e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

Tăng trưởng xanh trong bối cảnh và xu thế mới

08:29 | 16/02/2021 Print
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi căn bản thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thay đổi mạnh mẽ trong chuyển dịch kinh tế số, thúc đẩy các quốc gia đánh giá lại mô hình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức của cộng đồng về những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với các vấn đề môi trường và sức khỏe. Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng đem đến những nhìn nhận mới, rõ nét hơn về cơ hội phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển đổi chiến lược, hướng tới một tương lai bền vững hơn.

TĂNG TRƯỞNG XANH - MỘT LỰA CHỌN TẤT YẾU

Trên thế giới, nhu cầu thúc đẩy thịnh vượng kinh tế một cách bền vững, lâu dài, trước mối quan tâm ngày càng tăng về duy trì và bảo vệ nguồn vốn tự nhiên cũng như thúc đẩy phát triển xã hội mạnh mẽ, bao trùm đang được các quốc gia cân nhắc lựa chọn. Theo đó, tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế các-bon thấp đã dần trở thành xu hướng chủ đạo, thể hiện rõ nhất trong thay đổi cơ cấu năng lượng, trong đó năng lượng tái tạo đang dần chiếm tỷ trọng đáng kể so với các nguồn năng lượng khác, động cơ điện đã từng bước thay thế động cơ xăng trong các phương tiện giao thông phổ biến. Nhiều quốc gia cũng đã cam kết thực hiện các nội dung của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu: từ cam kết “Hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu” đến “Mục tiêu phát thải khí hậu trung tính”. Các mục tiêu phát triển bền vững dần từng bước được quốc gia hóa theo những mục tiêu cụ thể phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng sự gia tăng kết nối giữa các quốc gia toàn cầu đang có những tiến bộ vượt bậc. Xu hướng đầu tư cho các hoạt động sản xuất thông minh nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chính phủ điện tử, đô thị thông minh, thông minh hóa công nghiệp và nông nghiệp… đang trở nên phổ biến.

Mô hình tăng trưởng kinh tế thông thường đang được nhận định có thể làm suy yếu nền tảng nguồn lực và tiến bộ xã hội và do đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình tăng trưởng xanh như là một lựa chọn tất yếu để đảm bảo thịnh vượng kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong dài hạn.

TĂNG TRƯỞNG XANH Ở VIỆT NAM, CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA

Được triển khai từ năm 2012, tăng trưởng xanh được xem như một công cụ hữu hiệu để thực hiện phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, trong đó giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững chính là mục tiêu chiến lược góp phần quan trọng đẩy lùi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Sau 8 năm triển khai, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện. Việc thực hiện Chiến lược đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức. Một số mục tiêu chiến lược đã đạt được, mảng đầu tư xanh đã dần chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu đầu tư phát triển cả công và tư.

Sau 8 năm triển khai, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã đi đúng hướng

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam ngày càng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh. Cụ thể:

Từ hiện hữu của biến đổi khí hậu…

Không chỉ là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi các vấn đề biến đổi khí hậu, trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng phải đối diện với sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tác động nghiêm trọng tới con người và nền kinh tế. Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước, mà đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử, gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế và đợt hạn hán tồi tệ nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long.

…tới các cú sốc bên ngoài

Trong giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn trên thế giới tính theo giá trị xuất - nhập khẩu trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế càng lớn, thì càng dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động không thuận lợi từ bên ngoài. Điều này có thể cảm nhận rõ qua đại dịch Covid-19 khi xuất hiện sự đứt gãy cả từ phía “cung” lẫn “cầu” của nền kinh tế thế giới. Triển vọng kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào khả năng chống dịch của thế giới và tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước, cũng như khả năng khắc phục những điểm yếu và rủi ro nội tại của nền kinh tế.

…đến việc thực hiện các cam kết quốc tế mới

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh được phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững, đồng thời góp phần hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tháng 6/2012 tại Rio de Janeiro, Brazil (Rio +20).

Tháng 9/2015, Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 với 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững chính thức được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, thay thế các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) đã không thành công trong việc xem xét bản chất toàn diện của sự phát triển và được kỳ vọng sẽ thay đổi bản chất từ việc đặt mục tiêu để các nước nghèo đạt được với tài chính hỗ trợ từ các quốc gia giàu có sang việc mọi quốc gia sẽ cùng chung tay để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam đã thực hiện cam kết của mình thông qua việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017 bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) toàn cầu được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc năm 2015. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện các SDGs của Việt Nam.

Cũng trong năm 2015, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc thông qua Thỏa thuận Paris - một kế hoạch “đầy tham vọng và cân bằng” nhằm đạt mức giảm phát thải lớn nhất càng sớm càng tốt và hạ thấp mức thải vào nửa sau của thế kỷ này, cũng như giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C với nỗ lực giới hạn mức tăng ở mức 1,5 độ C. Đây được coi là một “bước ngoặt lịch sử” trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu.

Đóng góp quốc gia tự quyết (NDC) của Việt Nam hướng tới việc thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu với lộ trình giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021-2030, theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với Kịch bản phát triển thông thường (BAU) và có thể tăng đóng góp lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Con đường phía trước

Thỏa thuận Paris và các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra những kỳ vọng chung về tính bền vững toàn cầu trong tương lai với những thay đổi mang tính hiệu quả trong các lĩnh vực, như: cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống năng lượng, sản xuất và chế biến… Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã chuyển từ hình thức “tự nguyện” sang hình thức “bắt buộc” thực hiện cam kết quốc tế.

Vì vậy, tăng trưởng xanh trong giai đoạn mới phải trở thành động lực chính để phát triển bền vững và là công cụ hữu hiệu giúp Chính phủ cân đối các nguồn lực trong nước và huy động nguồn lực quốc tế hiệu quả, cung cấp một giải pháp hỗ trợ liên ngành trong triển khai thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ở các cấp có sự gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021.

CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH - TỪ QUAN ĐIỂM ĐẾN PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN XÂY DỰNG

Bên cạnh việc kế thừa có chọn lọc các quan điểm của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020 và bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 được xây dựng đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu và định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Bên cạnh đó, các khía cạnh mới mang tính xu thế thời đại cũng được xem xét như những lựa chọn bổ sung quan trọng, bao gồm: khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số khía cạnh xã hội.

Với quan điểm xây dựng Chiến lược cho giai đoạn mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Chiến lược giai đoạn trước, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 tập trung nghiên cứu, rà soát chuyên sâu kinh nghiệm về phương pháp luận định lượng trong xây dựng các chiến lược tăng trưởng xanh của các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, phân tích toàn diện và chuyên sâu bối cảnh và xu thế mới, cập nhật các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: cam kết thực hiện các mục tiêu tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm đưa ra cách tính toán, xác định các chỉ tiêu, mục tiêu một cách khoa học và phù hợp.

Tăng tính chế tài trong giám sát, đánh giá tăng trưởng xanh cũng là một hướng tiếp cận của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Thông qua việc nghiên cứu, bổ sung các quy định, hướng dẫn cụ thể, có tính ràng buộc pháp lý trong triển khai thực hiện và quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong giám sát, đánh giá, Chiến lược giai đoạn mới hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ công tác giám sát, đánh giá bằng các chỉ tiêu cụ thể có tính thống kê toàn diện.

Kết hợp đa dạng giữa các phương pháp luận và mô hình kinh tế lượng, mô hình ngành, Chiến lược cũng được kỳ vọng có thể đánh giá được những tác động của các cú sốc ngoại cảnh đến nền kinh tế. Theo đó, các kịch bản tăng trưởng xanh sẽ được xây dựng gắn với giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở các nguồn dữ liệu được thu thập chính thống và tăng cường tham vấn chuyên sâu với các bên liên quan.

Việc sử dụng các mô hình ngành bổ trợ cho các mô hình đánh giá tác động kinh tế - xã hội tổng thể hướng tới việc phân tích chi phí lợi ích giữa phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải tiềm năng trong dài hạn. Qua đó, hỗ trợ các quyết định đầu tư mang tính hiệu quả cao trong dài hạn, chủ động xác định và huy động đa dạng các nguồn lực, đặc biệt là tài chính cho đầu tư xanh nhằm đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Thông qua cách tiếp cận có hệ thống từ trên xuống và từ dưới lên gắn liền với đánh giá thực trạng quốc gia, trong đó tận dụng các cách thức tiếp cận tiên tiến của các quốc gia trên thế giới hiện nay, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 hướng tới phương thức tiếp cận đối với các vấn đề “xanh” không chỉ là lồng ghép trong các quyết định phát triển, mà nó là một chỉnh thể thống nhất với các thành phần của phát triển bền vững.

Với cách thức tiếp cận tổng thể, đa đối tượng, tăng cường tham vấn chuyên sâu và mở rộng (nhiều hình thức và mở rộng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau), Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 mong muốn tiếp cận xây dựng đảm bảo công khai, cùng một cách hiểu và tăng tính thống nhất trong các mục tiêu ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần hỗ trợ thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình tăng trưởng xanh ở các cấp và các nhóm đối tượng khác nhau.

CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN SỰ THỊNH VƯỢNG CHÍNH LÀ LỰA CHỌN TĂNG TRƯỞNG XANH

Trong bối cảnh quốc tế với nhiều biến động như hiện nay, mang theo khát vọng thịnh vượng của dân tộc, năm 2021 chính là năm Việt Nam chạm ngưỡng cửa của giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh những nỗ lực về mặt con số nhằm đánh giá mức độ tăng trưởng, thì đã đến lúc, các vấn đề năng suất và hiệu quả cần được tập trung chuyên sâu hơn, chú trọng đến chất lượng và giá trị, bởi đằng sau những con số là nhiều vấn đề cần được quan tâm.

Năm 2021 cũng là năm khởi đầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) với quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Một lần nữa, có thể khẳng định con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam chính là tăng trưởng xanh./.

TS. Lê Việt Anh, ThS. Trần Minh Huế - Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư