Tận dụng công nghệ kỹ thuật số để phục hồi hậu COVID-19

13:42 | 18/02/2021 Print
- Đó là một trong những khuyến nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các nền kinh tế châu Á và Thái Bình Dương trong một báo cáo vừa công bố mới đây.

Việc tăng cường chuyển đổi số có khả năng thúc đẩy sản lượng toàn cầu, thương mại và việc làm

Ấn phẩm hàng đầu của ADB, Báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á 2021, xem xét tiến bộ của khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong hợp tác và hội nhập khu vực, đồng thời đánh giá tác động ban đầu của đại dịch đối với thương mại, đầu tư xuyên biên giới, hội nhập tài chính và sự di chuyển của con người. Ấn bản mới nhất này có một chương chủ đề đặc biệt về vai trò và tiềm năng của các công nghệ kỹ thuật số trong việc đóng góp vào phát triển đồng đều và bền vững, cách thức công nghệ kỹ thuật số có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch ở khu vực, và những phương cách để tăng tốc chuyển đổi số trong khi quản lý nguy cơ hiệu quả.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, chia sẻ: “Các quốc gia ở châu Á và Thái Bình Dương đã tận dụng tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và kỹ thuật số để phục hồi và tái kết nối với nền kinh tế toàn cầu trong đại dịch. Công nghệ đang giúp tạo dựng những mối liên kết toàn cầu mới, mang đến những cơ hội kinh tế vô cùng to lớn, song cũng tạo ra những thách thức và nguy cơ mới. Cần phải triển khai các chính sách và quy định để quản lý sự gián đoạn và tối ưu hóa lợi ích từ nền kinh tế số đang bùng nổ và duy trì những thành quả này thông qua tăng cường hợp tác khu vực”.

Trong năm 2019, doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng của các nền tảng kỹ thuật số đã đạt 3,8 nghìn tỉ USD trên toàn cầu, trong đó châu Á và Thái Bình Dương chiếm khoảng 1,8 nghìn tỉ USD, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực. Những con số này được kỳ vọng gia tăng đáng kể trong năm 2020 khi ngày càng nhiều giao dịch kinh doanh - dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và thương mại điện tử - chuyển sang không gian số trong bối cảnh những hạn chế được áp đặt để giảm sự lây lan của COVID-19.

Việc tăng cường chuyển đổi số có khả năng thúc đẩy sản lượng toàn cầu, thương mại và việc làm. Theo báo cáo, mức tăng 20% quy mô của lĩnh vực số hóa toàn cầu có thể giúp tăng sản lượng toàn cầu trung bình 4,3 nghìn tỉ USD mỗi năm từ năm 2021 tới 2025. Tương tự, châu Á và Thái Bình Dương sẽ thu được lợi nhuận kinh tế tới hơn 1,7 nghìn tỉ USD mỗi năm, hoặc hơn 8,6 nghìn tỉ USD trong giai đoạn 5 năm 2021-2025. Sẽ có khoảng 65 triệu việc làm mới được tạo ra hằng năm ở khu vực châu Á và Thái Bình cho tới năm 2025 nhờ gia tăng sử dụng các công nghệ số hóa, với thương mại của khu vực cũng được kỳ vọng đạt mức tăng 1 nghìn tỉ USD mỗi năm trong năm năm tới.

Báo cáo khuyến nghị, các chính phủ trong khu vực có thể tận dụng và thu được lợi ích từ nền kinh tế số đang nổi lên thông qua những chính sách và cải cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối kỹ thuật số, cũng như khả năng tiếp cận chúng. Các bước đi này bao gồm thúc đẩy cạnh tranh công bằng và cải thiện quy trình tạo thuận lợi cho kinh doanh, cũng như tăng cường các biện pháp an toàn lao động và bảo vệ xã hội để phù hợp với việc làm kỹ thuật số. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào an ninh và bảo mật dữ liệu, thuế, quan hệ đối tác giữa các thể chế nhà nước và tư nhân, hợp tác khu vực./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư