Giải quyết việc làm cho lao động xuất khẩu về nước: Không dễ!

10:32 | 09/11/2017 Print
- Sau khi hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, trở về nước, hàng nghìn lao động xuất khẩu lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Kỹ năng khập khiễng với thị trường

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện Việt Nam có trên 500.000 người đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Hàng năm hơn nửa triệu người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng trên dưới 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra là nhiều lao động sau khi hết hợp đồng làm việc tại nước ngoài trở về nước không tìm được việc làm phù hợp, dù được đào tạo và có kỹ năng nghề cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu hụt lao động có tay nghề, trình độ cao. Nhiều lao động khi trở về nước cho biết, họ có rất ít thông tin về nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để kiếm sống, họ thường kinh doanh nhỏ lẻ hoặc làm tạm thời tại một doanh nghiệp trong nước với mức lương không tương xứng với trình độ.

Người lao động khó có được việc làm phù hợp sau khi về nước

Tại Hội thảo "Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng" do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 26/05/2017, ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản.

Theo tính toán của VEPR khi nghiên cứu về Chương trình thực tập sinh kỹ năng Việt Nam, làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được đào tạo nhiều kỹ năng lao động chất lượng cao, có thể kiếm được 44.500 USD. Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, thực tập sinh Việt Nam sẽ tiết kiệm được 23.000 USD sau 3 năm lao động tại Nhật Bản.

Nhưng sau khi về nước, trình độ và nguyện vọng của họ không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới. Cũng thống kê từ nghiên cứu của VEPR chỉ ra, công việc tại Nhật Bản của 49% thực tập sinh không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những "kỹ năng quốc gia của Nhật".

Có tận 61% thực tập sinh sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Khảo sát thực tập sinh theo loại hình nghề nghiệp thì trước khi đi Nhật, 5,26% thực tập sinh thất nghiệp nhưng sau khi về thì số lượng thất nghiệp lại tăng lên đến 11,4%. Khảo sát tại Hà Nam cho thấy, lao động tại các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu là công nhân, thực tập sinh chỉ chiếm 1% và thường làm các vị trí quản lý nhóm, dây chuyền, nhân viên có trình độ.

Ngoài ra, theo Phòng Nhật Bản – châu Âu – Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), do được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước không tìm được việc làm phù hợp với kỹ năng và mức lương tương xứng nên nhiều lao động "nản", chấp nhận… thất nghiệp hoặc làm việc khác chờ cơ hội có việc làm thu nhập cao như khi làm việc ở nước tiếp nhận lao động xuất khẩu.

Thực trạng trên cho thấy, các kênh kết nối cung - cầu trong nước vẫn chưa thành hệ thống, hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có chính sách cụ thể cho lao động xuất khẩu khi trở về quê hương để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm đã được đào tạo tại nước ngoài.

Hiện trong Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ quy định chung trong Điều 59 và 60 là khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận tuyển dụng lao động về nước vào làm việc và khuyến khích tạo việc làm. Nhiều tỉnh, thành phố chưa có thống kê chính thức lao động đã trở về nước là bao nhiêu, cũng chưa có văn bản hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ với nhóm lao động này. Phần lớn người lao động tự mày mò tìm việc. Rõ ràng đây là sự lãng phí rất lớn về nhân lực chất lượng cao.

Bà Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, đây là một thực tế cần được tính toán đến khi mà các chính sách hỗ trợ lao động trở về còn thiếu cụ thể. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đối tác xã hội trong việc hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng và thị trường lao động còn thiếu và yếu.

Là người có thâm niên gắn bó với hoạt động của ngành xuất khẩu lao động, ông Đào Công Hải, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận xét, hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đưa người đi xuất khẩu lao động chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng…Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và hệ thống hỗ trợ việc làm.

Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước

Vì vậy giải quyết việc làm sau hồi hương cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động là vấn đề rất cần quan tâm để giảm thiếu số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cũng như khai thác nguồn lao động có kỹ năng này.

Muốn vậy, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế chính sách hỗ trợ lao động di cư thì, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về người xuất khẩu lao động khi trở về, cập nhật thường xuyên để các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu lao động, trung tâm dịch vụ việc làm có thể khai thác để kết nối thị trường lao động, giúp người xuất khâu lao động có được việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, để giải quyết mối lo "thất nghiệp khi hồi hương", các chuyên gia lao động kiến nghị các cơ quan chức năng cần chú trọng đến chính sách "hậu" xuất khẩu lao động để người lao động yên tâm về nước sau khi hết hợp đồng. Ví dụ như: có chính sách hỗ trợ và khuyến khích để người lao động hết hạn hợp đồng lao động có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia các chương trình xuất khẩu lao động… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động, Thương binh và Xã hội với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc phân bổ vốn, đối tượng cho vay… đối với những người đi xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần tích cực kết hợp hơn nữa với các trung tâm dịch vụ việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... để tổ chức các phiên tuyển dụng chuyên đề cho người lao động đã từng làm việc tại nước ngoài nhằm giúp người lao động tìm đúng việc doanh nghiệp cần.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, "doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần có nhiều hoạt động hỗ trợ, thậm chí nếu tìm được việc làm cho người lao động thì càng tốt. Đó cũng là "điểm cộng" cho doanh nghiệp khi đánh giá, xếp hạng, góp phần làm tăng uy tín của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu lao động”.

Đặc biệt, bản thân người lao động phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nghĩa là trong thời gian đi xuất khẩu lao động, người lao động cần tích lũy kỹ năng, tri thức, ngoại ngữ... để tìm việc sau khi hết hợp đồng lao động. Hơn nữa, người lao động về nước có nhiều hoàn cảnh khác nhau nên không phải người lao động nào cũng dễ dàng tìm được công việc có thu nhập cao nên phải vượt qua, không nên thụ động chờ việc "tìm đến mình"./.

Lê Vân

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư