e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Diễn đàn khoa học/Công bố nghiên cứu

Phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam: Từ chủ trương đến hành động và giải pháp thực hiện

12:36 | 01/06/2020 Print
- Liên kết các doanh nghiệp tư nhân để tạo thành một lực lượng, làm động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập là yêu cầu bức thiết hiện nay.

TS. Phạm Văn Hiếu

Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, doanh nghiệp tư nhân đã có sự phát triển tương đối nhanh, nhưng chỉ mới về mặt số lượng (số doanh nghiệp, lao động và vốn) mà chưa có nhiều cải thiện về mặt chất lượng. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA), hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần (ROS) còn thấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, trình độ công nghệ và quản lý còn yếu. Liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân để tạo thành một lực lượng có tính gắn kết còn rời rạc, manh mún. Năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn ở mức thấp. Vì thế, trong thời gian tới, cần có các giải pháp hợp lý được thực hiện đồng bộ, tổng thể và hiệu quả.

DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

Bối cảnh phát triển doanh nghiệp tư nhân

Bối cảnh phát triển doanh nghiệp tư nhân được định hình bởi tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát, do đây là hai yếu tố quan trọng tác động tích cực hay tiêu cực đến các doanh nghiệp tư nhân.

Trong giai đoạn 2011-2018, tăng trưởng kinh tế trải qua 2 giai đoạn khác biệt rõ nét (Hình 1). Thời gian đầu, tăng trưởng kinh tế đi xuống và sau đó nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng cao hơn.Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2018 ở mức thấp nhất vào năm 2012 (5,25%). Nền kinh tế rơi vào hiện trạng này là do cú sốc kép từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu thế giới tăng cao kỷ lục năm 2008. Sau đó, chính sách kích thích nền kinh tế thiếu hợp lý năm 2009-2010 tạo nên bong bóng giá tài sản và lạm phát tăng cao năm 2011, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng vào năm 2012.

Thời điểm này, khu vực kinh tế tư nhân gặp rất nhiều khó khăn. Lãi suất đi vay tăng cao do lạm phát tăng cao đã đẩy chi phí vay vốn và chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lên. Nợ xấu ngân hàng ở mức rất cao làm ngân hàng thiếu vốn cho doanh nghiệp vay. Hơn nữa, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút, số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể tăng cũng làm cho ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay.

Hình 1: Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2018

Đơn vị: %

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lạm phát có lẽ là nhân tố quan trọng tạo nên môi trường kinh tế vĩ mô cho doanh nghiệp hoạt động. Tỷ lệ lạm phát cao có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ nhất, tỷ lệ lạm phát cao đẩy lãi suất tăng cao và do đó chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng. Thứ hai, tỷ lệ lạm phát cao và thường khó dự đoán biến động làm cho việc lập kế hoạch đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, làm giảm đầu tư và sản xuất của doanh nghiệp. Thứ ba, lạm phát là loại thuế, thường được gọi là “thuế đúc tiền” đánh vào các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế, vì thế khi lạm phát cao, người gửi tiền tiết kiệm chịu thuế cao nên sẽ giảm gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng, do đó ngân hàng sẽ ít tiền hơn để cho doanh nghiệp vay. Thuế đúc tiền cao cũng là loại thuế đánh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và vì thế làm giảm động lực sản xuất, kinh doanh. Lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và ngược lại lạm phát thấp tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Khi doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, quản lý nhà nước cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Hình 2 thể hiện diễn biến lạm phát giai đoạn 2011-2018. Vào đầu giai đoạn nghiên cứu, tỷ lệ lạm phát ở mức rất cao, đạt 18,7% năm 2011 và 9% năm 2012. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng tăng cao vào 2 năm 2011- 2012. Bất ổn kinh tế vĩ mô dâng cao và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân với phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng, sau khi Chính phủ đặt quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đặt ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát giảm mạnh xuống còn 6,6% năm 2013, 4,7% năm 2014 và duy trì ở mức thấp dưới 4% kể từ năm 2015. Tỷ lệ lạm phát thấp góp phần rất lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hình 2: Tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2011-2018

Đơn vị %

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân

Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong Nghị quyết có nêu các giải pháp liên quan đến phát triển doanh nghiệp tư nhân. Với nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết xác định “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”; “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”; “Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp”; “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.

Hay trong nội dung Hoàn thiện thể chế phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp của Nghị quyết có nêu: “Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”. “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại, năng lực quản trị tiên tiến. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 13/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là Nghị quyết quan trọng, có tính đột phá nhằm phát triển kinh tế tư nhân, để kinh tế tư nhân “đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Để cụ thể hơn nữa chủ trương hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật số 04/2017/QH14, ngày 12/6/20170 và tiếp theo đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Chính phủ đã thực hiện các bước đi cần thiết nhằm cụ thể hóa các chủ trương trên thực tế. Các nghị quyết số 19 hàng năm (Nghị quyết về môi trường kinh doanh được lấy số 02 (năm 2019) thay cho tên nghị quyết 19 được ban hành liên tục từ năm 2014) được Chính phủ ban hành để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nói chung, kể từ sau Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đến nay, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm phát triển kinh tế tư nhân, biến kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có sự đóng góp lớn vào sản lượng nền kinh tế, có vị trí, vai trò quan trọng trong tạo việc làm, thúc đẩy tăng năng suất, năng lực cạnh tranh và kết nối nền kinh tế trong nước với nền kinh tế quốc tế qua chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

Theo số liệu mới nhất về tình hình phát triển doanh nghiệp tư nhân, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 27,5% so với năm 2017 (Hình 3). Nếu xét cơ cấu doanh nghiệp theo loại hình trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp nhà nước là 2.486 doanh nghiệp, chiếm 0,44% số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động; số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước là 541.753, chiếm 96,7% và doanh nghiệp FDI có 16.178 doanh nghiệp, chiếm 2,9% (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019). Có thể thấy, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ lấn át trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Hình 3: Số lượng doanh nghiệp phân theo loại hình doanh nghiệp

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019)

Xét về tạo việc làm, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 là 14,51 triệu người; trong đó, lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,2 triệu người, chiếm 8,28%, trong khu vực ngoài nhà nước là 8,8 triệu người, chiếm 60,7% và trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 4,5 triệu người, chiếm 31%.

Đáng lưu ý, trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả số lượng doanh nghiệp và số lượng lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước giảm năm 2017 so với năm trước cho thấy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra. Trong khi số lượng doanh nghiệp và lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm, thì ngược lại số lượng doanh nghiệp và lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI lại tăng. Đây là diễn biến tích cực và thể hiện khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực tạo nhiều công ăn việc làm nhất cho nền kinh tế.

NHỮNG TỒN TẠI TRONG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

(i) Doanh nghiệp tư nhân phát triển đông về số lượng, nhưng yếu về chất lượng

Bảng 1 thể hiện một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cho năm 2017 (năm gần nhất có số liệu), gồm có hiệu suất sử dụng lao động (lần), hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) (%) và hiệu suất sinh lời trên doanh thu thuần (ROS) (%). Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu suất cao nhất, đạt 18 lần, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đạt 15,5 lần và cuối cùng là khu vực doanh nghiệp FDI, đạt 12,3 lần. Đối với hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA), khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt thấp nhất, 1,8%, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu suất cao hơn là 2,2%, trong khi đó khu vực doanh nghiệp FDI có ROA ở mức rất cao, đạt 7%. Còn với hiệu suất sinh lời trên doanh thu thuần (ROS), khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có ROS thấp hơn hẳn so với hai khu vực doanh nghiệp còn lại, chỉ đạt 2,5%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 6,4% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 6,6%. Có thể thấy, khu vực doanh nghiệp tư nhân (trong bài viết này, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước được sử dụng tương đồng nhau) có hiệu suất sử dụng lao động vừa phải so với hai khu vực doanh nghiệp khác, nhưng hiệu suất sử dụng vốn (ROA và ROS) thì thấp hơn rất nhiều.

Bảng 1: Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2017

Hiệu suất sử dụng lao động (Lần)

Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) (%)

Hiệu suất sinh lời trên doanh thu thuần (ROS) (%)

Toàn bộ doanh nghiệp

14,7

2,9

4,2

Khu vực DN nhà nước

18

2,2

6,4

Khu vực DN ngoài nhà nước

15,5

1,8

2,5

Khu vực DN FDI

12,3

7

6,6

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019)

(ii) Quy mô của doanh nghiệp tư nhân vừa nhỏ và siêu nhỏ; trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, hạn chế về vốn

Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh là 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, quy mô doanh nghiệp (đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh) của nền kinh tế nói chung là 46 tỷ đồng/doanh nghiệp. Nguồn vốn khu vực doanh nghiệp nhà nước thu hút đạt 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8% tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh. Quy mô của doanh nghiệp nhà nước là 3,8 nghìn tỷ đồng/doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút 17,5 triệu tỷ đồng, chiếm 53% tổng vốn. Quy mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 32,3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp FDI có vốn là 6 triệu tỷ đồng, chiếm 18,2% và trung bình 371 tỷ đồng/doanh nghiệp. Có thể thấy, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đông về số lượng, sử dụng nhiều lao động nhất, nhưng quy mô vốn lại nhỏ nhất.

Còn về trình độ khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp Việt Nam, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, “hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới. Trong đó, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang” (Hương Giang, 2016).

(iii) Liên kết giữa doanh nghiệp yếu, rời rạc

Bản thân các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã yếu, khả năng kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân và giữa doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn yếu hơn, vì thế phát triển doanh nghiệp tư nhân mang nặng tính manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bán hàng hay cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trực tiếp chỉ 8,4%, còn tỷ lệ xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba vỏn vẹn 7,4% (Quang Lộc, 2019).

(iv) Năng lực tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế

Tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu phản ánh năng lực thực sự của các doanh nghiệp tư nhân. Nếu số doanh nghiệp tham gia nhiều, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao thì có nghĩa năng lực (công nghệ, cạnh tranh) của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tốt; ngược lại nếu số doanh nghiệp tham gia ít và tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thấp thì năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Theo Báo cáo của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện khoảng 21%, thấp hơn khá nhiều so với một số nước trong khu vực ASEAN (Quang Lộc, 2019), chẳng hạn tỷ lệ này tại Thái Lan là 30%, Malaysia 46% (Linh An, 2019). Như vậy, có thể khẳng định năng lực tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn yếu. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân liên quan đến hạn chế của bản thân các doanh nghiệp tư nhân, như: trình độ quản lý, năng lực công nghệ, kỹ năng của người lao động chưa đủ để có thể tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước được ban hành, như: Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 13/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên thực trạng hiện tại của doanh nghiệp tư nhân, vẫn chưa có nhiều thay đổi về chất so với hơn 10 năm trước. Quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ, khó tiếp cận đến vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp. Vì sự yếu kém của bản thân nội tại doanh nghiệp tư nhân nên khả năng liên kết, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu còn hạn chế cho dù Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu trong 2 thập kỷ qua thông qua hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và khu vực.

Để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra. Việc có những ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI sẽ là bất bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân.

Thứ hai, giảm thiểu chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp tư nhân, vì đây là khoản chi phí tương đối lớn nếu so với doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân và phần lớn doanh nghiệp tư nhân phải gánh chịu chi phí không chính thức từ các cơ quan quản lý (Nguyễn Hồng Sơn, 2018).

Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực tư nhân có thể làm được và doanh nghiệp nhà nước chỉ giới hạn trong phạm vi các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia (khái niệm này rất mập mờ và có thể được sử dụng để biện hộ cho sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều lĩnh vực) và một số lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân chưa thể tham gia (hiện nay lĩnh vực tư nhân không thể tham gia cũng đang bị thu hẹp rất nhanh vì tiềm lực của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân là rất lớn, họ có thể xây dựng các công trình và triển khai thực hiện nhiều dự án lớn mà trước đây có thể không làm được)./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Sách trắng: doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, Nhà xuất bản Thống kê

2. Linh An (2019). Để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Truy cập tại http://consosukien.vn/de-doanh-nghiep-vua-va-nho-tham-gia-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau.htm

3. Quang Lộc (2019). Phát triển doanh nghiệp tư nhân: 2 định hướng chính sách, Truy cập tại http://congthuong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-tu-nhan-2-dinh-huong-chinh-sach-117770.html

4. Hương Giang (2016). Công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam: Lạc hậu hàng chục năm, Truy cập ngày 25/10/2019 theo địa chỉ đường dẫn https://enternews.vn/cong-nghe-cua-doanh-nghiep-viet-nam-lac-hau-hang-chuc-nam-99190.html

5. Nguyễn Hồng Sơn (2018). Phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam: Những rào cản và giải pháp khắc phục, Truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-nhung-rao-can-va-giai-phap-khac-phuc-135561.html

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư