Trung Quốc công bố nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong năm 2016

22:26 | 15/12/2015 Print
- Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải cách và mở cửa, kiên trì với đường lối chung là "theo đuổi phát triển trong khi duy trì ổn định và thúc đẩy cải thiện năng suất".

Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 14/12 đã công bố các nhiệm vụ kinh tế chính trong năm 2016 - năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ tọa, nêu rõ nhằm làm giảm lượng nhà tồn, những người lao động nông thôn nhập cư sẽ được cấp phép cư trú thành thị, cho phép họ mua nhà ở thành phố.

Tuyên bố cho rằng Trung Quốc cần tăng tỷ lệ thành thị hóa - vốn dựa trên số lượng cư dân thành thị đã đăng ký. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ cư dân thành thị đã đăng ký trên tổng số dân là 35,9% và Trung Quốc đã đề ra kế hoạch nâng tỷ lệ này lên 45% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ phải nâng cao chất lượng sống của các thành phố, điều chỉnh quy mô các thành phố, cải thiện cơ sở hạ tầng thành thị và bảo vệ các di sản văn hóa và lịch sử và chính phủ cũng cần thúc đẩy quy hoạch và quản lý đô thị.

Cũng theo tuyên bố, trong năm 2016, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đổi mới các doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính trong đó có giảm các chi phí giao dịch, thuế, phí bảo hiểm xã hội. Chính phủ sẽ cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách khuyến khích liên doanh, tái cơ cấu và trong một số trường hợp doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản. Đồng thời, ngăn chặn và loại bỏ các rủi ro tài chính mang tính khu vực và hệ thống, tiếp tục dành ưu tiên đối với an ninh xã hội, tài chính, thuế, thủ tục hành chính và cải tổ các công ty nhà nước.

Tuyên bố nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc cần đảm bảo chất lượng sống cơ bản cho người dân trong khi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích các công ty nước ngoài sẽ giúp hợp tác với các nước và thúc đẩy môi trường đầu tư trong nước.

Trong năm 2016, Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ tăng trưởng kinh tế ở mức thích hợp. Trong khi thúc đẩy nhu cầu nội địa, Bắc Kinh cần nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn cung. Chính phủ cần chú ý nâng cao đầu tư hiệu quả, nghiên cứu các động lực phát triển mới và củng cố sức cạnh tranh của các lĩnh vực truyền thống.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) đã chấp nhận Trung Quốc trở thành một thành viên, qua đó trao cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cơ hội các lộ trình đầu tư vào châu Âu, châu Phi và Trung Đông.

Được thành lập năm 1991 để trợ giúp cho các quốc gia mới nổi ở Đông và Trung Âu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, EBRD hiện giám sát các dự án phát triển tại 36 quốc gia, trong đó có cả ở Trung Á, vươn xa tới tận Mông Cổ./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư