e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Sự kiện/Đầu tư

Làm thế nào để khai thác động lực đầu tư công hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023?

11:02 | 30/03/2023 Print
Để phấn đấu thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt cao nhất, tạo động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng đề xuất 8 giải pháp.

Tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý I/2023 diễn ra ngày 29/3, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định, đầu tư công chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I đạt 3,32%.

Làm thế nào để khai thác động lực đầu tư công hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023?
Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định, đầu tư công chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I đạt 3,32%.

Kinh tế quý I/2023 tăng trưởng 3,32% (thấp hơn nhiều kịch bản quý I/2023 tăng 5,6% đưa ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023) trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đã phản ánh rõ tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do chịu tác động tiêu cực của các yếu tố lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ của các quốc gia, thị trường xuất khẩu suy giảm, lãi xuất cho vay trong nước tăng cao... ảnh hưởng đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, giảm động lực đầu tư.

"Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm. Đây chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I/2023 đạt 3,32%", bà Nga chỉ rõ.

Vốn từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý I/2023 ước đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 77,5 nghìn tỷ đồng, bằng 12,9% kế hoạch năm, tăng 12,3%).

Theo bà Nga, khối lượng thực hiện đầu tư công quý I/2023 đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng là rất lớn, thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương trong đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án/công trình ngay từ các tháng đầu năm nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I và các quý tiếp theo trong năm 2023.

Để phấn đấu thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đạt cao nhất, tạo động lực đóng góp tăng trưởng kinh tế, đại diện Tổng cục Thống kê, bà Nga đưa ra 8 giải pháp.

Thứ nhất, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng... "Vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng", bà Nga nói.

Thứ hai, các bộ, ngành và Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.

Thứ năm, các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư tập trung triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2023.

Thứ sáu, thực hiện điều hoà vốn giữa Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đảm bảo thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ.

Thứ bảy, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng, đảm bảo đúng quy định của Luật Xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công./.

An Nhi

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư