e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Chính phủ Pháp đưa ra chính sách cắt giảm mới

23:11 | 12/06/2014 Print
- Tổng thống Pháp François Hollande cam kết sẽ giảm chi phí kinh doanh và hạn chế mua sắm công, đưa ra quy định cắt giảm mới bất chấp sức ép thay đổi quy định của nội bộ Đảng Xã hội.

Ông Hollande đang thực hiện yêu cầu của EU nhằm đáp ứng mục tiêu thâm hụt ngân sách bị trì hoãn của Pháp, trong khi tìm cách thúc đẩy nền kinh tế trì trệ bằng cách giảm bớt gánh nặng thuế ở mức cao đối với doanh nghiệp và hộ sản xuất – nhóm người liên tục biểu tình yêu cầu thay đổi chính sách.

Trong một ngân sách bổ sung công bố hôm qua 11/6, Chính phủ đã tăng thêm 4 tỷ Euro đối với khoản hạn chế mua sắm công trong tổng số 14 tỷ Euro đã được lập ra trong năm nay nhằm mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2014 đạt 3,8% trên tổng sản lượng quốc gia. Chính phủ cũng nhắc lại cam kết giảm mức thâm hụt xuống còn 3% trong năm tới.

Ngân sách bổ sung là bước đầu tiên trong việc triển khai các quy định trong những tháng tới trong “Hiệp ước trách nhiệm” - kế hoạch khôi phục nền kinh tế đầu tiên vạch ra từ tháng Giêng của Hollande. Hiệp ước bao gồm hơn 40 tỷ Euro trong việc giảm thuế, chủ yếu là cho các doanh nghiệp, và hơn 30 tỷ Euro trong cắt giảm mua sắm công, tất cả sẽ được thực hiện trong 3 năm nhiệm kỳ Tổng thống còn lại.

Các biện pháp ngày 11/6 cũng bao gồm 6,5 tỷ Euro giảm thuế cho các doanh nghiệp trong hai năm tới và 3,6 tỷ Euro cho các khoản thu cá nhân mà chính phủ cho biết sẽ có lợi cho 3,7 triệu hộ sản xuất tại Pháp.

Hàng trăm thành viên Đảng Xã hội đã chỉ trích các chương trình giảm thâm hụt của EU là "quá tàn bạo" và kêu gọi cắt giảm thuế quá nhiều. Tuy nhiên, ông Hollande lập luận rằng, chính sách ông đưa ra là cần thiết để kích thích sự tăng trưởng.

Tốc độ phục hồi ở Pháp đã tụt lại phía sau các nền kinh tế châu Âu hàng đầu khác, đặc biệt là Đức, Anh và Tây Ban Nha. Tăng trưởng bị đình trệ trong quý đầu tiên và dự kiến ​​sẽ chỉ đạt 0,2% trong II, theo dự báo của Ngân hàng Pháp.

Gần đây, Ủy ban châu Âu đã nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng của Pháp và khả năng đáp ứng mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm tới. Sự phục hồi chậm chạp này càng gây áp lực lên chính phủ Hollande để đẩy mạnh tốc độ cải cách.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tác động của “Hiệp ước trách nhiệm” và động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm kích thích tăng trưởng khu vực đồng Euro sẽ đem lại kết quả tăng trưởng cao hơn cho chính phủ Pháp./.

Dịch từ: http://www.ft.com/intl/cms/s/7e641ab2-f156-11e3-9fb0-00144feabdc0,Authorised=false.html?_i_location=http%3A%2F%2Fwww.ft.com%2Fcms%2Fs%2F0%2F7e641ab2-f156-11e3-9fb0-00144feabdc0.html%3Fsiteedition%3Dintl&siteedition=intl&_i_referer=http%3A%2F%2Fwww.ft.com%2Fintl%2Fglobal-economy#axzz34PELjBfI

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư