e-ISSN: 2734-9365

Trang chủ/Quốc tế

ECB hạ dự báo tăng trưởng và lạm phát khu vực Eurozone

14:09 | 04/09/2015 Print
- Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây đã hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát khu vực Eurozone giai đoạn 2015-2017.

Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối sẽ tăng ở mức 1,4% trong năm 2015 so với dự báo 1,5% trước đó; năm 2016 là 1,7% so với 1,9% và năm 2017 sẽ tăng 1,7% thay vì 2%. Tỷ lệ lạm phát trong khối của cả năm nay cũng giảm còn 0,1% so với dự báo 0,3% trước đó; năm 2016 là 1,1% so với 1,5% và năm 2017 giảm từ 1,8% xuống 1,7%.

Chủ tịch ECB Mario Draghi còn cảnh báo, lạm phát ở Eurozone có thể sẽ giảm xuống mức âm trong những tháng tới đây, song chỉ mang tính ngắn hạn.

Theo Chủ tịch ECB, việc hạ mức dự báo trên là do nhu cầu bên ngoài giảm sút. Ngoài ra, tăng trưởng chậm lại ở các thị trường đang phát triển cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Eurozone. Tăng trưởng kinh tế của Eurozone chậm lại phản ánh việc Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai khu vực - không tăng trưởng trong quý 2, sau khi tăng 0,7% trong quý 1.

Nhà phân tích Jenifer McKeown cho rằng kinh tế khu vực sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong nửa cuối năm nay khi sự hỗ trợ mang tính tạm thời của một đồng Euro yếu và giá dầu giảm sẽ yếu dần và thực tế này cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ cần phải duy trì và có thể là kéo dài chính sách hỗ trợ.

ECB đã cam kết bơm hơn 1.000 tỷ Euro (1.100 tỷ USD) vào nền kinh tế khu vực cho đến tháng 9/2016 để thúc đẩy nhu cầu và tín dụng. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở Eurozone không thay đổi nhiều, với tỷ lệ lạm phát tháng Bảy vẫn là 0,2% và tỷ lệ thất nghiệp tháng Sáu cũng ổn định.

Nhiều chuyên gia cho rằng ECB sẽ hạ thấp dự báo về tỷ lệ lạm phát, trong bối cảnh giá dầu lao dốc và kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc. Nếu tình hình xấu đi, ECB có thể tăng quy mô chương trình mua trái phiếu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn dự kiến ECB sẽ giữ nguyên tỷ lệ lãi suất. Mặc dù rất có khả năng sẽ không đạt được mục tiêu về lạm phát trong trung hạn, song hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để ECB hành động.

Hồi tháng 3, ECB đã khởi động chương trình mua trái phiếu trị giá 60 tỷ Euro (gần 68 tỷ USD)/tháng nhằm góp phần hỗ trợ kinh tế và tăng giá tiêu dùng để đẩy lùi lạm phát. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp khó khăn khi nhiều mặt hàng giảm giá. Giá dầu đã giảm 35% kể từ tháng 5, giá quặng sắt cũng gần mức thấp kỷ lục./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư