e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Tăng trưởng xanh - Phát triển bền vững

“Báo động đỏ” về ô nhiễm tại các đô thị lớn

22:37 | 20/07/2017 Print
- Theo Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2016, chuyên đề về Môi trường đô thị vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chiều 20/07 tại Hà Nội, thì tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn của nước ta đang ở ngưỡng báo động.

Môi trường đang chịu sức ép từ sự phát triển

Phát biểu tại lễ công bố báo cáo, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, từ thập niên 90 đến nay, số lượng đô thị nước ta gia tăng nhanh chóng và mở rộng cả về quy mô và diện tích. Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm nên có sự phát triển đồng đều. Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng, chi phối phát triển đô thị cả nước.

Quang cảnh buổi công bố

Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường, gây bức xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở vật chất hạ tầng đồ thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Đáng chú ý, thách thức lớn nhất hiện nay là số lượng đô thị tăng lên rất nhanh, nhưng chất lượng của các đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là các đô thị ven biển.

Tại các đô thị, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nổi cộm về môi trường. Đó là vấn đề kiểm soát và xử lý nước thải đô thị. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng lớn, điển hình tại 02 Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ta, tại các đô thị khác, sức ép từ các nguồn nước thải cũng đang là vấn đề đặt ra nhiêu thách thức. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý còn rất thấp mới chỉ đạt khoảng 11%, chỉ có 42 đô thị trên tổng số 787 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung. Điều này đã tác động rất lớn đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.

Ô nhiễm từ nguồn nước đến không khí

Ông Tài cho biết thêm, ngoài ra còn một số vấn đề nóng khác như: ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ờ ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng; suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị khu vực đồng băgng và xâm nhập mặn tại các đô thị ven biển đang trở nên phổ biến; Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp, công nghệ xử lý còn lạc hậu và chưa phù hợp với điều kiện thực tế…

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 2/3 trường hợp tử vong và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước đang phát triển thuộc châu Á.

Liên quan đến môi trường không khí, nước, đất và xử lý chất thải rắn được đề cập, nội dung tại báo cáo của ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu rõ:

Đối với không khí, báo cáo nhận định các đô thị lớn ở nước ta đều đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nổi cộm nhất là ô nhiễm không khí do bụi, chưa có dấu hiệu giảm trong năm năm gần đây.

Đối với bụi thô, nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam từ 2 - 3 lần. Loại bụi này thường tập trung cao ở những trục đường giao thông của đô thị lớn, nhất là đô thị loại đặc biệt và loại 1.

Các khu dân cư nằm trong các đô thị có mật độ giao thông lớn, đặc biệt là Hà Nội, có mức độ ô nhiễm bụi cũng vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

Riêng thành phần bụi mịn lơ lửng trong không khí có khả năng phát tán xa, đi sâu vào phổi hơn, giá trị đo tại nhiều trạm vượt ngưỡng trung bình năm trong quy chuẩn Việt Nam. Tại khu vực nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh số ngày trong năm có nồng độ bụi mịn vượt ngưỡng cho phép chiếm tỉ lệ 20%.

Ông Tùng nhấn mạnh, tác nhân gây ô nhiễm không khí trong đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM chủ yếu do hoạt động giao thông, nhất là xe cá nhân tăng quá nhanh phát thải nhiều, do hoạt động xây dựng chưa được kiểm soát tốt cùng với các xí nghiệp vẫn trong nội ô… Còn về nguồn nước trong đô thị, báo cáo cho biết nguồn nước ngầm tại một số đô thị đang suy giảm về trữ lượng, mực nước xuống thấp.

Trong khi đó, nước thải sinh hoạt chỉ được xử lý với tỉ lệ thấp đang làm ô nhiễm hệ thống sông hồ, kênh rạch trong nội ô. Đây là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Tình trạng nguồn nước dưới đất, nước mặt bị ô nhiễm dẫn tới chất lượng nước cấp cho nhiều nhà máy cung cấp nước sinh hoạt chưa đạt tiêu chuẩn quy định.

Công nghệ xử lý nước tại một số nhà máy nước chưa đồng bộ, tình hình xả nước thải không xử lý ra sông hồ, hàng vạn lỗ khoan mạch nông đang là nguồn gây ô nhiễm cho tầng chứa nước đang khai thác.

Đáng chú ý, hiện nay hai nhà máy nước ở TP.Phủ Lý, Hà Nam lấy nước mặt sông Đáy bị ô nhiễm khiến chất lượng nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn là amoni, pecmanganat, độ đục và mùi…

Bụi mịn góp phần gia tăng ung thư

Cũng theo báo cao, tình trạng các khu đô thị lớn, ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, thậm chí nhiều nơi đang ở mức “báo động”. Theo ông Hoàng Dương Tùng, ô nhiễm môi trường ở các đô thị đã và đang tiếp tục là vấn đề nổi cộm nhiều năm, đòi hỏi phải ưu tiên giải quyết.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường

Hiện tại, các khu đô thị đang phải đối mặt với áp lực ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp trong nội đô, hoạt động dân sinh, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào. Các hoạt động trên đã phát tán một lượng bụi lớn vào môi trường, khiến các đô thị và các vùng lân cận bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm bụi được phản ánh thông qua bụi lơ lửng bao gồm bụi thô (TSP và PM10) và bụi mịn (PM2.5). Số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến 2016 cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong suốt 5 năm qua.

Riêng tại một số khu vực nội thành, nội thị của các đô thị lớn, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, số ngày trong năm có nồng độ bụi PM0, PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm. Cụ thể, ở các đô thị lớn, bụi TPS vượt quá giới hạn của Quy chuẩn Việt Nam từ 1,5 đến 2 lần. Tại các khu công trường xây dựng, khu đô thị mới, sửa chữa đường giao thông diễn ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức độ ô nhiễm bụi rất cao.

Chưa kể, tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa đông, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp tại Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh...

Đối với các địa phương ở phía Nam, nồng độ các loại bụi có sự thay đổi đáng kể giữa hai mùa, mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 tháng 4 năm sau). Theo các giờ trong ngày thì nồng độ bụi tăng cao vào các giờ cao điểm giao thông, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và đêm.

Ông Tùng nhấn mạnh, tại các khi đô thị, bụi là vấn đề nan giải nhất. Theo nghiên cứu, bụi mịn (PM2.5) tồn tại rất lâu trong khí quyển, khả năng phát tán xa và đi sâu vào phổi. Vì thế, bụi mịn có thể gây ra bệnh hen xuyễn, làm gia tăng ung thư phổi, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.

Bổ sung quan điểm này, ông Thái Minh Sơn, Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (Đại học Xây dựng) cho rằng ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do ô nhiễm từ giao thông. Thứ nhất, do ô nhiễm từ đường xá chật hẹp. Thứ hai, phương tiện giao thông cũ chưa quản lý kỹ. Thứ ba là quy hoạch đô thị phát triển quá nóng, không mường tượng trước được mọi việc. Theo đó, nên chăng cần có quy hoạch môi trường độc lập với các quy hoạch khác./.

Hà Giang

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư