e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Khu công nghiệp - Khu kinh tế

Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc: Hành trình 20 năm phát triển các KCN

08:31 | 19/10/2018 Print
- Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch 18 KCN với quy mô 5.228ha, trong đó đã có 11 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.323,94ha. Lũy kế đến hết tháng 9/2018, đã có 154 lượt dự án FDI đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng 966 triệu USD, bằng 47% số vốn đầu tư đăng ký cấp mới.

Xây dựng Ban Quản lý các KCN vững mạnh, hệ thống các KCN đồng bộ và hiện đại

Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc (gọi tắt là Ban) thành lập ngày ngày 29/9/1998, sau 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần phấn đấu nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, tập thể CBCC-VC Ban quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN trên địa bàn. Kết quả, đã góp phần căn bản làm thay đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho NLĐ, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội mạnh mẽ trên địa bàn Tinh.

Ông Bùi Minh Hồng- Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 20 thành lập BQL các KCN Vĩnh Phúc

Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Ban đã thực hiện tốt vai trò tham mưu quy hoạch, xây dựng, phát triển các KCN, từ đó góp phần quan trọng hình thành hệ thống các KCN đồng bộ và hiện đại, không chỉ đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn đáp ứng tốt nhu cầu thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Hiện nay Ban đã tham mưu với UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2035.

Khi mới thành lập Vĩnh Phúc chỉ có 01 KCN (KCN Kim Hoa với diện tích giai đoạn 1 - 50 ha), sau 20 năm, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 18 KCN với quy mô 5.228 ha, trong đó đã có 11 KCN được thành lập với tổng diện tích quy hoạch đạt 2.323,94 ha. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã GPMB đạt 72,09%. Điển hình các KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như: KCN Bá Thiện đã lấp đầy 100% diện tích, 54 ha giao cho Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư trực thuộc Ban quản lý; KCN Bình Xuyên II (giai đoạn I) tỷ lệ lấp đầy đạt 100%; KCN Khai Quang tỷ lệ lấp đầy đạt 98%...

Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các KCN từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư. Việc chủ động được quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng KCN hợp lý đã và đang tạo được lợi thế cạnh tranh so với các KCN ở các tỉnh thành lân cận, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài, từng bước tạo được môi trường đầu tư có tính riêng biệt, cạnh tranh cao.

Để hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư, đối với các KCN đã lấp đầy, Ban luôn quan tâm giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo tính lan tỏa trong thu hút đầu tư tại chỗ. Đối với các KCN đang giải phóng mặt bằng hoặc chưa có chủ đầu tư hạ tầng, Ban chủ động đề xuất với UBND tỉnh, đồng thời tích cực phối hợp với các Sở, ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ GPMB để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; tìm kiếm các nhà đầu tư hạ tầng có tiềm năng để hướng tới các KCN đã quy hoạch nhằm nâng cao giá trị, tỷ lệ thu hút đầu tư. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động SXKD trong các KCN, Ban luôn khuyến khích, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả.

Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được Ban xác định là một trong các nhiệm vụ then chốt. Ban đã luôn chủ động, tìm kiếm và trực tiếp tham gia nhiều chương trình xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh nói chung và của các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

Với những cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý, 20 năm qua đã có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư vào các KCN của tỉnh, trong đó có các đối tác là các Tập đoàn lớn vào đầu tư như: Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Young pong, Hyosung, Jawha… Các dự án/các doanh nghiệp đầu tư đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 16 dự án đầu tư, trong đó có 5 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư là 20,2 tỷ đồng và 11 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư là 270,9 triệu USD. Đến nay, số dự án đầu tư trong các KCN là 276 dự án, trong đó có 225 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3.070,1 triệu USD và 51 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 14.106,49 tỷ đồng.

Đường vào KCN Bá Thiện 2

Cùng với việc gia tăng các dự án cấp mới, nhiều doanh nghiệp KCN được cấp phép trước đó đã khẳng định được năng lực, tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm trên thị trường và đã không ngừng tăng quy mô, tăng vốn. Chỉ tính riêng kết quả tăng vốn từ dòng vốn FDI cho thấy: Lũy kế đến hết tháng 9/2018, đã ghi nhận 154 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng 966 triệu USD, bằng 47% số vốn đầu tư đăng ký cấp mới.

Những con số ấn tượng này chính là minh chứng sống động cho thấy các dự án đã và đang hoạt động SXKD hiệu quả trong các KCN. Hàng năm, đóng góp của các doanh nghiệp trong KCN chiếm khoảng 50%-55% GTSXCN toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 60-65% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách chiếm 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm cho trên 80.000 lao động. Trong đó có đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp tiêu biểu như Honda, Piaggio, VPIC1, Jahwa…

Với phương châm hoạt động: “Thành công của nhà đầu tư vào KCN chính là thành công của Ban Quản lý”, vì vậy công tác quản lý các dự án đầu tư luôn được Ban quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Các phòng chức năng trong Ban thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với nhà đầu tư, đôn đốc thực hiện tiến độ đầu tư của các dự án, phối hợp với các ngành các cấp kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp triển khai dự án. Nhờ vậy, các dự án sau khi được cấp phép đầu tư, đã nhanh chóng triển khai xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất đúng tiến độ, số dự án đầu tư đi vào hoạt động chiếm tỷ lệ cao.

Đến nay, trong các KCN đã có 221 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 80% tổng số dự án đầu tư (còn lại 52 dự án mới cấp, đang bồi thường, GPMB, triển khai xây dựng và đang tiến hành lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng). Vốn giải ngân của các dự án hàng năm tăng mạnh, đến nay, tỷ lệ vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 60%, của các dự án DDI đạt 47,1% tổng vốn đăng ký.

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm; công tác quản lý, giám sát, phối hợp thanh tra, kiểm tra hoạt động của các dự án cũng luôn được Ban quan tâm chú trọng với các hoạt động cụ thể, thiết thực: Thường xuyên phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp thứ cấp, chủ đầu tư hạ tầng KCN; giám sát chặt chẽ, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, giải quyết các vướng mắc về xả thải, xử lý nước thải của các doanh nghiệp KCN. Phối hợp với các ngành, các huyện thị trong tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, lao động, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động trong các KCN. Chủ động kết nối doanh nghiệp với các địa phương, huyện, thị của tỉnh giải quyết triệt để các vụ đình công, lãn công, cháy nổ trong các KCN; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các KCN và các doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính đã được ban triển khai tích cực, góp phần tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, từng bước tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Ngay từ những ngày đầu tái thành lập Ban quản lý các KCN, tỉnh Vĩnh Phúc đã đi tiên phong thực hiện CCHC theo cơ chế “Một cửa, một đầu mối”, lựa chọn Ban quản lý các KCN là cơ quan đầu mối trong công tác thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Tại thời điểm đó, các nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Ban quản lý đều được rút ngắn 2/3 thời gian theo quy định. Hồ sơ, quy trình giải quyết TTHC đều được niêm yết công khai, minh bạch và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Kết quả cải cách hành chính của Ban đã góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa tỉnh Vĩnh Phúc nhiều năm vào Top 10 của cả nước.

Cùng với sự phát triển của hệ thống các KCN trên địa bàn tỉnh, tập thể Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển lớn mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, trách nhiệm trong hệ thống các sở, ban, ngành trong tỉnh, đóng vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh trong sự nghiệp phát triển công nghiệp của tỉnh nhà…

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển các KCN tỉnh nhà, nhiều năm liên tục tập thể và cá nhân Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc được trao tặng phiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành chức năng và của tỉnh. Đặc biệt, tập thể Ban đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Ban Quản lý luôn đạt danh hiệu tập thể xuất sắc.

Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các KCN

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động quản lý nhà nước về KCN, được biết Ban quản lý đã gặp không ít khó khăn do hành lang pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban còn nhiều chồng chép, bất cập…Cùng với tình hình chung của các KCN là chỉ quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, coi trọng về thu hút số lượng dự án đầu tư mà không quan tâm nhiều đến chất lượng dự án nên chưa hình thành được các tác nhân lõi để phát triển cụm liên kết. Điều này làm giảm tác động lan tỏa của KCN tới phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Mặt khác, gây nên nhiều tác động về mặt xã hội (nhà ở; chất lượng dịch vụ, môi trường, tệ nạ xã hội…) chưa được quan tâm giải quyết kịp thời…

Thời gian tới, để nâng cao vị trí, vai trò và phát huy có hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước của Ban quản lý, góp phần xây dựng và phát triển các KCN mang tính bền vững, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, Coi trọng công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập, tập trung đầu tư xây dựng KCN ở những vùng, những địa bàn có đầy đủ điều kiện và lợi thế phát triển; không phát triển dàn trải cho tất cả các địa bàn huyện, thành phố của tỉnh, phát triển theo hướng các KCN chuyên sâu, mô hình KCN mới. Từ đó, nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các tiện ích công cộng phục vụ cho KCN; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN.

Quan tâm kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân để NLĐ an tâm làm việc lâu dài; xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, phòng khám…tại các địa bàn tập trung nhiều KCN và bãi đỗ xe đưa đón công nhân tại các KCN.

Thứ hai, cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN; ưu tiên, chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn và có lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, hướng tới xã hội hóa trong vận động, xúc tiến đầu tư vào các KCN, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng…

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư sau cấp phép, trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các dịch vụ tư vấn về pháp lý. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là việc áp dụng thủ tục hành chính thông thoáng theo cơ chế “một cửa tại chỗ” tại Ban Quản lý các KCN. Do vậy, cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về KCN đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý các KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò vị trí ngày càng quan trọng của các KCN trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh.

Với vị trí, vai trò của mình, lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc khẳng định sẽ luôn tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung sức lực và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức vì sự phát triển lớn mạnh của hệ thống các KCN tỉnh nhà trong bối cảnh hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới./.

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư