Khu thương mại tự do thí điểm Hải Nam – Kế hoạch đối trọng Mỹ của Trung Quốc

22:38 | 24/05/2018 Print
- Kế hoạch phát triển Hải Nam của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực lập nên những liên minh với các quốc gia tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Úc và Ấn Độ.

Xây dựng vành đai kinh tế vững chắc

Ngày 13/4/2018, tại cuộc mít tinh kỷ niệm 30 năm thành lập đặc khu kinh tế Hải Nam, Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trịnh trọng tuyên bố, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ủng hộ toàn đảo Hải Nam xây dựng khu thí điểm thương mại tự do, ủng hộ tỉnh Hải Nam từng bước tìm kiếm, thúc đẩy vững chắc xây dựng cảng thương mại tự do, từng bước xây dựng chính sách và hệ thống chế độ cảng thương mại tự do theo giai đoạn. Đây là quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tầm ngắm vào đại cục phát triển quốc tế và trong nước, là biện pháp quan trọng làm nổi bật quyết tâm mở rộng mở cửa đối ngoại, tích cực thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế của Trung Quốc.

Đến ngày 13/5 vừa qua, Hội nghị toàn thể lần thứ 4 Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam khoá 7 đã chính thức xác lập kế hoạch đưa đảo Hải Nam thành Khu thương mại tự do thí điểm vào năm 2020.

Hải Nam là đảo lớn nhất ở phía Nam và nằm dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Trung Quốc. Từ ngày 1/10/1984, đảo Hải Nam hoàn toàn tách khỏi tỉnh Quảng Đông và năm 1988 trở thành đặc khu kinh tế.

Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam khoá 7 đặt kế hoạch đưa đảo Hải Nam thành Khu thương mại tự do thí điểm vào năm 2020

Sau 30 năm, Trung Quốc muốn đưa Hải Nam thành khu thương mại tự do, thể hiện tham vọng đẩy mạnh nền kinh tế và tạo ra một sân sau lớn mạnh của Bắc Kinh và Thượng Hải tại phía Nam của Trung Quốc. Là đặc khu kinh tế, Hải Nam có không gian kinh tế - hành chính tương đối riêng biệt, được vận hành bởi khung pháp lý riêng, linh hoạt và một môi trường đầu tư, kinh doanh thích hợp cho hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường, hướng ngoại đầy đủ và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nhưng một khi trở thành khu thương mại tự do, Hải Nam sẽ phải thực sự “mở” với các quy định khác biệt nhằm giảm hoặc xoá bỏ các ràng buộc về thuế quan và quy định của chính quyền Trung Quốc, đồng thời đi sâu vào mở cửa đối ngoại ngành công nghiệp hiện đại...

Bắc Kinh cho biết, việc xây dựng Hải Nam thành một cửa ngõ quan trọng cho các nước thuộc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đến với Trung Quốc là phù hợp với "xung hướng toàn cầu hóa kinh tế mới".

Hòn đảo có diện tích gấp 30 lần Hong Kong này sẽ được phép phát triển năng lực công nghệ thông tin, định vị vệ tinh, trí thông minh nhân tạo, chăm sóc y tế và nghiên cứu biển sâu.

Nơi này sẽ trở thành trụ sở cho các trung tâm cải tiến ngoài khơi, cũng như trao đổi năng lượng, vận tải, mua bán phát thải carbon và hàng hóa. Bắc Kinh cũng sẽ cho phép mở trường đua ngựa và nhiều loại hình giải trí khác trên đảo.

Với tiềm lực vốn có sau nhiều năm là đặc khu kinh tế với vị trí thuận lợi để phát triển nhanh chóng kết cấu hạ tầng bao gồm cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ… và nằm kế cận các đô thị và khu vực kinh tế lớn, phát triển như Hong Kong, Macau, Thẩm Quyến…, Hải Nam có đầy đủ và tiềm năng lớn để tiến lên trở thành khu thương mại tự do của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Hải Nam có thể cùng với Thẩm Quyến, Hong Kong, Macau tạo ra một vành đai kinh tế vững chắc của Trung Quốc ở phía Đông Nam.

Ngoài ra, phải nói rằng dù là đặc khu kinh tế hay khu thương mại tự do, thì với địa thế của Hải Nam, nhóm ngành du lịch vẫn là ưu tiên hàng đầu, là điểm nhấn thu hút đầu tư lớn. Trung Quốc khẳng định muốn xây dựng tại Hải Nam mô hình casino, vốn đã vô cùng thành công tại Macau và thêm vào loại hình đua ngựa mới mẻ, nhiều tiềm năng.

Mặc dù vậy, Hải Nam nằm gần khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông, khiến cho việc tiếp cận khu thương mại tự do tương lai này ít nhiều gặp khó khăn.

Đối trọng với Mỹ

Kế hoạch phát triển Hải Nam của Trung Quốc được công bố trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực lập nên những liên minh với các quốc gia tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Úc và Ấn Độ.

Manoj Joshi, một học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát ở New Delhi cho rằng, kế hoạch phát triển Hải Nam là hành động đáp trả (của Trung Quốc) đối với "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" của Washington.

"Đó là một cơ sở hải quân chính ở cực Đông đối với Trung Quốc và Trung Quốc khá tích cực trên Ấn Độ Dương trong thập niên qua", South China Morning Post dẫn lời Joshi.

Gupreet Khurana, giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải Quốc gia (Ấn Độ) cũng thể hiện sự đồng tình rằng, kế hoạch Hải Nam là đòn phản công của Trung Quốc đối với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền ông Trump.

Tương tự như Thẩm Quyến, Hải Nam từ khi trở thành đặc khu kinh tế đã trải qua 3 thập niên phát triển nhanh cơ sở vật chất hạ tầng. Trước tình hình phát triển bất động sản quá nóng, năm 1993, giới chức Bắc Kinh đã phải can thiệp, chặn mọi nguồn cấp vốn cho các dự án xây dựng và phá vỡ bong bóng bất động sản.

Theo nhà kinh tế Trương Quân của công ty chứng khoán Hoa Tân Morgan Stanley, kế hoạch phát triển Hải Nam lần này có ý nghĩa cao hơn những gì Trung Quốc thực hiện trong thập niên 1990.

“Kế hoạch sẽ được thực hiện bởi chính quyền trung ương, trong bối cảnh xây dựng sức mạnh hàng hải và thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR)”, South China Morning Post trích lời ông Trương Quân.

Liu Zongyi, học giả cao cấp thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải thì cho rằng, chiến lược Hải Nam chủ yếu là kế hoạch kinh tế nhưng công nhận khả năng nơi này có thể đóng một vai trò quan trọng cho lợi ích của Trung Quốc trên biển Đông.

"Trung Quốc có căn cứ hải quân ở biển Đông, vì thế Hải Nam rất quan trọng để duy trì ổn định và hòa bình ở đó, cũng như an ninh cho nguồn lực, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc", ông Liu nói.

Còn Richard A. Bitzinger, học giả của Học viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nhận định, một Hải Nam phát triển hơn có thể đóng vai trò như một "xuất phát điểm tốt hơn cho quân đội Trung Quốc".

"Đảo này vốn đã là nơi đặt căn cứ chính cho tàu ngầm hạt nhân", ông Bitzinger nói và cho biết thêm: "Hải Nam là một căn cứ tốt để củng cố cơ sở quân sự của Trung Quốc trên biển Đông. Nơi này cũng đưa năng lực kinh tế và quân sự của Trung Quốc tới gần nhất có thể đối với eo Malacca, eo Singapore, và tiếp cận Ấn Độ Dương".

"Nói cách khác, Hải Nam là nhân tố có lợi của Trung Quốc. Nơi này phù hợp với Vành đai - Con đường về mặt địa lý, lại an toàn về mặt chính trị. Hiện đại hóa Hải Nam sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện ở phía Nam", theo ông Bitzinger./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://www.economist.com/leaders/2015/04/04/not-so-special

http://www.xinhuanet.com/english/2018-04/14/c_137109412.htm

http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2142003/hainan-free-trade-port-plan-create-indo-pacific-gateway

Trang Trần (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư