Khả năng Fed sẽ tăng lãi suất điều hòa vốn trong tháng 12/2015?

10:02 | 29/10/2015 Print
- Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, sau khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa thay đổi chính sách lãi suất và gợi mở khả năng tăng lãi suất cơ sở (lãi suất điều hòa vốn) tại cuộc họp tháng 12 tới.

Sau khi kết thúc cuộc họp 2 ngày, Fed cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng, cả về thực tế lẫn kỳ vọng, về triển vọng thị trường việc làm và lạm phát tại cuộc họp cuối cùng của năm 2015 (diễn ra ngày 15-16/12), đồng thời chú ý đến diễn biến tình hình kinh tế tài chính toàn cầu để xem xét sẽ thắt chặt tiền tệ tại cuộc họp này hay không.

“Fed rõ ràng cho biết kế hoạch mặc định là tăng lãi suất vào tháng 12,” Dean Maki, nhà kinh tế chủ chốt tại Point Asset Management ở Stamford, Connecticut đánh giá.

Sau kết quả cuộc họp, chứng khoán, giá năng lượng và chỉ số USD tăng mạnh, trong khi nhiều đồng tiền chính mất giá so với USD và giá vàng giảm sâu.

Tỷ giá EURUSD giảm xuống mức 1.0906 là mức thấp nhất kể từ ngày 07/8/2015. Tỷ giá USDJPY tăng lên 120,68 và chỉ số USD tăng vọt lên mức 97,61 điểm, sau khi giảm vào đầu ngày hôm qua.

“Tôi cho rằng hầu hết thị trường nghĩ Fed sẽ gợi mở ý định duy trì lãi suất cho đến năm tới. Nhưng Fed đã không làm như vậy,” Colin Cieszynski, nhà chiến lược tiền tệ tại CMC Markets nhận định.

Động thái tăng lãi suất gần nhất của Fed cách đây 9 năm, vào năm 2006.

Hợp đồng lãi suất Fed tương lai phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về thời điểm Fed tăng lãi suất cơ bản cho biết khả năng 42,6% Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12, so với mức 33,2% hôm thứ Ba tuần này.

Hiện tại, Fed đang tìm các cứ liệu vững chắc của nền kinh tế để thắt chặt tiền tệ, trong khi đó, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (BPOC)

Quan điểm của Fed trái ngược hoàn toàn với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) với khả năng mở rộng gói kích thích kinh tế tại cuộc họp tháng 12. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến cho đồng USD tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới.

Đồng USD tăng giá sẽ gây áp lực giảm giá cho hàng hóa và có thể khiến kích hoạt sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư tại các thị trường mới nổi.

Trúc Gia – Trần Hoàng Dũng

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư