Tìm giải pháp thu hút vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh

15:58 | 26/07/2018 Print
- Thu hút vốn đầu tư đang là bài toán đặt ra cho các dự án tăng trưởng xanh, bởi các dự án này thường có chi phí vốn lớn đi kèm nhiều rủi ro, cũng như thiếu cơ chế chính sách phù hợp đi kèm…

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), trong hai ngày 26-27/7 tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức Đối thoại công – tư APEC về chính sách đầu tư xanh.

Đối thoại nhằm mục tiêu tăng cường thảo luận về các thông lệ thực hành tốt, từ đó đưa ra các khuyến nghị về chính sách, cũng như hỗ trợ các nền kinh tế APEC trong giai đoạn chuyển đổi sang phát triển xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng, phát thải carbon thấp và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc đối thoại, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận xét, hiện nay biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đang là thách thức lớn đối với các nền kinh tế.

Vì vậy, chính sách đầu tư xanh đóng vai trò quan trọng và tác động đến nhiều yếu tố khác nhau như thiết lập mục tiêu và điều chỉnh chính sách và ưu đãi cho phát thải carbon thấp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế, cũng như thúc đẩy kinh doanh xanh và điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

Theo đánh giá của bà Geraldine Ang, chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách tài chính và đầu tư xanh của OECD, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh là rất lớn, nhưng câu hỏi đặt ra là nguồn vốn từ đâu? Bởi nếu chỉ dựa vào đầu tư từ ngân sách thì không đủ, trong khi các ngân hàng thương mại cũng không có đủ vốn đáp ứng.

Bà Geraldine Ang chia sẻ tại đối thoại

Hiện nay, xuất hiện rất nhiều định chế tài chính như các quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản…, song để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn này vào dự án xanh là không đơn giản, bởi các dự án xanh thường có chi phí vốn lớn đi kèm nhiều rủi ro, thiếu cơ chế chính sách phù hợp đi kèm…

Đây là thực trạng chung với các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Làm rõ hơn, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét, tăng trưởng xanh mới chỉ là câu khẩu hiệu, bởi chi phí điều chỉnh khá đắt đỏ, việc kiểm toán chi phí đầu vào, đầu ra còn yếu kém.

Thực tế cho thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia thu nhập thấp đã chuyển sang thu nhập trung bình. Mặc dù vậy, hoạt động kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, tỷ lệ khai thác tài nguyên/tỷ trọng GDP cao gấp 2-3 lần các quốc gia khác. Sản xuất các ngành công nghiệp như dệt may, sản xuất gỗ… gây ra những phát thải nghiêm trọng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đức Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) khẳng định, những năm gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu kinh tế tăng trưởng ấn tượng. Trong 13 nước APEC, Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thành tựu này từ nhiều khía cạnh khác nhau. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, song phát triển kinh tế lại chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, mức độ ứng dụng công nghệ thấp, không hiệu quả, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Trong bối cảnh đó, để tăng cường vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, bà Phạm Quỳnh Mai gợi ý cần có chính sách và khung pháp lý hỗ trợ và ổn định hơn nữa để huy động các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân, theo đó khu vực nhà nước và tư nhân cùng nhau hợp tác vì mục tiêu chung cho tăng trưởng xanh bền vững. Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, nước và xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm.

Bổ sung thêm, ông Trần Đức Minh đề xuất cần nâng cao nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường; hài hòa hệ thống pháp lý, thực thi hiệu quả chính sách của nhà nước. Ngoài ra, cần có các cơ chế hỗ trợ tài chính để bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư