e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

Đàm phán TPP tại Hawaii: Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

16:43 | 31/07/2015 Print
- Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã bước vào ngày đàm phán thứ 3 tại Hawaii, Mỹ với nhiều vấn đề căng thẳng và chưa tìm được tiếng nói chung.

Vẫn tồn tại bất đồng về việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Mỹ rút lại đề nghị mở cửa thị trường bơ sữa, dù trước đó đã từng ngỏ ý sẵn sàng mở cửa cho các sản phẩm bơ sữa đến từ Australia. Lý do vì sức ép lớn từ chính nội bộ Mỹ khi cho rằng bất kỳ nhượng bộ nào phải được đổi lại một cách tương xứng bằng những nhượng bộ từ Nhật Bản và Canada. Mà Canada không chấp thuận đề nghị mở cửa thị trường sữa ở mức mà Mỹ yêu cầu.

Một yếu tố khác làm phức tạp thêm tình hình đàm phán là đến lúc này, Canada và Nhật Bản tiếp tục bất đồng lớn về vấn đề thuế quan.

Trong lĩnh vực bản quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề gai góc nhất là về thời hạn bảo hộ bản quyền sản phẩm thuốc y tế hữu cơ. Nhưng đến giờ vẫn chưa có thông tin chính xác nào về khả năng nhượng bộ của các bên trong vấn đề này.

Giới phân tích cũng cảnh báo một số quốc gia đàm phán TPP quá cứng nhắc và không vì lợi ích chung có thể sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian đàm phán TPP. Thậm chí có thể TPP sẽ phải để một số nước ra ngoài.

Tuy rằng vẫn còn một số vấn đề mang tính kỹ thuật giữa một số nước trong TPP, nhưng rõ ràng đây chỉ là số ít bởi đa số các nước đàm phán TPP đều đã tìm được tiếng nói chung. Cần nhắc lại là trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào, nếu không biết “cho đi” thì sẽ không thể “nhận lại”. Vì vậy, một sự mềm dẻo và “biết người, biết ta” của các Bộ trưởng trong vòng đàm phán sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của vòng đàm phán quyết định này.

Bộ trưởng Thương mại Australia đã cảnh báo, nếu vòng đàm phán TPP trong tuần này thất bại, thì nó sẽ làm trì hoãn một thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương trong vài năm vì các cuộc bầu cử tại Mỹ và Canada. Do đó, vòng đàm phán tại Hawaii lần này rất quan trọng. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để 12 nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư