e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Lao động - Việc làm

Hàn Quốc sẽ “cấm cửa” lao động xuất khẩu từ Việt Nam?

10:56 | 14/11/2017 Print
- Hiện tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc đã tăng đến con số báo động, điều này đang trở thành rào cản đáng kể cho việc gia hạn tiếp nhận lao động Việt xuất khẩu sang xứ sở kim chi.

Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn lên đến 15.000 người

Năm 2018 sẽ đến hạn xem xét việc tiếp nhận lao động giữa Chính phủ hai nước Hàn Quốc và Việt Nam. Trước đó, tháng 5/2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc “quay lại” ký bản ghi nhớ bình thường hóa việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong 2 năm, đến tháng 5/2018. Trong đó, phía Hàn Quốc đưa ra nguyên tắc là có thể sẽ không ký tiếp khi tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết. Sau hàng loạt những nỗ lực để ký lại, nay thỏa thuận có giá trị hai năm lại đứng trước nguy cơ “đóng cửa”.

Hàn Quốc có 16 nước phái cử lao động tới làm việc, tỷ lệ bỏ trốn trung bình là 8-9%, nhiều nhất là 15-16%. Đáng buồn là, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đứng đầu danh sách và chiếm 32% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tương đương khoảng 15.000 người. 15 địa phương có số lao động bỏ trốn chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc gồm Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng...

Nguy cơ phía Hàn Quốc lại dừng hoặc dừng hẳn tiếp nhận lao động Việt Nam là có thực và ngày càng hiện hữu, bởi phía Hàn Quốc đang đề nghị tỷ lệ dưới 30% và tiến tới bằng các nước khác. Chừng 50.000 lao động trong nước đang “xếp hàng” để chờ sang Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguy cơ này.

Trong bối cảnh đó, tháng 03/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chính thức công bố công văn gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2017 của 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố.

Trong đó, có 109 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017. Tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 109 quận/huyện nêu trên.

Đồng thời, không áp dụng việc tạm dừng tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016, trong đó tỉnh Hà Tĩnh: huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và huyện Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình: huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.

Căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2017, sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018 tại các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, đồng thời dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cư trú bất hợp pháp người lao động có thể bị truy quét, bị bắt và trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Ngoài ra, người cố tình cư trú bất hợp pháp còn tự tước đi cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc một cách hợp pháp và còn bị phạt 100 triệu đồng, không được nhận khoản tiền trợ cấp thôi việc do phía Hàn Quốc chi trả.

Không chỉ có vậy, ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: "Việc bỏ trốn hay cư trú bất hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào đều ẩn chứa những rủi ro khôn lường. Và thường thì cuộc sống ngầm hay thị trường ngầm đều có những quy luật nghiệt ngã mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Giữ uy tín của cá nhân khi cam kết một hợp đồng cũng là cách các bạn giữ uy tín cho quốc gia, đặc biệt trong câu chuyện xuất khẩu lao động thì còn là giữ đất làm ăn cho đồng hương ở chuyến tiếp theo"./.

Danh sách 12 tỉnh, thành bị cấm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong năm 2017 như sau: Nghệ An (TP. Vinh, huyện Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ), Thanh Hóa (huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn), Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc), Hà Nội (Thường Tín, Đông Anh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, TX. Chí Linh, TP. Hải Dương, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ), Thái Bình (huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy), Nam Định (Xuân Trường, TP.Nam Định, Nam Trực, Giao Thủy, Hải Hậu), Bắc Ninh (huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, TP. Bắc Ninh), Quảng Bình (huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn, TP. Đồng Hới), Hưng Yên (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động), Bắc Giang (Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang), Phú Thọ (TP. Việt Trì, Lâm Thao).

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư