e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tài chính - Ngân hàng/Ngân hàng

Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng

12:07 | 26/04/2023 Print
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng.


Liên quan đến tác động của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng, được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 23/4/2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ.

"Đây là một chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ…", ông Tú nhìn nhận.

Quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú lưu ý, việc thực thi chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi, lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu (nguồn: sbv)

Cũng theo Phó Thống đốc, với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (ngày 25/4), NHNN đã chỉ đạo một diện tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung coi đây là một chính sách quan trọng. NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có các hướng dẫn nội bộ, quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu lúc này. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng cần phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh trục lợi, lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu.

Cũng theo ông Tú, từ đánh giá thực tế nền kinh tế cũng như lắng nghe các nhà quản lý, lãnh đạo, NHNN thấy rằng không chỉ riêng sản xuất kinh doanh, vấn đề tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân cũng đang gặp khó khăn, nguồn thu nhập của họ bị sụt giảm, chưa có điều kiện để trả nợ lúc này. Chính vì thế, NHNN bổ sung khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân vào đối tượng được hoãn giãn nợ lên đến 1 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi trực tiếp cho người dân có khoản nợ chưa trả được.

"Có thể nói, đối tượng điều chỉnh tại chính sách này rộng khắp mọi lĩnh vực, cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống…", ông Tú cho hay.

Cùng với Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, một chính sách quan trọng nữa cũng vừa được NHNN ký ban hành đó là Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, ngày 10/11/2021 của NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

"Với quy định cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu trước đây đã bán, trái phiếu chưa lên sàn… sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có cơ hội để các ngân hàng thương mại mua lại, giảm bớt áp lực dòng tiền hiện nay. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh còn đang gặp nhiều khó khăn…", ông Tú nói.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 25/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 5 ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp giảm lãi suất cho vay, tình hình hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng cho rằng, các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm tỉ lệ lớn trong tổng lượng tín dụng của nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng này cần tham gia dẫn dắt, điều tiết thị trường; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số…; giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay; có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết./.

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư