4 khuyến nghị chiến lược để phát triển kinh tế bền vững

20:19 | 18/12/2019 Print
- Đó là tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao của Việt Nam; hướng tới một nền kinh tế carbon thấp…

Sáng ngày 18/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức tổ chức Hội thảo “Báo cáo Đánh giá đa chiều (MDR) - Các khuyến nghị chính sách phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030”.

Báo cáo MDR của Việt Nam là một sáng kiến của OECD, đã được triển khai thực hiện cho nhiều quốc gia đang phát triển là thành viên của Trung tâm Phát triển của OECD.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, sau khi chính thức khởi động vào tháng 02/2019, trên cơ sở làm việc với nhiều bộ, ngành, cơ quan trong nước qua nhiều hội thảo khoa học cũng như khảo sát thực tiễn phát triển ở Việt Nam, đến nay, OECD đã xây dựng dự thảo đầy đủ Báo cáo MDR. Nội dung Báo cáo đánh giá tương đối sâu sắc trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đồng tình và bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, sau khi dự án xây dựng Báo cáo được khởi động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển của OECD trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Tiến trình xây dựng Báo cáo đã trải qua 02 giai đoạn quan trọng là đánh giá bước đầu và phân tích sâu, đề xuất chính sách. Hiện tại, đang trong giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng, là xây dựng kế hoạch hành động.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại hội thảo

“Với phương pháp tiếp cận xây dựng dựa trên các đánh giá đa chiều, liên ngành, liên lĩnh vực, Báo cáo này được kỳ vọng sẽ là một nghiên cứu đầu vào hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đang diễn ra tại Việt Nam”, Thứ trưởng Phương tin tưởng.

Những hạn chế đối với phát triển bền vững của Việt Nam

Tóm lược những nội dung chính của Báo cáo, ông Jan Rielander – Giám đốc phụ trách Báo cáo MDR của Trung tâm Phát triển OECD đã chỉ ra những điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm sự tăng trưởng và độ mở kinh tế trong dài hạn, tỷ lệ nghèo giảm mạnh, thu hút con số ấn tượng về nguồn vốn FDI, trình độ học vấn được cải thiện…

Mặc dù vậy, Báo cáo chỉ ra 03 hạn chế xuyên suốt đối với phát triển bền vững, gồm:

Một là, xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững hơn. Điều này bao gồm tăng cường các điều kiện và khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp, tạo dựng mối liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; nâng cấp hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học nhằm xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng cao hơn; nỗ lực để bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hai là, nâng cao khả năng cung cấp tài chính cho các hoạt động phát triển. Do sự chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả hơn đòi hỏi nhu cầu rất lớn về đầu tư và chi tiêu ngân sách, trong khi Việt Nam khả năng huy động còn rất hạn chế; do vậy, cần đổi mới cơ cấu nguồn thu, hoạt động thu thuế và thanh tra; và điều này cũng đòi hỏi các giải pháp bền vững, đảm bảo người dân sẵn sàng đóng góp tương xứng với các dịch vụ công và sự tham gia của họ.

Ba là, nâng cao năng lực quản trị và điều tiết. Vấn đề quản lý, phối hợp và điều tiết nổi lên là hạn chế chính trong tất cả các lĩnh vực được đánh giá của Báo cáo; có thể kể tới như thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng tham ô, tham nhũng; năng lực quản lý, thực thi và phối hợp giữa các cấp chính quyền; trách nhiệm giải trình, mức độ đáng tin cậy của các cơ quan thực thi; và khả năng tạo cơ hội cho sự tham gia của người dân.

Và 4 khuyến nghị chiến lược

Từ các phân tích sâu về các nội dung liên quan tới các hạn chế trên, ông Jan Rielander đề xuất 4 khuyến nghị chiến lược hướng tới xây dựng một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững.

Một là, tạo các cơ hội mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ. Trong đó, cần xóa bỏ các rào cản nhằm khuyến khích khu vực nông nghiệp tự chuyển đổi bằng cách thiết lập một thị trường đất hiệu quả; nới lỏng hạn chế về đất, đặc biệt là đất trồng lúa; thử nghiệm các giải pháp đối với vấn đề phân tán manh mún đất đai…

Đồng thời, tạo lập một môi trường cung cấp các cơ hội kinh tế bình đẳng cho mọi người dân từ việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh số hóa và chính phủ điện tử. Việt Nam cũng cần thúc đẩy các lĩnh vực dịch vụ giúp gia tăng năng suất cho doanh nghiệp và tập trung thu hút các nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Hai là, tăng cường hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước vẫn kiểm soát phần lớn nền kinh tế, thì việc cải cách doanh nghiệp nhà nước có thể làm gia tăng ít nhất 2,5% GDP, nếu tập trung vào kết quả hoạt động, tính minh bạch và hiệu suất.

Để làm được điều này, cần trao quyền cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cấp nhà nước; xây dựng chính sách sở hữu nhà nước; xác định rõ các mục tiêu của doanh nghiệp nhà nước; cải thiện công tác Báo cáo; đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động trên một sân chơi bình đẳng; chuyên nghiệp hóa hoạt động của ban lãnh đạo và bảo vệ cổ đông.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục bậc cao của Việt Nam, thông qua việc tăng cường cộng tác trong hệ thống giáo dục nhằm phát triển các kỹ năng và đổi mới. Bên cạnh đó, hỗ trợ giảng viên áp dụng các phương pháp sư phạm hiệu quả để phát triển kiến thức và kỹ năng mà sinh viên cần để thành công trong thị trường lao động.

Mặt khác, cần xây dựng một hệ thống thông tin mạnh mẽ để hỗ trợ việc hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng và hướng dẫn cho lựa chọn của sinh viên. Một khuyến nghị khác cũng được Báo cáo đưa ra là việc tăng cường đổi mới thông qua các hoạt động trao đổi tri thức giữa các trường đại học và các công ty với tham vọng đổi mới.

Bốn là, đảm bảo phát triển bền vững thông qua quản lý môi trường tốt hơn và chủ động hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, bằng cách tăng cường khung thể chế và pháp lý nhằm thực thi có hiệu quả hơn; tăng cường quản lý trong các lĩnh vực: ô nhiễm nước, ô nhiễm môi trường và kiểm soát rủi ro thảm họa tự nhiên; lập kế hoạch chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế carbon thấp và cung cấp tài trợ cho quá trình chuyển đổi này.

Để hiện thực hóa 4 khuyến nghị trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, cần thiết phải tăng cường năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước. Điều này có thể thực hiện thông qua việc gắn hệ thống quản trị với hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, tăng cường hiệu quả thực thi thông qua cải thiện quá trình lập pháp và tư pháp độc lập…/.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư