Dự báo thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng trong năm 2016

16:41 | 19/01/2016 Print
- Sau khi giá dầu mỏ sụt giảm mạnh hôm 18/1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã dự báo "một quá trình tái cân bằng" sẽ bắt đầu trong năm 2016 này.

Nếu dự báo chính xác, điều này đồng nghĩa với việc chiến lược duy trì sản lượng dầu của OPEC để bảo vệ thị phần của mình đã thành công bất chấp giá dầu rơi xuống mức dưới 30 USD/thùng, từ mức 100 USD/thùng năm 2014.

Theo báo cáo hàng tháng của OPEC, các phân tích cho thấy, trong năm 2016, mức cung sẽ chi phối thị trường và đánh dấu năm bắt đầu quá trình tái cân bằng của thị trường dầu mỏ thế giới. Sau 7 năm tăng liên tục sản lượng, năm 2016 này sẽ chứng kiến việc các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ngoài OPEC giảm sản lượng do những tác động của cắt giảm đầu tư.

Dự kiến, sản lượng của các nước ngoài OPEC trong 6 tháng tới sẽ bị ảnh hưởng mạnh từ giá dầu thấp kéo dài với mức giảm từ 270.000-660.000 thùng/ngày, xuống còn khoảng 56,21 triệu thùng/ngày. OPEC cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức 94,17 triệu thùng/ngày.

Giá dầu mỏ đã giảm xuống mức dưới 28 USD/thùng trong ngày 18/1 do xuất hiện nhiều lo ngại tình trạng dư thừa nguồn cung "vàng đen" ngày càng trầm trọng. Việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Iran hôm 17/1 đã làm tăng thêm nguy cơ khiến tình trạng cung vượt quá cầu thêm trầm trọng, đẩy giá dầu xuống đáy mới. Theo giới phân tích, thị trường dầu khí thế giới có khả năng sẽ tiếp nhận thêm khoảng từ 500.000 đến 1 triệu thùng dầu mỗi ngày đến từ Iran vào thời điểm đầu năm, sau khi nước này được gỡ bỏ các rào cản.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sự trở lại của dầu thô Iran sẽ không thể ảnh hưởng lâu dài đến giá dầu thế giới. Vasu Menon, nhà chiến lược đầu tư, Phó Giám đốc Ngân hàng OCBC Singapore nhận định: “Iran từng là một nhà xuất khẩu dầu thô lớn và giờ các lệnh cấm vận đã được gỡ bỏ, họ có thể tăng lượng dầu xuất khẩu, và khiến cho tình trạng cung vượt quá cầu trầm trọng hơn”.

Ông cũng cho rằng: “Điều này sẽ chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đối với giá dầu thế giới”.

Một trong những lý do mà các nhà phân tích đi đến kết luận này là sự khó khăn mà Iran sẽ phải đối mặt nếu muốn tăng sản lượng dầu mỏ dựa trên cơ sở bền vững, trong khi giá dầu hiện nay lại quá thấp.

“Thêm 500.000 thùng dầu/ngày là điều mà Iran có thể làm được nhờ các giếng dầu đã được phát triển từ trước nhưng chưa được tận dụng triệt để. Ngoài ra có khả năng họ còn có lượng dầu thô dự trữ lớn từ trước đây và sẽ tung ra thị trường trong thời gian tới” - nhà phân tích của Hãng Philip Futures Daniel Ang nhận định.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang bấp bênh ở mức 30 USD/thùng ở thời điểm hiện nay có thể khiến mức lợi nhuận thu về của Iran bị vắt kiệt, khiến cho nước này không thể duy trì được mức xuất khẩu đó nếu họ áp dụng trường kỳ. Thêm vào đó, lượng cầu về dầu thô cũng thấp cùng khả năng giá dầu giảm sâu hơn có thể khiến Iran gặp khó khăn.

“Trong bối cảnh mà nguồn dầu dự trữ trên toàn thế giới còn đang ở mức cao, sẽ không có nhiều đơn hàng đối với dầu khí của Iran, và chúng tôi không tin rằng Iran muốn giá dầu giảm sâu hơn nữa. Thêm vào đó, việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đã cho phép nước này tiếp cận được khối tài sản đã bị đóng băng trước đó, nên họ không cần thiết phải bán tháo lượng dầu tồn kho ở mức giá rẻ” - Julian Jessop, chuyên gia phân tích của Hãng Capital Economics cho biết./.

Trang Trần

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư