Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Thông tin khoa học
Nguyễn Phương Tri
Chi nhánh Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đào tạo chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh
Nguyễn Minh Hoàng
Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Trường Đại học Phenikaa
“Hết ngày, ngài hết sức tâm đắc với kế hoạch kiếm ăn hoàn hảo được soạn ra. Chỉ có điều, đêm đến rất khó ngủ vì đói”
Trích “Kế hoạch hoàn hảo”, Hoang dã, Khôn ngoan, Kỳ lạ (2024)
(Bài viết nằm trong chuỗi bài tìm hiểu và lý giải các hiện tượng tâm lý hành vi đầu tư tài chính thông qua lăng kính lý thuyết mindsponge).
Hiệu ứng Thiên lệch xác nhận (Confirmation Bias) là khuynh hướng tìm kiếm, diễn giải, và ghi nhớ thông tin theo cách ủng hộ niềm tin, giả định hoặc định kiến có sẵn của cá nhân. Điều này có thể làm giảm khả năng tiếp nhận hoặc xử lý thông tin mới một cách khách quan. Khi một người có thiên lệch xác nhận, họ có xu hướng tìm kiếm và ưu tiên những thông tin phù hợp với niềm tin của mình, đồng thời bỏ qua hoặc đánh giá thấp những thông tin mâu thuẫn với quan điểm của họ [1].
![]() |
Nghiên cứu cho thấy, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm thông tin ủng hộ quyết định đầu tư trước đó của mình. Ví dụ, khi nhà đầu tư đã quyết định mua một cổ phiếu, họ có xu hướng tìm kiếm những tin tức tích cực về công ty đó, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo hoặc phân tích tiêu cực. Điều này làm cho nhà đầu tư dễ mắc phải lỗi đánh giá và ra quyết định không chính xác [2].
Sự thiên lệch xác nhận cũng được thể hiện khi các nhà đầu tư giữ lại những khoản đầu tư thua lỗ quá lâu do họ tin rằng, những thông tin tích cực sẽ xuất hiện và giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại. Con người có xu hướng bám chặt vào luận điểm đầu tư của mình và không sẵn lòng xem xét hay chấp nhận bằng chứng rằng họ đang sai. Vì thế, họ thực hiện các vụ đầu cơ và giữ chúng ngay cả khi giá trị đầu tư đang có xu hướng giảm. Thiên lệch xác nhận có thể xuất phát từ việc con người thu thập thông tin có chọn lọc, chỉ lấy những thông tin cho phép họ tiếp tục tin vào những gì mình đã tin ban đầu [3].
Một số hệ quả không tốt của sự thiên lệch xác nhận trong đầu tư tài chính thường thấy là:
Lý thuyết mindsponge, được phát triển bởi GS. Vương Quân Hoàng [4], cung cấp một khung lý thuyết để giải thích cách con người tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý xã hội. Lý thuyết này được xây dựng dựa trên nguyên tắc lọc và chọn lọc thông tin vào tâm trí cá nhân, tương tự như cách bọt biển hấp thụ nước, giúp giải thích nhiều hiện tượng tâm lý, bao gồm cả hiện tượng thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán.
Theo lý thuyết mindsponge, tâm trí con người có một hệ thống giá trị lõi (mindset), đóng vai trò là tiêu chuẩn cho các tâm lý hành vi, cũng như bộ lọc để đánh giá sự tương thích và giá trị của các thông tin mới. Khi nhà đầu tư tiếp nhận thông tin, họ có xu hướng đánh giá và chọn những thông tin phù hợp với các niềm tin và giá trị hiện có trong hệ thống giá trị lõi. Sự thiên lệch trong suy nghĩ này có lý do sinh học. Việc đánh giá, so sánh và cho các thông tin mới tương tác với các thông có sẵn trong tâm trí gây tốn năng lượng [4,5]. Vì thế, xu hướng bảo toàn lối nghĩ cũ dễ xảy ra vì nguyên nhân này.
Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư bỏ qua hoặc đánh giá thấp những thông tin mâu thuẫn với các niềm tin và giá trị lõi, làm tăng khả năng thiên lệch xác nhận. Cụ thể:
Để giảm thiểu thiên lệch xác nhận, nhà đầu tư cần học cách mở rộng hệ thống giá trị và đón nhận các quan điểm mới. Điều này có thể thực hiện bằng cách:
Ngoài ra, lý thuyết mindsponge gợi ý rằng, nhà đầu tư thường tìm kiếm các nguồn thông tin tương đồng với hệ thống giá trị của cá nhân. Do đó, để giảm thiểu thiên kiến xác nhận, nhà đầu tư có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc cộng sự có tư duy và phong cách đầu tư khác biệt, cũng như đa dạng hóa các cổ phiếu đầu tư.
Áp dụng các phương pháp kiểm tra thông tin một cách khách quan sẽ giúp nhà đầu tư tránh việc bỏ qua các thông tin trái ngược với niềm tin cốt lõi:
Theo lý thuyết mindsponge, việc đánh giá thông tin là một quá trình động và giá trị của cổ phiếu có thể thay đổi theo thời gian do sự tương tác của nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng quan sát và đánh giá của nhà đầu tư [5]. Nhà đầu tư có thể thiết lập các cột mốc kiểm tra lại quyết định của mình dựa trên dữ liệu thực tế:
Cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình đánh giá và lọc thông tin. Do đó, nhà đầu tư cần học cách kiểm soát cảm xúc và nâng cao khả năng tư duy phản biện.
Tóm lại, thông quan góc nhìn xử lý thông tin ta có thể thấy được việc giảm thiểu sự thiên lệch xác nhận trong đầu tư chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư phải có tư duy mở, tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và sử dụng các công cụ khách quan để đánh giá các quyết định đầu tư của mình. Điều này không chỉ giúp cải thiện khả năng ra quyết định, mà còn tăng cơ hội thành công trong đầu tư.
Tài liệu tham khảo
[1] Shunmugasundaram V, Sinha A. (2024). The impact of behavioral biases on investment decisions: a serial mediation analysis. Journal of Economics, Finance and Administrative. https://doi.org/10.1108/JEFAS-08-2023-0243
[2] Vuong DHQ, Phuc DQ. (2012). An empirical study of individual investors’ behavioral biases in the Vietnamese stock market. Science and Technology Development Journal, 15, 5-13. https://vjol.info.vn/index.php/JSTD/article/view/8675
[3] Cheng CX. (2019). Confirmation bias in investments. International Journal of Economics and Finance, 11(2), 50-55. https://doi.org/10.5539/ijef.v11n2p50
[4] Vuong QH. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3
[5] Vuong QH, Nguyen MH. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://dx.doi.org/10.2139/ssrn.4922461
[6] Vuong QH. (2024). Wild Wise Weird. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6
URL: https://kinhtevadubao.vn/hieu-ung-thien-lech-xac-nhan-trong-dau-tu-chung-khoan-qua-goc-nhin-xu-ly-thong-tin-30065.html
Print© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư