Ban Quản lý KKT Quảng Bình: Đẩy mạnh phát triển các KCN, KKT cửa khẩu

10:29 | 18/12/2018 Print
- Trong 10 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý KKT Quảng Bình đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án vào các KCN, KKT trên địa bàn, với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong thu hút đầu tư

Năm 2018 Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) Quảng Bình tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), KKT và KKT cửa khẩu (KKTCK), với các hình thức xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn của các KKT và KCN trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, Ban Quản lý KKT đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tỉnh năm 2018. Tại Hội nghị đã có 8 dự án nằm trong KKT, KCN được trao Giấy chứng nhận đầu tư và 5 dự án ký thỏa thuận cam kết đầu tư, với tổng mức đầu tư đăng ký là 23,1 nghìn tỷ đồng.

Cảng Hòn La trong KKT Quảng Bình

Trong 10 tháng đầu năm 2018, Ban Quản lý đã cấp chủ trương đầu tư cho 18 dự án vào các KCN, KKT trên địa bàn, với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý đang tiếp nhận xử lý hồ sơ dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng Quảng Xuân Luxury của Công ty Cổ phần EuroWindow Quảng Bình Luxury, với tổng mức đầu tư là trên 4.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, trong các KCN, KKT đã thu hút được 118 dự án đầu tư, với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 45 ngàn tỷ đồng; trong đó 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức đăng ký là 18,2 triệu USD. Ngoài ra, có một số dự án trọng điểm, khi đưa vào hoạt động sẽ là động lực phát triển cho cả vùng như: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch tổng vốn đầu tư 36.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất Viên nén năng lượng của Tập đoàn DOHWA - Hàn Quốc tổng vốn đầu tư 11 triệu USD; Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến của Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh với tổng mức đầu tư 867 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất gỗ OKAL, OSB và gỗ ván thanh với tổng mức 2.400 tỷ đồng...

Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, KKT

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Hòn La, Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Cha Lo và phê duyệt hệ thống 8 KCN trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích khoảng 2.000ha vào Quy hoạch các KCN Việt Nam, định hướng đến năm 2020.

Trong năm 2018, Ban tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung KKT Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo; rà soát, điều chỉnh mở rộng KCN Cam Liên và Tây Bắc Quán Hàu; tiến hành quy hoạch chi tiết xây dựng KCN cửa ngõ phía Tây thuộc KKT Hòn La, quy hoạch chi tiết điều chỉnh mở rộng KCN Cảng biển Hòn La, tỷ lệ 1/500, quy hoạch phân khu Khu du lịch sinh thái biển phía Bắc cầu Roòn tại xã Quảng Đông và Quảng Phú, tỷ lệ 1/500...

Đến nay, Ban Quản lý đã triển khai đầu tư hạ tầng một số khu chức năng trong các KKT và KCN. Năm 2018, Ban quản lý KKT được bố trí ngân sách 45 tỷ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng. Dự kiến số vốn giải ngân năm 2018 đạt 100% kế hoạch vốn.

Sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN đạt tăng trưởng cao

Năm 2018, hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các KKT và KCN tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của tỉnh Quảng Bình, thúc đẩy tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước cho tỉnh, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Kết quả, năm 2018 tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại KKT, KCN ước khoảng 3.491 tỷ đồng, đạt 112% so với cùng kỳ năm 2017; giá trị xuất khẩu ước đạt 1.904 tỷ đồng (tương đương 84,63 triệu USD), đạt 149% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số lao động đang làm việc trong KKT, KCN là 4.811 lao động (tăng 230 lao động), đạt 105% so với cùng kỳ năm 2017; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 5,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 580 ngàn đồng/người/tháng), đạt 111% so với cùng kỳ năm 2017.

Xí nghiệp may Hà Quảng trong KCN Tây Bắc Đồng Hới

Tại KKT cửa khẩu Cha Lo, năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ước khoảng 1,37 tỷ USD, đạt khoảng 80,3% so với cùng kỳ năm 2017; số lượng người xuất nhập cảnh khoảng 315.256 lượt người, đạt 60% so với cùng kỳ năm 2017; số lượt phương tiện xuất nhập cảnh ước 166.307 lượt, đạt 86,2% so với cùng kỳ năm 2017; tổng lượng hàng hoá qua cửa khẩu ước khoảng 2,1 triệu tấn, đạt khoảng 89,9% so với cùng kỳ năm 2017; thu phí sử dụng bến bãi ước khoảng 66 tỷ đồng, đạt 100% so với cùng kỳ.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KCN, KKT

Năm 2018, hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT tại Ban Quản lý có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm chú trọng, chất lượng hoạt động trong hệ thống hành chính có nhiều tiến bộ, chỉ số cải cách hành chính luôn đứng ở tốp đầu của Tỉnh.

Công tác quản lý và sử dụng biên chế được giao thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Thực hiện có hiệu quả ứng dụng phần mềm quản lý văn bản; chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin; trang thông tin điện tử của Ban Quản lý luôn được duy trì tốt và hoạt động có hiệu quả.

Các phòng chức năng trong Ban Quản lý luôn quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình làm các thủ tục đầu tư, triển khai dự án và khi dự án đi vào hoạt động được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên được thực hiện tốt, đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, kiên quyết xử lý thu hồi những dự án chậm tiến độ gây lãng phí đất.

Công tác vệ sinh môi trường thực hiện thường xuyên, hiệu quả; công tác giám sát môi trường của doanh nghiệp được thực hiện chặt chẽ. Do vậy, trong KKT, KCN không có sự cố về môi trường, các kết quả quan trắc, phân tích mẫu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

Thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng các KKT, KCN; duy trì việc cung cấp nước sạch và đảm bảo hệ thống điện chiếu sáng phục vụ hoạt động SXKD của doanh nghiệp và hoạt động quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, tạo môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong các KKT và KCN; thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công tại KKT Hòn La; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các KKT, KCN.

Đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, lao động, môi trường, phòng chống cháy nổ các dự án đầu tư tại KKT, KCN theo chương trình kế hoạch. Qua thực tế kiểm tra, về cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành đúng các quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về KCN, KKT

Theo Ban Quản lý KKT Quảng Bình, năm 2019 Ban Quản lý sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ then chốt, trong đó chú trọng công tác quản lý qui hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trong các KCN, KKT... Cụ thể:

Thứ nhất, tập trung thực hiện một số Đề án quy hoạch trọng điểm theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng tại KKT Hòn La, KKTCK Cha Lo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thành quy hoạch theo danh mục các KCN Việt Nam dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chấp thuận bổ sung (điều chỉnh mở rộng KCN Bắc Đồng Hới, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Cam Liên, KCN Tây Bắc Quán Hàu, cắm mốc một số KCN...)

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KCN, KKT: Tích cực tham mưu UBND tỉnh tăng cường đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN, KKT; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương để được hỗ trợ vốn, từng bước hoàn thiện các hạng mục cơ bản hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT; xác định rõ các công trình, hạng mục trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để tập trung nguồn lực đầu tư sớm hoàn thiện dứt điểm.

Tập trung huy động các nguồn vốn để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc huy động vào các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, KKT.

Thứ tư, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư: Phối hợp với các sở ngành trong tỉnh, kết nối chặt chẽ với các trung tâm xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành để đẩy mạnh quảng bá và thu hút đầu tư. Lựa chọn những dự án có vốn đầu tư lớn, các doanh nghiệp nước ngoài; các dự án sản xuất các mặt hàng ưu tiên đầu tư, đóng góp ngân sách lớn thu hút lao động nhiều.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong suốt quá trình xây dựng dự án và khi đưa dự án đi vào hoạt động. Phối hợp với cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính, Tỉnh thực hiện kế hoạch rà soát các thủ tục hành chính còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân cho đội ngũ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính.

Thứ sáu, quản lý có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trong các KCN, KKT; sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời những công trình xuống cấp, hư hỏng; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường xanh sạch đẹp tại KCN, KKT; kiểm tra chấn chỉnh bảo vệ vệ sinh môi trường và hạ tầng giao thông đối với các đơn vị thi công tại KCN, KKT; phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các KCN, KKT; thực hiện hoạt động điều tra, giám sát môi trường theo quy định của pháp Luật Bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Hằng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư