Anh đối mặt với khó khăn hiện rõ sau hơn 1 năm diễn ra Brexit

17:17 | 05/12/2017 Print
- Thế giới đã chứng kiến những ảnh hưởng tiêu cực mà Brexit tác động đến nền kinh tế Anh. Người dân Anh lúc bỏ phiếu đã không hiểu rằng chia tay với EU lại gây ra nhiều khó khăn đến thế.

Từ nghi ngờ đến “xin chia tay”

EU là đối tác thương mại lớn nhất của nước Anh, chiếm gần 44% sản lượng xuất khẩu và 53% sản lượng nhập khẩu của nước này trong năm 2015. Đồng thời, hơn 3 triệu việc làm tại Anh có liên quan tới hoạt động xuất sang thị trường EU. Không những thế, EU còn là nhà đầu tư lớn của Anh. Năm 2014, các nước EU đã đóng góp 496 tỷ Bảng, tương đương 48% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Anh.

Anh là quốc gia đóng góp lớn vào ngân sách của EU. Năm 2015, khoảng 8,5 tỷ Bảng đã được Anh đóng góp, chiếm 12,57% ngân sách EU, chỉ sau Pháp và Đức. Song người dân Anh lại cho rằng các khoản đóng góp hằng năm của Anh cho EU là một gánh nặng đối với nước này. Họ cho rằng những đạo luật khắt khe của EU đã tiêu tốn một núi tiền mỗi năm. Một nghiên cứu của Open Europe đã ước tính, top 10 đạo luật “gây phiền hà nhất” của EU làm Anh tiêu tốn khoảng 33,3 tỷ Bảng/năm.

Chính vì vậy, nhiều người Anh đã nghi ngờ về mối quan hệ giữa Anh và EU. Liệu tiếp tục là một phần của EU có thực sự đem lại lợi ích với Anh? Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6/2016 đã chính thức khép lại những hoài nghi về một EU thống nhất. 52% người dân Anh đã quyết định rời khỏi EU, so với số phiếu ở lại 48%.

Những ảnh hưởng bắt đầu

Chỉ sau một tuần kể từ cuộc trưng cầu dân ý, đồng Bảng Anh mất đi 12% giá trị của nó, giảm đáng kể so với đồng USD và đạt mức thấp kỷ lục trong hơn 30 năm qua. Các tổ chức xếp hạng tín dụng như Fitch và S&P hạ cấp tín dụng của Anh, đồng nghĩa với việc họ tin rằng cho chính phủ Anh vay tiền không còn an toàn như trước kia.

Chỉ số FTSE 250 đã giảm 10% kể từ sau cuộc trưng cầu. Cổ phiếu của các ngân hàng như Lloys, Barclays và Royal Bank ở Scotland đã giảm mạnh ở mức là 21%, 20% và 18%. Theo các chuyên gia tính toán, kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, thâm hụt nước Anh đã lên đến 935 tỷ Bảng. Điều này đã gâp áp lực mạnh lên giá trị cổ tức các doanh nghiệp trả cho cổ đông, cũng như giảm khả năng tăng lương và thuê thêm công nhân của các doanh nghiệp nước này.

Bên cạnh đó, có một số dự án đầu tư tại Anh cũng phải chịu ảnh hưởng của Brexit. Cụ thể, Chính phủ Anh tạm ngừng việc xây dựng một đường băng mới ở sân bay Heathrow. Các chuyên gia cũng lo ngại cho công trình nhà máy điện hạt nhân ở Sornerset và dự án đường sắt cao tốc ở phía Bắc nước Anh.

Không chỉ ảnh hưởng ở thị trường tài chính, đầu tư, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Một trong những ngành đáng chú ý là thủy sản. Cụ thể, Anh xuất khẩu cá hồi, cá thu, tôm hùm, tôm sú nước lạnh, còn nhập khẩu chủ yếu cá tuyết, cá ngừ, sò điệp, tôm sú và cua để phục vụ thị trường nội địa vì nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ. Khoảng 70% giá trị thuỷ sản tiêu thụ trên thị trường Anh được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đánh bắt bởi các tàu nước ngoài.

Hàng năm, sản lượng xuất khẩu thuỷ sản của Anh vào khoảng 500.000 tấn, trị giá khoảng 1,5 tỷ Bảng Anh. Các thị trường xuất khẩu chính lại là trong EU, như: Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hoà Ireland, Italia, Hà Lan và Đức. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thuỷ sản của Anh với sản lượng khoảng 650.000 tấn/năm, trị giá gần 2,5 tỷ Bảng.

Sự mất giá của đồng Bảng khiến giá nhập khẩu tăng cao. Trích tờ Institute of Grocery & Distribution, nhà phân tích của Seafish chia sẻ, giá bán lẻ thuỷ sản trung bình tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo nghiên cứu của Brand View do The Grocer, giá của 113 sản phẩm cá hồi ở tất cả các cửa hàng lớn ở Anh tăng trung bình 12% so với năm ngoái.

Ảnh hưởng đó khiến thị trường thuỷ sản nội địa ảm đạm. Trong 3 tháng tính đến ngày 16/7/2017, lượng tiêu thụ cá ướp lạnh tại Anh giảm đáng kể. Theo dữ liệu của Kantar, doanh số bán cá ướp lạnh giảm 1,1% so với cùng kì năm ngoái, xuống còn 36.200 tấn.

Khi Brexit chính thức có hiệu lực, khó khăn chắc chắn còn tăng cao. Bởi về nguyên tắc, các nước thành viên EU có quyền thâm nhập vào các thị trường đơn lẻ trong khối, được miễn thuế xuất-nhập khẩu và tự do thương mại. Song nếu đã rời khỏi EU, Anh cần phải đàm phán các giao dịch thương mại mới. Nếu đàm phán không thành công, Anh và EU đều gặp khó khăn lớn trong ngành thuỷ sản. Theo đó, giá các sản phẩm thuỷ sản tăng cao khi phải chịu thuế suất, trong khi ngành thuỷ sản nước này phụ thuộc quá nhiều vào sản lượng từ EU./.

Nguồn tham khảo:

1. http://www.seafish.org/research-economics/uk-seafood-industry-overview
2. https://visual.ons.gov.uk/uk-perspectives-2016-trade-with-the-eu-and-beyond/
3. https://www.undercurrentnews.com/2017/08/02/uk-chilled-fish-sales-slide-as-inflation-sees-promotions-drop-prices-rise/
4. http://www.dailymail.co.uk/news/article-4594298/Salmon-prices-jump-83-one-year-disease.html

Mai Hương

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư