Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 2/11-8/11

07:49 | 08/11/2015 Print
- Kinh tế thế giới tuần qua khá u ám bởi đón nhận nhiều thông tin không mấy khả quan, như: giá thị trường dầu mỏ giảm sâu, Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, các nền kinh tế Trung Á và Đông Nam Âu đang tăng trưởng chậm lại...

Thị trường dầu mỏ giảm giá tuần thứ 3 liên tiếp trong một tháng

Thị trường dầu mỏ tiếp tục chứng kiến tuần giảm giá thứ ba liên tiếp, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong năm nay sau khi Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo thị trường việc làm tháng 10 khá lạc quan.

Ngay từ đầu tuần (ngày 2/11), giá dầu đã giảm sâu sau khi thị trường nhận được thông tin về tình trạng sa sút của ngành chế tạo Trung Quốc và sản lượng dầu của Nga ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 10 tiếp tục sa sút trong tháng thứ ba liên tiếp. Trong khi theo Bloomberg News, sản lượng khai thác dầu của Nga phá kỷ lục vào tháng 10, tăng lên 10,78 triệu thùng/ngày.

Theo đánh giá của nhà chính trị học Iran Mosayeb Na'imi, Tổng biên tập tờ báo "Al-Vafag" trên tờ Sputnik thì, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm giá dầu thế giới. Tổ chức khủng bố này nhận được khoảng 50 triệu USD một tháng từ việc bán dầu.

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Á và Đông Nam Âu sẽ ​​chậm lại

Dự báo kinh tế mới nhất được Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) công bố ngày 06/11 cho biết tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Á sẽ chậm lại trong năm 2015, dự kiến chỉ đạt trung bình 3,8% và nhích lên 3,9% vào năm 2016, giảm mạnh so với mức tăng trưởng thực tế 6% năm 2014.

Theo EBRD, hai yếu tố chính cản trở sự tăng trưởng là suy thoái kinh tế tại Nga và giá hàng hóa thấp. Kinh tế Nga được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 1,2% năm 2016.

EBRD cho biết tại khu vực Trung Á, tăng trưởng kinh tế ở Kazakhstan dự kiến đạt 1,2% và phục hồi lên 1,5% trong năm 2016.

Tại khu vực Đông Nam Âu, EBRD dự báo năm 2015 sẽ là năm thứ 5 liên tiếp các nước trong khu vực phải đối mặt với chiều hướng tăng trưởng chậm.

Ngân hàng này cũng cảnh báo nhiều khó khăn đối với Hy Lạp và Ukraine, khi tăng trưởng kinh tế của Ukraine ước tính giảm 11,5% trong năm 2015 và GDP của Hy Lạp giảm 2,4% vào năm 2016.

Người dân Nga mua sắm tại siêu thị

Ngân hàng lớn thứ hai của Pháp sẽ đóng cửa 400 chi nhánh

Societe Generale, ngân hàng lớn thứ hai của Pháp, vừa công bố kế hoạch trong vòng 5 năm tới sẽ đóng cửa 400 chi nhánh và cắt giảm khoảng 2.000 việc làm trong bối cảnh khách hàng ngày càng chuyển dần sang sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Frederic Oudea, Giám đốc điều hành Societe Generale, cho biết ngân hàng này hy vọng kế hoạch lớn nói trên sẽ đạt được khi nhân viên nghỉ hưu hoặc tự nguyện nghỉ việc.

Trong bối cảnh lượng khách hàng giao dịch tại các chi nhánh giảm sút, từ 57% trong năm 2007 xuống 42% trong năm 2012, Societe Generale đã dần chuyển hướng sang dịch vụ ngân hàng trực tuyến bởi khách hàng có xu hướng liên hệ tư vấn qua email.
Trước đó, Societe Generale thông báo lợi nhuận ròng trong quý 3 đã tăng 28% lên 1,1 tỷ Euro./.

Ngân hàng Trung ương Anh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Ngân hàng trung ương Anh (BoE), ngày 05/11, điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của “xứ sở sương mù” trong năm nay và năm tới, đồng thời đẩy lui thời điểm tăng lãi suất sang nửa đầu năm 2017, thay vì giữa năm 2016.

Theo BoE, kinh tế Vương quốc Anh sẽ chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 2,5% trong năm tới, thấp hơn mức dự đoán đưa ra hồi tháng Tám lần lượt ở mức 2,8% và 2,7%. BoE đưa ra nhận định trên sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%.

Lý giải cho việc điều chỉnh nói trên, theo BoE là do kể từ tháng 08, kinh tế toàn cầu đã yếu đi trông thấy. Các nền kinh tế mới nổi cũng đồng loạt giảm tốc đáng kể. Về phần Trung Quốc, BoE cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc mạnh sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Anh thông qua một số “kênh” như thương mại và tài chính./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư