Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 11-17/6

10:01 | 16/06/2018 Print
- Colombia chính thức đề nghị xin gia nhập Hiệp định CPTPP, lãnh đạo Eurozone nhất trí giải ngân thêm 1 tỷ Euro cho Hy Lạp... là những nội dung đáng chú ý trong bức tranh kinh tế thế giới tuần qua.

Colombia chính thức đề nghị xin gia nhập Hiệp định CPTPP

Ngày 15/6, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết Colombia đã chính thức đề nghị xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Phát biểu tại hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Liên minh Thái Bình Dương lần thứ 19 tại thủ đô Mexico, ông Guajardo đưa ra thông báo trên, đồng thời nhấn mạnh việc Colombia, quốc gia thành viên của Liên minh Thái Bình Dương xin gia nhập CPTPP, sẽ giúp gắn kết hai khối thương mại.

CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 tại Chile giữa 11 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Lãnh đạo Eurozone nhất trí giải ngân thêm 1 tỷ Euro cho Hy Lạp

Các nhà lãnh đạo Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) ngày 14/6 nhất trí giải ngân thêm 1 tỷ Euro cho Hy Lạp. Đây là khoản giải ngân mới nhất trong gói cứu trợ tài chính thứ ba kể từ năm 2010 dành cho Xứ sở Vị thần.

Hồi tháng Một, nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup) đã thông qua khoản cứu trợ trị giá 6,7 tỷ Euro (7,8 tỷ USD) cho Hy Lạp. Trước khi giải ngân 1 tỷ Euro kể trên, Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) đã chi cấp 5,7 tỷ Euro cho Athens trong tháng Ba.

Theo kế hoạch, Eurogroup sẽ nhóm họp vào ngày 21/6 tới, với các chuyên gia từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để bàn về chương trình cứu trợ của Hy Lạp, dự kiến sẽ kéo dài cho đến tháng 8/2018.

Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng vì lạm phát thấp

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 15/6 đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng trong bối cảnh lạm phát vẫn “lẹt đẹt” dưới mức mục tiêu, dù các điều kiện kinh tế đã được củng cố.

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định không thay đổi cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn, cũng như quy mô chương trình mua tài sản của mình.

BoJ cũng giữ nguyên đánh giá rằng kinh tế Nhật Bản đang “tăng trưởng vừa phải,” phản ánh sự khởi sắc trong xuất khẩu và chi tiêu/đầu tư, trong khi tiêu dùng tư nhân lại tỏ ra khá “dè dặt.”

GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã giảm nhẹ trong quý 1 năm nay, sau khi tăng trưởng 8 quý liên tiếp trước đó, chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn 30 năm qua, và nhiều chuyên gia dự đoán hoạt động kinh tế của Nhật Bản sẽ hồi phục trở lại.

Trung Quốc công bố danh sách 545 sản phẩm từ Mỹ bị áp thuế bổ sung

Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ phải chịu những mức thuế bổ sung, động thái đáp trả một quyết định tương tự trước đó của Mỹ.

Được Quốc vụ viện (Chính phủ) phê chuẩn, Ủy ban thuế quan Trung Quốc đã quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với 659 sản phẩm của Mỹ trị giá 50 tỷ USD.

Theo tuyên bố của Ủy ban trên, các mức thuế bổ sung đối với 545 mặt hàng trị giá khoảng 34 tỷ USD, bao gồm cả nông phẩm và xe hơi, sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7 tới. Trong khi đó, thời gian áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng còn lại sẽ được thông báo sau.

Tuyên bố khẳng định quyết định này phù hợp với các quy định liên quan của Luật Ngoại thương Trung Quốc và Quy định của Trung Quốc về thuế xuất nhập khẩu cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế./.

Trang Trần (tổng hợp)

© Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư