Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 18-24/6

20:24 | 24/06/2018 Print
- Eurozone xác nhận Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng nợ, hay IMF giải ngân đợt đầu của gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD cho Argentina... là một số sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Eurozone xác nhận Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng nợ

Sáng 22/6, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro dành cho nước này.

Đây là một phần trong thỏa thuận về chấm dứt chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, khép lại tám năm quốc gia này phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Theo một số nguồn tin chính thức, sau 6 giờ đàm phán kéo dài từ đêm 21/6 tới rạng sáng 22/6, các nước thành viên Eurzone đã đạt được một thỏa thuận, theo đó Hy Lạp dự kiến thoát khỏi chương trình cứu trợ tài chính vào ngày 20/8 tới.

Các chủ nợ sẽ giải ngân 15 tỷ Euro (tương đương 17,5 tỷ USD) còn lại trong gói cứu trợ thứ ba nhằm tạo thuận lợi cho nước này dễ dàng thoát khỏi chương trình cứu trợ kéo dài hơn 8 năm qua.

Ngoài ra, các bộ trưởng tài chính thuộc 19 nước thành viên Eurozone cũng nhất trí gia hạn 10 năm đối với các khoản nợ chính trong tổng số nợ bắt buộc của Hy Lạp, hiện chiếm tới 180% GDP, gần gấp đôi sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia thành viên Eurozone này.

Hàng nghìn người đòi Anh bỏ phiếu công khai về điều khoản Brexit

Ngày 23/6, hàng nghìn người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) đã tập trung tại trung tâm thủ đô London để kêu gọi Chính phủ Anh tổ chức bỏ phiếu công khai về các điều khoản đưa Anh rời EU hay còn gọi Brexit.

Chiến dịch mang tên "People's Vote" (Người dân bỏ phiếu) bao gồm một số nhóm ủng hộ EU được triển khai nhằm đảm bảo chính phủ sẽ tổ chức bỏ phiếu công khai để người dân có thể quyết định xem thỏa thuận cuối cùng sẽ giúp tương lai đất nước tươi đẹp hơn hay tồi tệ đi.

Thỏa thuận này được đánh giá là có thể ảnh hưởng tới đời sống của nhiều thế hệ người dân Anh trong tương lai.

Một khảo sát công bố hồi đầu tuần cho thấy 48% người được hỏi ủng hộ trưng cầu ý dân về thỏa thuận cuối cùng, gần gấp đôi tỷ lệ 25% số ý kiến phản đối.

IMF giải ngân đợt đầu của gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD cho Argentina

Ngày 23/6, ngân hàng trung ương Argentina thông báo đã nhận 15 tỷ USD trong đợt giải ngân đầu tiên của gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giúp bình ổn nền kinh tế lớn thứ ba ở Mỹ Latinh này.

Trước đó, IMF thông báo chính thức thông qua gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD nhằm hỗ trợ Argentina ứng phó với tình trạng lạm phát, thâm hụt ngân sách và đồng nội tệ suy yếu.

IMF cho biết đợt giải ngân đầu tiên 15 tỷ USD sẽ góp phần hỗ trợ ngân sách, trong khi 35 tỷ USD còn lại sẽ là "biện pháp đề phòng."

Thuận này sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Buenos Aires đảm bảo sự bền vững của nợ công, giảm nhu cầu hỗ trợ tài chính và giải quyết tình trạng lạm phát trong khi củng cố tính độc lập của ngân hàng trung ương và duy trì chi tiêu cho an sinh xã hội.

Theo thỏa thuận, gói tín dụng mà IMF hỗ trợ Argentina có giá trị trong 3 năm và quốc gia Nam Mỹ này sẽ phải thanh toán làm 8 lần trong 3 năm sau khi được giải ngân. Lãi suất của gói tín dụng này sẽ phụ thuộc vào Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, cũng như lượng tiền mà Argentina sẽ sử dụng.

OPEC nhất trí tăng sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng mỗi ngày

Ngày 22/6, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí sẽ nâng sản lượng dầu thô thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng Bảy tới.

Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khaled al-Faleh xác nhận các bên đã nhất trí với con số 1 triệu thùng mà Saudi Arabia đề xuất khi cho rằng đã đến lúc phải nâng sản lượng dầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và để xoa dịu các quốc gia tiêu thụ chính trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, và Ấn Độ.

Các quốc gia này vẫn luôn cho rằng việc OPEC quyết định cắt giảm sản lượng từ tháng 1/2017 đã đẩy giá dầu lên cao trong thời gian dài.

Đề xuất tăng sản lượng dầu đã được hầu hết các quốc gia OPEC ủng hộ trừ Iran, quốc gia hiện đang đối mặt với những lệnh trừng phạt ngặt nghèo từ Mỹ trong đó có cả những biện pháp nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.

Hàn Quốc sẽ tăng 14,5% ngân sách cho ODA trong năm tới

Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/6 đã ấn định khoản ngân sách cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm tới là 3.500 tỷ Won (3,16 tỷ USD), với trọng tâm là các dự án nhằm giúp các nước đang phát triển “tự đứng vững trên đôi chân mình."

Quyết định này đã được đưa ra trong một cuộc họp của Ủy ban trực thuộc Chính phủ về ODA do Thủ tướng Lee Nak-yon chủ trì. Như vậy, lượng vốn ODA mà Chính phủ Hàn Quốc dành cho các nước đang phát triển trong năm tới sẽ tăng 14,5% so với mức 3.000 tỷ Won trong năm nay.

Trong tổng số 3.500 tỷ Won này, khoảng 2.260 tỷ Won (65%), sẽ được dành cho các dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm tạo nền tảng cho các nước đang phát triển “tự đứng vững trên đôi chân mình.”

Khoảng 154,4 tỷ Won sẽ được chi cho cung cấp lương thực và các dự án chống khủng hoảng nhân đạo khác. Chính phủ Hàn Quốc sẽ đào tạo các chuyên gia về ODA và tạo việc làm cho họ. Khoản ngân sách này sẽ được phân bổ cho 1.472 dự án, tăng so với con số 1.312 dự án trong năm nay./.

Trang Trần (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư