẻ cho họ", Thủ tướng khẳng định.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển; thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững. Phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh. Nâng cao năng lực thể chế, quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh. Sớm nghiên cứu các tiêu chuẩn về công trình, dự án xanh của thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau".

Việt Nam nêu cao trách nhiệm thực hiện cam kết về giảm phát thải; đồng thời đề nghị các đối tác phát triển đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh phù hợp với từng vùng miền, địa phương và mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

Thủ tướng cũng nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, có lợi cho việc phục hồi kinh tế và hợp tác quốc tế; hợp tác, thúc đẩy xây dựng các điều ước quốc tế, quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tăng trưởng xanh.

"Việt Nam không muốn nhà đầu tư đến đây kinh doanh bị lỗ, bởi thành công của các bạn chính là thành công của Việt Nam", Thủ tướng kêu gọi công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam. Theo đó, thời hạn các khoản vay cần kéo dài hơn và lãi suất giảm đi. Mong các nhà đầu tư chia sẻ với Việt Nam về vấn đề này.

Thủ tướng tin tưởng, với quá trình 25 năm hợp tác thì không khó khăn nào có thể ngăn được hai bên; quá trình hợp tác tới đây, nếu có khó khăn, chúng ta quyết tâm điều chỉnh, tìm giải pháp để hài hoà, tiếp tục “hai bên cùng thắng”.

Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư.

Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, chính sách đất đai, thuế; phát triển đồng bộ các thị trường, như: chứng khoán, trái phiếu, thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động…; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp.

"Tại Diễn đàn này, chúng ta chia sẻ, đồng cảm và hiểu nhau hơn, quyết tâm củng cố quan hệ tin cậy, chân thành...", Thủ tướng nói và giao các bộ, ngành khẩn trương có các phản hồi tích cực đối với doanh nghiệp; tăng cường đối thoại chính sách, truyền thông chính sách; bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thủ tướng khẳng định, với phương châm của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương - Bản lĩnh linh hoạt - Đổi mới sáng tạo - Kịp thời hiệu quả", Chính phủ Việt Nam nỗ lực đạt mục tiêu đề ra, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng làm ăn, kinh doanh, bảo đảm lợi ích đôi bên, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phát triển văn hóa Việt Nam ngang tầm kinh tế - xã hội, mà văn hóa ở đây là chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu.

Thủ tướng mong rằng, sau Diễn đàn này, VBF tiếp tục là kênh đối thoại thiết thực, hiệu quả giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư